Những cô cậu 'nông dân' nhí Sài Gòn tự trồng rau sạch để ăn

26/12/2016 10:02 GMT+7

Trên sân thượng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TPHCM) có một vườn rau xanh mát. Điều đặc biệt là vườn rau này do chính các em học sinh tự tay canh tác, chăm sóc và thu hoạch để ăn.

Mỗi giờ ra chơi, các em học sinh lại háo hức lên sân thượng để chăm sóc vườn rau. Những loại rau do chính tay mình chăm sóc lại trở thành nguồn rau sạch cho chính bữa ăn của các em.
Lượng rau dư ra không sử dụng tới cho bữa ăn sẽ được bán lại cho phụ huynh, số tiền thu được đó lấy làm kinh phí cho đợt giống tiếp theo.
VIDEO: Vườn rau trên cao của "nông dân" nhí - THỰC HIỆN: LA VI - LOAN HUỲNH
Vườn rau trên sân thượng của trường ẢNH: LA VI

Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2015-2016, chúng tôi có cải tạo lại sân sau của hội trường để làm thành một vườn rau. Lúc ban đầu, ý tưởng thì có nhưng vấn đề về kinh phí khiến chúng tôi cũng phải suy nghĩ rất là nhiều. Do vậy mà chúng tôi vận động phụ huynh học sinh họ trang bị cho mình những cái kệ, khay rồi đất. Các lớp sẽ chuẩn bị hat giống, các loại hạt giống để gieo trồng.”

Học sinh hào hứng làm nông dân ẢNH: LOAN HUỲNH

Phụ huynh rất là hưởng ứng mô hình của nhà trường. Họ sẵn sang đầu tư trang bị ban đầu và cũng cùng với nhà trường tham gia giáo dục con mình thêm.

Chị Cao Thiên Ngân, phụ huynh trường chia sẻ: “Từ ngày con vô trường Nguyễn Văn Trỗi học, được chăm sóc vườn cây thì mình cũng rất là vui bởi vì khi đi học về, con nói là ở trường mầm non con chỉ được cùng cô tưới thôi chứ con không biết cách gieo hạt, cách chăm sócnó như thế nào, tưới ra sao… Ở đây thì các cô giáo lớp 1 dạy rất là kĩ. Sáng chiều cũng thay phiên nhau cho các con tưới. Sau đó cô giáo nói là cuối tháng sẽ thu hoạch, lấy rau đó nấu bữa ăn cho con. Tôi nghe được vậy cũng rất vui, mình thấy là tự tay con chăm sóc, con yêu môi trường rồi con lại được ăn sản phẩm của mình làm ra. Sản phẩm rất là sạch, mình rất là yên tâm".

Chị Ngân kể thêm, tôi thấy con mình cũng phát triển rất là nhiều kĩ năng: kĩ năng gieo trồng, kĩ năng chăm sóc cây và một số kĩ năng khác. Bên cạnh đó là cũng yêu môi trường, biết bảo vệ môi trường.

Những bài học thực tế thú vị ẢNH: LA VI

Trung bình một lứa rau từ ngày gieo trồng cho đến ngày thu hoạch thì khoảng chừng một tháng. Để phục vụ cho bữa ăn, nhà trường thường thống nhất một loại rau cho mỗi đợt: rau muống, rau cải, rau mồng tơi, cà chua,... Ngoài những đợt thống nhất trồng chung để hoc sinh ăn, các lớp có thể trồng rau mầm hoặc là các loại khác để mình bán cho phụ huynh để thu lại kinh phí mua đợt giống mới.

Cô Phạm Thúy Hà chia sẻ thêm: “Học sinh ở thành phố thật sự ra các em ít có cơ hội để mà trực tiếp chăm sóc cây, gieo trồng, coi được sự lớn của cây hằng ngày. Cho nên đây cũng là một cái mô hình mới giúp các em có thêm kiến thức về tự nhiên xã hội, khoa học. Đối với mô hình trồng rau trong nhà trường như thế này tôi thấy đa số các trrường đều để các em học sinh tự gieo trồng chăm sóc. Không phải nhà trường, người lớn làm mà mục đích là để giáo dục học sinh.”

Các em sẽ thêm yêu thiên nhiên ẢNH: LOAN HUỲNH

Đối với trẻ em thành phố, đây không chỉ là cơ hội được trực tiếp trải nghiệm các công việc của nhà nông mà còn là một mô hình mới giúp các em có thêm kiến thức về tự nhiên xã hội, khoa học.

Em Phạm Gia Tuệ chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui vì rau này là mình tự trồng cho nên mình ăn vô mình cảm thấy rất là ngon, không có bị sâu hay gì hết. Và em rất là mong tới giờ ra chơi để có thể lên đây chăm sóc rau.”

Vườn rau sạch trong nhà kính ẢNH: LA VI

Hơn một năm sau khi áp dụng, mô hình trồng rau trong nhà trường ngày càng phát triển, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh và các nhà tài trợ.

Thông qua mô hình này, học sinh không chỉ phát triển các kỹ năng cần thiết mà các em còn biết quý trọng sản phẩm do mình làm ra. Mô hình trồng rau trong trường tiểu học là một hình thức giáo dục mang lại nhiều giá trị thiết thực, ý nghĩa, rất đáng được nhân rộng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.