TNO

Những cuộc đời đáng sống

14/03/2014 10:45 GMT+7

(iHay) Những cuộc đời đáng sống ký sự truyền hình về cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của những người khuyết tật tại Mỹ.

(iHay) Buổi chiếu phim kết thúc, sau một phút dành cho những cảm xúc còn đọng lại là những lời chia sẻ chân thành của đôi vợ chồng luống tuổi trót mang cái tâm của mình dành cho “những cuộc đời đáng sống”…

 Lives worth living là một ký sự truyền hình về cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của những người khuyết tật tại Mỹ

Lives worth living là một ký sự truyền hình về cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của những người khuyết tật tại Mỹ

Như đã đưa tin, hai nhà làm phim người Mỹ Eric Neudel và Alison Gilkey đã đến Việt Nam để tham gia các buổi trình chiếu bộ phim Lives worth living (Những cuộc đời đáng sống) của họ. Đây là một ký sự truyền hình về cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của những người khuyết tật tại Mỹ.

Có mặt trong buổi chiếu phim lúc 14 giờ ngày 12.3 tại Hội quán Đời Rất Đẹp (thuộc Trung tâm khuyết tật và phát triển - DRD Việt Nam), nhiều khán giả đã không khỏi xúc động trước nội dung đầy tính nhân văn của bộ phim.

Lives worth living lấy bối cảnh nước Mỹ từ sau thế chiến thứ II, khi những người khuyết tật quyết tâm thay đổi cuộc đời của mình, giành cho mình quyền được học tập, làm việc và đối xử như những người bình thường. Họ đã mất hàng trăm năm để âm thầm chịu đựng và âm ỉ đấu tranh. Cho đến khi có một người đàn ông (bị khuyết tật nặng, phải thở máy 24/24) tập hợp những người khuyết tật lại, cùng nhau đấu tranh để đòi chính phủ và xã hội phải công nhận những quyền lợi chính đáng của mình. Họ đã phải kiến nghị, kêu gọi, biểu tình, đấu tranh suốt 7 năm (từ năm 1973 đến năm 1990). Bộ phim kết thúc với việc tổng thống Mỹ George H.W. Bush ký thông qua Luật Người khuyết tật vào ngày 26.07.1990, mở ra một thế giới mới cho những người khuyết tật, khiến cuộc đời của họ trở nên đáng sống hơn.

 Cảnh trong phim Lives worth living: một cuộc biểu tình của những người khuyết tật
Cảnh trong phim Lives worth living: một cuộc biểu tình của những người khuyết tật

Theo ông Eric Neudel, việc thông qua Luật Người khuyết tật là một sự kiện quan trọng của nước Mỹ, làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, nhưng lại rất ít người biết về sự kiện này. Do đó, vợ chồng ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin tài trợ để sản xuất phim.

Ngoài ra, để thực hiện bộ phim với nhiều tư liệu và thông tin chính xác, ông Eric và bà Alison cho biết, họ đã phải mất 5 năm để tìm kiếm các tài liệu lịch sử và những nhân chứng có liên quan đến sự kiện này. Họ lại gặp khó khăn khi rất nhiều tư liệu đã bị hủy vì người ta cho rằng "nó không có gì quan trọng".

 Ông Eric Neudel và bà Alison Gilkey lắng nghe thạc sĩ Lưu Thị Ánh Loan (Phó giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển) chia sẻ về Luật Người khuyết tật ở Việt Nam
Ông Eric Neudel và bà Alison Gilkey lắng nghe thạc sĩ Lưu Thị Ánh Loan (Phó giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển) chia sẻ về Luật Người khuyết tật ở Việt Nam

Và thành quả cho sự kiên nhẫn, cố gắng của Eric Neudel và Alison Gilkey là một bộ phim nhân văn đầy cảm xúc, một bộ phim lịch sử đầy chính xác, theo sát từng bước hình thành của Luật Người khuyết tật Mỹ. Từ năm 2011 đến nay, bộ phim đã được trình chiếu ở nhiều nơi trên thế giới, giúp cho nhiều người biết đến cuộc đấu tranh lịch sử này hơn.

Dường như vẫn chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được, vợ chồng ông Eric còn chia sẻ mong muốn đưa cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của người khuyết tật vào chuơng trình giáo dục bắt buộc trong hệ thống trường học ở Mỹ. Vừa qua, họ đã hoàn thành phiên bản ngắn hơn, phù hợp với học sinh hơn và đang làm việc với Bộ giáo dục và đào tạo Mỹ.

 Từ trái sang: chị Anna Dupont (Tùy viên văn hóa của Lãnh sự quán Mỹ), ông Eric Neudel và bà Alison Gilkey
Từ trái sang: chị Anna Dupont (Tùy viên văn hóa của Lãnh sự quán Mỹ), ông Eric Neudel và bà Alison Gilkey

Trong buổi trò chuyện sau bộ phim, bà Alison Gilkey đã khiến mọi người hiểu vì sao họ dành nhiều thời gian và tâm huyết cho những người khuyết tật đến vậy: “Là mẹ của hai đứa con trai khuyết tật, tôi nghĩ mình hoàn toàn có quyền hợp pháp để vận động cho cộng đồng người khuyết tật. Con trai đầu của tôi sắp tốt nghiệp truờng Đại học dành cho nguời tự kỷ, và tôi sẽ tiếp tục giúp con mình hòa nhập xã hội”.

Ông Eric Neudel  kết thúc buổi trò chuyện với một trích dẫn quen thuộc: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” (Tuyên ngôn Độc lập Mỹ - 1776). Chính vì điều này, ông mong rằng những người khiếm thính, khiếm thị, những người có khiếm khuyết về thần kinh hay bất cứ người khuyết tật nào trên toàn thế giới đều có thể đoàn kết lại, tạo thành một cộng đồng lớn và đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng mình.

 Nhiều khán giả còn tìm đến trò chuyện cùng bà Alison Gilkey sau buối giao lưu
Nhiều khán giả còn tìm đến trò chuyện cùng bà Alison Gilkey sau buối giao lưu

Trở về từ buổi chiếu phim, có lẽ khán giả nào cũng đều cảm phục và biết ơn đôi vợ chồng đáng mến này, họ không chỉ mang đến lịch sử cuộc đấu tranh của những người khuyết tật trên đất nước họ, mà còn mở ra trong lòng người xem những suy nghĩ về cuộc sống của cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam nói riêng và ở bất kỳ đất nước nào trên thế giới nói chung.

 Khán giả chụp hình lưu niệm cùng chị Anna, ông Eric và bà Alison
Khán giả chụp hình lưu niệm cùng chị Anna, ông Eric và bà Alison

Được biết, buổi chiếu phim là hoạt động nằm trong chương trình American film showcase do Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức. Lives worth living sẽ tiếp tục được trình chiếu đến hết ngày 20.3 tại Câu lạc bộ Văn hóa người điếc TP.HCM (108 Lý Chính Thắng, Q.3), Trung tâm khuyết tật và phát triển (91/8E Hòa Hưng, P.12, Q.10), Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (215 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3), Trung tâm Hoa Kỳ (lầu 8, Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, Q.1), Hội Người khuyết tật TP.Cần Thơ (91/31 đường 30/4, Q.Ninh Kiều) và Đại học Cần Thơ.

Phạm Như Quỳnh

>> Choáng ngợp trước những ngôi làng 'đáng sống nhất thế giới
>> Melbourne là thành phố đáng sống nhất thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.