Những dấu tích cuối cùng của Lũy Thầy "kêu cứu"!

05/04/2008 00:27 GMT+7

* Phát hiện 2 tấm bia đá khắc chữ Hán Hiện những đoạn lũy cuối cùng đang bị xâm hại, các tấm bia đá bị đổ bể, nứt gãy thật thảm trạng mà không nhận được sự quan tâm nào từ cơ quan chức năng.

Năm 1992, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã ra quyết định công nhận di tích lịch sử đối với hệ thống Lũy Đào Duy Từ (còn gọi là Lũy Thầy) tại thị xã Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với nhiều giá trị to lớn.

Hai mặt của tấm bia thứ nhất - Ảnh: Trương Quang Nam

Theo hồ sơ lưu tại Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Quảng Bình, Lũy Đào Duy Từ là một hệ thống thành lũy bằng đất, đá được hình thành trong thời gian 3 năm (1630-1634) với tổng chiều dài gần 34 km trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn cách đây gần 4 thế kỷ, gồm có các lũy: Lũy Trường Dục, Lũy Trấn Ninh (Lũy Đầu Mâu) và Lũy Trường Sa. Lũy do Đào Duy Từ - một nhân vật lịch sử được nhân dân đương thời kính trọng tôn bằng thầy - thiết kế, chỉ huy xây dựng nên còn có tên gọi Lũy Thầy. Đây là hệ thống thành lũy phòng thủ chiến lược của Đàng Trong nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của xứ Đàng Ngoài. Sử sách ghi lại nơi đây là chiến trường đẫm máu của hai đội quân Trịnh - Nguyễn giằng co, giành giật quyết liệt trong thời gian dài gần 50 năm của cuộc nội chiến và gắn liền với các sự kiện lịch sử nối tiếp.

Lũy Thầy là một công trình kiến trúc quân sự thời phong kiến ở nước ta, có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử xây dựng thành lũy ở Việt Nam. Thể hiện sự kết hợp một cách khoa học giữa thành lũy, sông ngòi, hầm hào liên hoàn, hỗ trợ cho nhau. Ngoài công dụng quân sự, lũy còn có tác dụng về nông nghiệp, thủy nông, thủy lợi như ngăn gió bão, gió mùa, hạn chế cát bay. Và nhiều nét sinh hoạt văn hóa khác gắn liền...

Tại quyết định công nhận di tích lịch sử của bộ đã ghi rõ các điều: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích, trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao; UBND các cấp thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với di tích. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Trong cả hệ thống, Lũy Đầu Mâu thuộc làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh được cho là còn khá nguyên vẹn. Năm 1631, sau khi xây xong Lũy Trường Dục, chúa Nguyễn chưa yên tâm bèn sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế núi sông vùng Đông Hải để xây thêm thành lũy phòng ngự. Khảo sát xong, Đào Duy Từ tâu: Thần xem từ cửa Nhật Lệ đến núi Đầu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùa lũy sâu rộng, Nguyễn Phúc Nguyên đồng ý cho xây ngay. Bia Định bắc trường thành mô tả Lũy Đầu Mâu như sau: "Lũy Đầu Mâu cao 1 tượng 5 thước (tương đương 6m), phía ngoài đóng cọc gỗ lim, phía sau cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp để voi ngựa có thể bước lên và di chuyển dễ dàng trên mặt lũy. Cứ cách 3-5 tượng thì xây 1 pháo đài để đặt 1 súng thần công, cứ cách 1 tượng thì đặt 1 súng phóng đá, sỏi - tất cả tạo thành một công trình phòng thủ hiểm yếu và kiên cố nhất". Lũy có chiều dài 12 km.

Lũy Thầy đang dần biến mất - Ảnh: Trương Quang Nam

Vượt qua 4 lần suối, leo dốc như dựng đứng khoảng 30 phút nữa chúng tôi đến chân Lũy Đầu Mâu. Cả khu vực này núi non hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp. Đứng ở đỉnh núi cao nhất sẽ thấy thành lũy uốn lượn rõ ràng và rất đẹp trên một dãy núi hướng thẳng ra biển Đông, hai bên dãy núi là vực thẳm. Ngay dưới chân lũy có con đường rộng khoảng 4m, được khoét lằn xuống mặt núi. Nhiều đoạn còn nguyên 5 tầng cấp, đoạn chỉ còn 3 như những bậc thang có kè đá. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là những hố, hào đất (có lẽ là hào công sự) ở trên mặt lũy trải qua thời gian vẫn còn nguyên dạng, không bị vùi lấp, chỉ đôi chỗ bị cây mọc che khuất. Đứng ở đó có thể quan sát toàn cảnh TP Đồng Hới - phía bắc thành lũy. Một người làng Lệ Kỳ tên Dũng đồng ý dẫn đường cho chúng tôi chỉ vào một gốc tre cho biết: "20 năm trước tui đã lên đây chặt củi. Rất có thể đây là tre của họ đem lên đây trồng còn sống đến chừ". Chúng tôi đã tìm thấy 2 tấm bia đá có khắc chữ Hán. Tấm thứ nhất có khắc chữ Hán cả 2 mặt, được chôn ngay chân lũy, có chiều cao (phần trên đất) khoảng 1,2m, rộng khoảng 0,6m, dày khoảng 0,2m; hiện bị nứt nhiều đường, một phần phía trên đã đứt rời rơi xuống đất. Qua lời chỉ dẫn, đi tiếp theo hướng tây khoảng 1,5 km chúng tôi thấy thêm một bia đá khổ tương tự nhưng chỉ khắc chữ một mặt. Tấm bia đã bị gãy làm đôi, sứt góc phía trên, nằm sõng soài, thê thảm dưới lớp bụi đất và cây rừng cháy đen. Khu vực này rất cao, các lớp đã xếp làm thành lũy còn nguyên. Theo một số người dân trong vùng, có thể còn một vài tấm bia tương tự nằm ở vị trí khác.

Chúng tôi đến Bảo tàng tỉnh Quảng Bình nhờ đọc và tìm ra phần nào ý nghĩa từ các chữ Hán khắc trên bia nhưng không ai "đọc" được và hẹn vài ngày sau sẽ tìm người giúp. Được biết, các cán bộ, nhân viên của bảo tàng cũng chưa có ai đặt chân đến đó. Rất may chúng tôi tìm được ông Trương Quang Phúc - Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Quảng Bình. Sau khi phán đoán những chữ bị mờ, mất kết hợp với các chữ đọc được và sử liệu Lũy Thầy, ông Phúc tạm đọc bia 1: "Tiệp phòng thổ phần dĩ hạ", nghĩa: "Nơi biên thùy có thể đánh thắng giặc". Bia 2: "Tả tiệp thùy thổ phần dĩ hạ", nghĩa: "Có khả năng đặt súng hay chỗ đánh thắng được phần bên trái".

Khu vực này dân địa phương gọi là động Trốc Trâu, hiện đã được "phân lô" giao đất cho người dân trồng rừng, lấy thành lũy làm ranh giới, phía bắc thuộc TP Đồng Hới đã trồng tràm và keo lai lớn ngang đầu người còn phía nam thuộc huyện Quảng Ninh. Chúng tôi gặp ông Tuyết, một trong nhiều người lên trồng rừng dọc theo Lũy Thầy đang cùng với 2 người nữa đi dặm cây tràm. Ông cho biết đây là phần đất giao cho ông theo thời hạn 50 năm, ông đã lên trồng được 14 năm, ngày trước trồng dưới chân núi, vừa mới lên chỗ lũy đốt cây bụi, gỗ nhỏ để trồng cây vào năm trước. Họ trồng ngay trên chân lũy, mặt lũy. Như thế chỉ sau vài năm thì lũy Đầu Mâu sẽ biến mất bởi sự ăn mòn của rễ cây và những nhát cuốc đào hố trồng cây.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.