Những đêm trắng...

23/08/2020 07:24 GMT+7

Hình ảnh những chiến sĩ trẻ nằm nghỉ vất vưởng trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh tại sân bay các lần đón công dân về nước cách ly khiến nhiều người phải nghẹn lòng.

Đấy là những chiến sĩ trẻ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, mỗi tuần 3 - 4 lần, các chiến sĩ ấy phải trắng đêm ở sân bay để đón và đưa công dân về nước cách ly. Từ những khâu như: đưa công dân về các khu cách ly, sắp xếp phòng, lo các thủ tục kiểm tra y tế đến việc khuân vác hơn 1.000 kiện hành lý trong những bộ đồ bảo hộ cồng kềnh…; những lúc như thế, làm xong ai cũng như chẳng còn sức lực nào, chỉ kịp nằm nghỉ vội trong bộ đồ bảo hộ đã thấm mồ hôi ướt sũng người.
Những đêm trắng...

Khuân vác hành lý cho công dân về nước từ trưa hôm nay đến tận sáng sớm ngày hôm sau

ảnh: NVCC

VIDEO Nữ bác sĩ 2 lần hoãn cưới, từ Nghệ An vào Đà Nẵng chống Covid-19

“Chuyện thường tình”

“Cứ hôm nào nhận lệnh đi đón công dân về nước thực hiện cách ly thì trắng đêm là chuyện thường tình”, Đặng Thanh Tịnh (24 tuổi, Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa) cho biết khi được hỏi về tần suất làm việc.

Thật sự những lúc đó các chiến sĩ mệt quá nên dù là nền đất cũng nằm xuống để ngả lưng, chứ chẳng ai dám chợp mắt dù có mệt cỡ nào. Trách nhiệm và công việc của mình nên chẳng ai dám ngủ

Đặng Thanh Tịnh (Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa)

Kể về công việc của những chiến sĩ ở đây, anh Đỗ Như Tùng, Trưởng ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, cho biết cứ mỗi lần đi đón công dân là đội hình phải đi từ 8 giờ tối, có hôm phải đi từ 12 giờ trưa đến 4 hoặc 5 giờ sáng là chuyện bình thường.
“Vì không chỉ đón mà còn phải phụ trách luôn khâu hành lý của công dân, có công dân về mà đến 15 kiện hàng, nên nhiều khi chỉ có 3 khách là đã đầy hết một chiếc xe tải chở hành lý. Mà để khuân vác được hết tất cả hành lý này lên xe đưa về khu cách ly rồi lại chuyển hành lý xuống cho từng công dân là cả một vấn đề đối với các chiến sĩ, vì phải mặc trên người bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, khó vận động”, anh Tùng chia sẻ.
“Có đợt 359 công dân về mà hành lý từ 800 - 1.000 kiện hàng, đa phần những chuyến bay đưa công dân về nước này đều ưu tiên những phụ nữ mang thai, người già và trẻ em. Chính vì thế, khâu khuân vác hành lý đều do tụi mình đảm trách cả. Mỗi lần đi đón như vậy có khoảng 10 thành viên, tụi mình phải chia ra để thay phiên nhau, bạn nào nóng quá không chịu thấu thì ra ngồi nghỉ một lát, có như thế mới làm được suốt cả đêm trong đồ bảo hộ như vậy, chứ không rất dễ bị sốc nhiệt và xỉu vì mất sức. Và phải mang theo rất nhiều nước để uống vì mồ hôi ra quá nhiều nên mất nước rất nhanh, thật sự mỗi lần chuyển hành lý xong là ai cũng hoa hết cả mắt”, Tịnh kể.
Cũng theo lời Tịnh, dù chuyển xong hành lý mệt là thế, nhưng các chiến sĩ vẫn chưa được nghỉ ngơi mà phải đưa công dân về từng khu cách ly rồi sắp xếp phòng, phát nhu yếu phẩm, hỏi bệnh lý, làm hồ sơ, đo thân nhiệt cho từng người… đến tận 4 - 5 giờ sáng.
“Làm xong, nhiều khi chỉ được nằm ngủ khoảng 30 phút là 5 giờ 30 phải dậy phun xịt khuẩn từng phòng rồi lo bữa ăn buổi sáng cho công dân cách ly. Sau bữa ăn sáng lại tiếp tục việc đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe...”, Tịnh nói thêm.

Tổng hợp Covid-19 ngày 22.8: Nỗi lo từ những bệnh nhân là tiểu thương ở chợ

Mệt đến không ăn nổi cơm

Điều đặc biệt là làm vất vả như vậy nhưng không thể thay ca mà thành viên nào tham gia đi đón là phải đi xuyên suốt. “Công việc này không chỉ vất vả mà độ nguy hiểm của nó rất cao, nên cần những người có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn. Vì thế, người nào đi là chấp nhận việc sẽ đi từ đầu đến cuối và ở mãi trong khu cách ly cùng công dân về nước. Không những thế, các thành viên tham gia đi đón đều nằm trong đội phục vụ, nên dù tối nay đi đón công dân về đến gần sáng nhưng ngày hôm sau vẫn phải tỉnh táo để làm tất cả mọi công tác ở khu cách ly, vì nếu không làm thì sẽ không có ai phục vụ công dân”, anh Tùng cho biết.
Nhắc đến những hình ảnh ghi lại cảnh các chiến sĩ nằm nghỉ vất vưởng trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, Tịnh chia sẻ: “Thật sự những lúc đó các chiến sĩ mệt quá nên dù là nền đất cũng nằm xuống để ngả lưng, chứ chẳng ai dám chợp mắt dù có mệt cỡ nào. Vì nhiều khi chợp mắt một lát rồi lại sợ thiếu hay lọt mất người cách ly thì không biết phải thế nào. Hơn nữa, trách nhiệm và công việc của mình nên chẳng ai dám ngủ”.
Khi được hỏi: “Công đoạn nào là vất vả nhất?”, Tịnh trả lời công đoạn nào cũng vất vả cả, như lúc đầu khi tiếp nhận và đón người cách ly ở sân bay thì mệt cái đầu vì lo sợ sẽ lạc hay thiếu người, đến khâu khuân vác hành lý thì mệt cái thân, rồi lúc về đến khu cách ly thì vừa mệt đầu vừa mệt thân vì phải lo tất cả mọi khâu...
Mỗi lần kể về công việc của mình, Tịnh hay các chiến sĩ  trẻ khác lúc nào cũng nói với giọng điệu rất hài hước. Tịnh ví những đợt đi đón công dân của mình như những chuyến đi để giảm cân hiệu quả: “Chị em nào muốn giảm cân thì cứ liên hệ với tụi mình để chỉ cách hiệu quả nhất. Vì chỉ từ cuối tháng 6 đến giờ mà mình đã giảm hơn 6 kg rồi. Vì mặc đồ bảo hộ mà làm việc nặng nên càng ra nhiều mồ hôi, rồi về mệt quá lại không ăn cơm được, do đó giảm cân rất nhanh”., đón công dân

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 23.8: Sáng thứ 3 liên tiếp không có ca mắc mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.