Những điều ít biết về cuộc chiến chống al-Qaeda

08/09/2011 22:05 GMT+7

Mười năm sau sự kiện 11.9, cuộc chiến chống khủng bố để truy quét al-Qaeda do Mỹ phát động vẫn còn chứa đựng nhiều thông tin chưa được tiết lộ.

Mới đây, tạp chí Foreign Policy giới thiệu cuốn sách Counterstrike: The Untold Story of America's Secret Campaign Against al-Qaeda (Chuyện chưa kể trong chiến dịch bí mật của Mỹ truy quét al-Qaeda) ra mắt hồi tháng 8. Cuốn sách này được viết bởi hai phóng viên lừng lẫy của tờ The New York Times là Eric Schmitt và Thom Shanker và được giới truyền thông và các chuyên gia đánh giá rất cao. Đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn im lặng về nội dung của nó. Trong đó, Foreign Policy điểm qua một số chi tiết khá bất ngờ.

Từng có ý định thương thuyết

Sau vụ tấn công chấn động ngày 11.9.2001, Tổng thống Mỹ George W.Bush thề không bao giờ đàm phán với khủng bố. Thế nhưng, một số quan chức cao cấp giấu tên tiết lộ vài tháng sau ngày kinh hoàng nói trên, chính quyền Bush tỏ ý muốn đối thoại với Osama bin Laden. Quá trình liên lạc được thực hiện thông qua những công ty liên quan với gia tộc bin Laden. Tuy nhiên, một sĩ quan tình báo cấp cao liên quan trực tiếp đến việc tiếp cận cho biết khi đó Mỹ chỉ muốn xem có “nói chuyện” được với bin Laden hay không chứ cũng chưa xác định nội dung cụ thể. Cuối cùng, nỗ lực bất thành vì bin Laden không trả lời.

Tổng thống nổi giận vì “đám cưới”

Cả FBI lẫn CIA đều sử dụng từ “đám cưới” làm mật hiệu ám chỉ các mối đe dọa tấn công khủng bố quy mô lớn. Điều này khiến lực lượng an ninh suýt bố ráp một đám cưới thật vào năm 2002 với cô dâu và chú rể thuộc hai gia đình người Mỹ gốc Pakistan. Khi đó, Tổng thống Bush rất giận dữ và đã ra lệnh cho lãnh đạo hai cơ quan nói trên xem lại cách thức tìm kiếm và đánh giá thông tin.

Mỹ từng tính đe dọa Mecca

Nỗi lo sợ về một cuộc tấn công thứ hai có quy mô như vụ 11.9 khiến Washington nghĩ đến những ý tưởng trả đũa cường điệu nhất. Một số giới chức Mỹ từng đề nghị nên công khai đe dọa đánh bom Mecca, thánh địa của Hồi giáo ở Ả Rập Xê Út, nếu lại phát hiện âm mưu khủng bố của al-Qaeda. Tất nhiên, ý tưởng này bị gạt bỏ vì Mỹ có “ăn gan trời” cũng không dám đụng đến nơi thiêng liêng của Hồi giáo. Chưa kể, Ả Rập Xê Út là đồng minh thân cận của nước này.

Chuẩn bị đột kích Iran

Nhiều nguồn tin tình báo khiến Washington tin rằng một số thành viên chủ chốt của al-Qaeda đang trú ẩn tại phía bắc Iran, nơi Mỹ không thể công khai bắt người. Vì thế, giới chức đã lên kế hoạch sử dụng đặc nhiệm SEAL đột kích vào Iran để bắt giữ hoặc tiêu diệt các đối tượng này. Theo dự định, 30 đặc nhiệm SEAL sẽ đổ bộ vào Iran bằng tàu ngầm nhỏ và đã tiến hành 3 buổi diễn tập tại một địa điểm bí mật ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn cộng thêm nỗi ám ảnh sau lần giải cứu con tin thất bại vào năm 1980 ở Tehran khiến kế hoạch trên bị hủy bỏ.

Quá tải vì tài liệu

Với hàng ngàn cuộc đột kích vào các cơ sở của al-Qaeda, Mỹ thu giữ hơn 2 triệu tài liệu tình báo và phải sử dụng một kho khổng lồ để cất giữ và phân loại. Vì mỗi tài liệu đều phải được phân tích cẩn thận nên các chuyên gia Mỹ bị quá tải và đến nay chỉ mới xử lý được một phần nhỏ số hồ sơ này.

Trừ khử người ban phước

Mỗi nhóm khủng bố đều có một giáo sĩ làm nhiệm vụ ban phước cho những kẻ đánh bom tự sát. Nếu vị giáo sĩ chết thì các phi vụ tấn công sẽ bị hoãn cho đến khi có người thay thế. Vì thế, Mỹ đã chọn giải pháp trừ khử các giáo sĩ ban phước để ngăn chặn các cuộc tấn công.

Mỹ nâng báo động ở các căn cứ

Theo website của Lầu Năm Góc, cơ quan này vừa quyết định nâng cao mức báo động đối với các căn cứ quân sự Mỹ trên thế giới để bảo đảm an ninh tối đa trong dịp tưởng niệm 10 năm sự kiện 11.9. Tuy nhiên, giới chức khẳng định đây chỉ là động tác phòng ngừa và chưa phát hiện nguy cơ khủng bố cụ thể nào.

Trong khi đó, ngày 7.9, hơn 3.000 học sinh và giáo viên phải sơ tán khẩn cấp khỏi trường Trung học San Clemente ở bang California sau khi nhà chức trách phát hiện một lá thư dọa đánh bom. Lá thư được tìm thấy trong phòng của nam y tá hải quân Daniel Morgan, theo AFP. Morgan, 22 tuổi, đóng quân tại một căn cứ gần trường học nói trên và hiện đang bị thẩm vấn.

Đến ngày 8.9, cảnh sát Đức bắt giữ hai người với cáo buộc âm mưu đánh bom thủ đô Berlin, theo AFP. Cảnh sát đã theo dõi hai người này trong nhiều tháng và nghi rằng họ mua hóa chất chế tạo bom.

Eric Schmitt là phóng viên chuyên trách các vấn đề khủng bố. Từ sau vụ 11.9, ông đã nhiều lần đến Afghanistan, Iraq, Mali, Pakistan và Đông Nam Á để tìm hiểu hoạt động chống khủng bố. Thom Shanker thì chuyên trách về an ninh quốc gia, quân sự cũng như các thông tin từ Lầu Năm Góc. Trước khi gia nhập The New York Times vào năm 1997, ông là phóng viên quốc tế nổi tiếng của tờ The Chicago Tribune. Quá trình bám sát lâu dài giúp hai tác giả có được nhiều thông tin mật được giữ kín trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ suốt 10 năm qua.

Hoàng Đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.