Những điều làm nên phép lạ Chile

14/10/2010 22:48 GMT+7

Cuộc giải cứu thợ mỏ Chile sẽ bất thành nếu thiếu sự đồng lòng của chính phủ và người dân, cũng như sự đấu tranh không khoan nhượng của gia đình nạn nhân.

Cơn ác mộng dài nhất trong lịch sử hầm mỏ đã kết thúc một cách tốt đẹp và nhanh hơn những dự đoán trước đó. Trong một chiến dịch giải cứu hoàn hảo, 33 thợ mỏ đã được đưa ra khỏi “nấm mồ” sâu khoảng 700m dưới lòng đất. Ban đầu giới chức Chile cho hay có thể mất đến 4 tháng mới cứu được các nạn nhân và thời gian khủng khiếp này trong thực tế đã được rút ngắn còn 70 ngày. Hôm qua, người cuối cùng rời khỏi căn hầm sâu là nhân viên cứu hộ can đảm Manuel Gonzalez, người đầu tiên xuống đón các thợ mỏ. Theo phân tích của CNN, có nhiều nguyên nhân làm nên kỳ công lịch sử này.

Sức ép từ gia đình nạn nhân

Khi giới chủ mỏ trì hoãn đến 4 giờ mới báo cho thân nhân thợ mỏ về sự cố sụp hầm, các gia đình lập tức cảm thấy có điều không ổn. Họ ùa đến khu mỏ San Jose ngay tức khắc và liên lạc với giới truyền thông để giúp đánh tiếng về tai nạn. Đồng thời, các gia đình liên tục gây sức ép yêu cầu chính phủ phải đảm nhận vụ giải cứu và áp dụng mọi phương pháp tìm kiếm có thể. Khi đã tìm thấy các thợ mỏ, gia đình họ không ngừng hỗ trợ thân nhân, ban đầu là thông qua những lời tâm sự, động viên sau đó là cung cấp quần áo, sách vở...

Tinh thần vững vàng

Khi những thợ mỏ được phát hiện vẫn còn sống, Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố đó không phải là phép mầu của định mệnh. Ông khẳng định chính các thợ mỏ đã tạo nên kỳ tích này bằng việc cố gắng giữ sức khỏe và hoạt động có tổ chức. Đốc công Luis Urzua đã phân phát từng muỗng cá hồi cho các thợ mỏ mỗi ngày và tổ chức cuộc sống rất trật tự. Bộ trưởng Khai khoáng Laurence Golborne cho hay khi liên lạc xuống lòng đất, ông chờ đợi những tiếng la hét hoảng loạn kêu cứu. Nhưng ông vô cùng ngạc nhiên khi người thợ nghe điện thoại trả lời một cách bình tĩnh: “Để tôi chuyển điện thoại cho đốc công”, như thể ông đang gọi đến khu mỏ trong giờ làm việc thường ngày.

Máy móc hiện đại

Công ty mỏ quốc gia đã tìm kiếm những thiết bị tốt nhất trên thế giới để thực hiện cuộc giải cứu. Về thiết bị video, họ chọn Nhật Bản. Cáp vận chuyển lồng cứu hộ là của Đức. Còn máy khoan là của Mỹ. Bên cạnh đó, Chính phủ Chile đã nhờ NASA tư vấn về tâm lý thợ mỏ khi bị nhốt trong điều kiện tù túng, chọn thực phẩm tốt nhất cho họ và trợ giúp chế tạo lồng cứu hộ Phượng Hoàng. Nhân đây cũng xin đề cập đến những món ăn của các thợ mỏ trong những ngày qua, trong đó có thịt bê sốt kem chua, gà nướng, đậu lăng và cơm, tất cả đều được xử lý đặc biệt để chống nhiễm khuẩn trong quá trình đưa xuống đất.

Vai trò của chính phủ

Tổng thống Sebastian Pinera và các quan chức liên quan đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong khủng hoảng. Bộ trưởng Golborne có mặt thường trực tại trại Hy vọng để giải thích tường tận các kế hoạch giải cứu cho gia đình thợ mỏ. Tổng thống Pinera cũng thường xuyên đến nơi này và dùng ảnh hưởng kêu gọi bất cứ sự hỗ trợ kỹ thuật nào có thể. Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich trực tiếp theo dõi việc chăm sóc sức khỏe của các nạn nhân và thực đơn ăn uống của họ. Hình ảnh ông Pinera ôm chặt từng người một khi họ bước ra khỏi lồng cứu hộ hay rơm rớm nước mắt cùng hô to “Chile” đã làm hàng triệu người cảm động. Cũng không khó hiểu khi tỷ lệ ủng hộ vị tổng thống vừa đắc cử hồi tháng 1 vừa qua đã tăng vọt.

Sự kiện giải cứu thợ mỏ thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên khắp thế giới. Theo CNN, đây là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trong cộng đồng mạng, chỉ thua các trận đấu ở World Cup và lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Một số câu hỏi được đề cập nhiều nhất trên các mạng xã hội, diễn đàn là tình trạng viêm da do sống lâu trong bóng tối và điều kiện ẩm ướt dù các thợ mỏ vẫn giữ vệ sinh thân thể khá tốt. Các thợ mỏ đều được mặc bộ trang phục thiết kế chống sốc nhiệt và ngăn chặn lây lan bệnh truyền nhiễm qua da khi họ ôm chầm lấy người thân. Có cư dân mạng thậm chí nghĩ đến việc biến khu mỏ trên thành điểm tham quan du lịch nhưng chuyện này rất khó khả thi. Mỏ San Jose nằm tại sa mạc Atacama, một trong những khu vực khô cằn nhất trái đất, đến cây xương rồng cũng không thể sống được và điều kiện địa chất thường xuyên thay đổi.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.