Những dòng ân tình của mẹ

19/06/2009 14:05 GMT+7

(TNO) Buổi chiều, nhận được cú điện thoại báo tin mẹ vừa vào viện cấp cứu, sau mấy ngày bệnh không thuyên giảm. Chợt đau nhói trong tim. Hóa ra bức thư hồi âm của mẹ mà tôi vừa nhận được là bức thư mẹ viết giữa những cơn khó thở. Vậy mà vừa đọc thư mẹ tôi đã vừa cười: kỳ này mẹ viết thư có nhiều dòng chữ chồng lên nhau quá, phải vừa đọc vừa “dịch” quá là lâu...

Mẹ tôi thích đọc thư lắm. Chị tôi đi học xa nhà, thư cho mẹ đánh bằng máy vi tính, kỳ công kẻ khung, tìm kiểu chữ thật đẹp để in ra. Vậy mà mẹ lại bảo: “Có đánh máy cũng nhớ viết thêm vài dòng bằng tay cho mẹ”. Chị cười: “Mẹ già nên lẩn thẩn!”. Mẹ nói: “Mẹ nhớ nét tay con! Mỗi lần nhớ con, mẹ chỉ cần mở thư ra là nhìn thấy con. Nét chữ - nét người”.

Thế là từ đó, chị em chúng tôi ai đi học xa cũng thường viết thư về cho mẹ, để mẹ khỏi mong ngóng. Viết thư cho mẹ rất thoải mái, vì mẹ chẳng bao giờ trách sao thư không dài, không hay, sao viết lung tung như nhớ cái gì là viết ra cái đó… Đặc biệt là bao giờ mẹ cũng hồi âm liền. Ai từng xa nhà biền biệt mới hiểu hết cảm giác bồi hồi xúc động khi nhận được thư mẹ.

Thật lạ, mẹ tôi học không cao, nói năng không văn hoa, nhưng lời của mẹ rất chân tình, ai nghe cũng thích. Đi du lịch xa về, mẹ viết thư cảm ơn gia đình vừa nồng hậu đón tiếp mình. Đi dự tiệc cưới, mẹ luôn viết thêm những dòng chúc mừng nắn nót trong một tấm thiệp kèm theo tiền mừng.

Em tôi say mê thư pháp, từng tự hào vì mình biết thể hiện được cái hồn của chữ, cái tài hoa của bàn tay cầm bút, vậy mà em thường bâng khuâng bảo: “Có thể mẹ không biết thế nào là độ loang mực, là cách tạo chữ có hình tượng hay không có hình tượng. Mẹ càng xa lạ với ngay cả cách gọi tên các đường nét Ức, Dương, Đôn, Tỏa, Trì, Tốc, Hoàn, Khẩn, Khinh, Trọng… Nhưng mẹ đã trao cái tâm, thổi cái hồn vào con chữ bằng tất cả trái tim người mẹ. Cho nên dù chữ mẹ to kềnh càng, em vẫn thấy chữ của mẹ là đẹp nhất!”.

Mẹ kể, bà ngoại ngày xưa chỉ cho các bác trai đi học. Kháng chiến chống Pháp, mấy bác trai đi bộ đội hết, viết thư về mà ở nhà chẳng ai biết đọc. Mọi người cứ bần thần vào ra, nhìn thư rồi hết cười lại mếu. Mẹ tôi lúc đó mười lăm tuổi, chợt nảy ra ý định thuyết phục bà: đi học để đọc được thư các anh, không phải ngược xuôi nhờ người đọc hộ nữa; với lại không biết đọc thư thì sau này không có người yêu là bộ đội được đâu, thanh niên tiến bộ cũng chẳng chịu lấy cô vợ mù chữ đâu! Bà sẽ chẳng có chàng rể giỏi giang được. Bác Hồ cũng gọi mù chữ là giặc dốt đấy, đi học cũng là đánh giặc!... Thế là bà cho mẹ đi học lớp bình dân học vụ.

Sau này, mẹ theo ba vào Nam, thường viết thư thăm bà, thăm các bác và rủ chúng tôi viết cùng. Mẹ bảo: “Người già cô đơn lắm, chỉ cần có nét chữ của con cháu là như có con cháu bên cạnh…”.

Ngày mai là cuối tuần, tôi sẽ gác lại mọi chuyện để đáp chuyến xe đêm nay về thăm mẹ. Đà Lạt quê tôi mùa hè mưa nhiều lắm, người già cứ theo nhau vào bệnh viện trong những đợt gió lạnh tái tê trái mùa. Lòng tôi thổn thức nguyện cầu: mong sao chỉ là một cơn trái gió trở trời mà thôi, mẹ sẽ mau khỏe lại. Nhất định tôi sẽ siêng viết thư cho mẹ nhiều hơn, để mẹ được chăm chú đọc đến thuộc thư con, được cặm cụi ngồi viết những dòng thư dặn dò ân tình với nét chữ run run của người già gần 80 tuổi. Dù mẹ có viết nhiều dòng chồng lên nhau hơn nữa, tôi cũng sẽ luôn nâng niu đọc thư mẹ bằng cả trái tim mình - trái tim của một đứa con vừa chợt nhận ra mình diễm phúc còn có mẹ. 

Diệp Phi Hùng
(TP.HCM)

 

>> XEM THỂ LỆ CUỘC THI

>> XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.