Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi

08/09/2016 20:48 GMT+7

Xin kể lại những chuyện tôi đã được chứng kiến trong những năm sống ở đây về cách người Ý đối xử với những trẻ em thiệt thòi như khuyết tật, Down, tự kỷ.

Có đôi khi cuộc sống bận rộn nơi này cuốn tôi đi, khiến tôi quên mất khái niệm về thời gian, có lúc giật mình vì thấy thời gian nhanh như tên bắn, tôi đã ở Ý được hơn 5 năm rồi.
Tôi còn nhớ năm đầu tiên ở Ý tôi đã từng chán chường và không thôi nung nấu ý định trở về Việt Nam. Phần vì chưa biết tiếng Ý, phần vì không có việc làm, phải sống phụ thuộc vào chồng rất khó chịu, thêm nữa ở Hà Nội tôi có bạn bè yêu quý, tôi nhớ quay quắt từng góc phố Hà Nội, nhớ những buổi trà chanh chém gió, những chuyến đi phượt vùng cao nắng gió...
Cậu bé luôn được các cô giáo hay huấn luyện viên nhiệt tình giúp đỡ

Thế rồi tôi cũng hoà nhập với nước Ý tự lúc nào, nước Ý giờ là nhà còn Việt Nam là quê hương. Nếu ai hỏi tôi có muốn về Việt Nam không, câu trả lời sẽ rất khó vì tôi yêu Việt Nam nhưng để chọn được sống thì tôi chọn đất nước này.
Có rất nhiều lý do để yêu đất nước hình chiếc ủng xinh đẹp này nhưng lý do chính mà nước Ý hoàn toàn chinh phục trái tim tôi đó là một nước Ý của những con người nhân văn, nhân ái.
Tất nhiên ở bất cứ đâu cũng có người tốt, người xấu nhưng chưa ở đâu tôi gặp nhiều người tốt như ở đây. Kể chuyện về những người Ý nhân hậu thì rất dài. Tôi chỉ xin kể lại những chuyện đã chứng kiến trong những năm sống ở đây về cách người Ý đối xử với những trẻ em thiệt thòi như khuyết tật, hội chứng Down, tự kỷ.
Cái ôm thật chặt của bạn sau khi cậu bé bị Down này vừa hoàn thành đường chạy của mình
Từ khi con gái tôi 6 tuổi, hàng ngày đưa con đi học bơi tôi luôn gặp các bố mẹ đưa con bị khuyết tật, Down đi bơi đều đặn. Các giáo viên luôn xếp lớp học bơi tối thiểu một bạn bị một vấn đề nào đó cùng với các bạn bình thường khác.
Điều đó tạo nên sự bình đẳng và cơ hội cho các bé bình thường khác có thể kết bạn và giúp đỡ bạn thiệt thòi hơn mình. Nên trẻ con ở đây nhìn chung không lạ lẫm với các bạn bị Down hay khuyết tật và thậm chí còn luôn giúp đỡ các bạn ấy nếu có dịp.
Ở trường cũng không có lớp đặc biệt dành cho trẻ mắc các vấn đề này, nếu năm học mới có trẻ bị hội chứng Down hay tự kỷ nhập học, các bạn ấy sẽ được chia đều vào các lớp bình thường, nếu lớp nào có trẻ bị các bệnh này sẽ có sỉ số ít hơn các lớp khác khoảng 5-6 học sinh để cô giáo có thể tập trung hơn đến học sinh đặc biệt của mình.
Hàng năm trước khi kết thúc năm học, nhà trường luôn tổ chức một cuộc thi chạy khá chuyên nghiệp ở sân vận động cho các bạn học sinh cùng khối. Tôi là nhiếp ảnh gia nên hay mang theo máy ảnh lớn và ống kính dài đi chụp các con.
Một cái bắt tay và cổ vũ “bạn giỏi lắm” từ một người bạn khác
Hai năm gần đây, họ gửi thông báo yêu cầu các bố mẹ ngồi trên khán đài cổ vũ, việc chup ảnh được dành cho một thanh niên 18 tuổi bị hội chứng Down thực hiện. Họ muốn dành cơ hội đặc biệt này cho niềm đam mê nhiếp ảnh, họ muốn cậu ấy được làm việc và cảm thấy có ích, trách nhiệm với cộng đồng.
Tôi đã rất xúc động và hoàn toàn vui vẻ với quyết định này. Nên hai năm nay khi đi xem các con thi chạy tôi luôn đứng sau cậu ấy, nếu cậu ấy cần giúp đỡ tôi sẵn sàng truyền đạt những thứ cậu chưa thành thạo.
Cuối buổi thi chạy sẽ có lễ trao giải, sau các giải nhất nhì ba thì sẽ có một số phần quà khuyến khích bằng màn bốc thăm, một em bé bị Down luôn được mời lên bốc thăm để gọi tên các bạn trúng phần thưởng. Tôi nhìn các bạn khác vây quanh em ấy, ôm và thơm má em ấy mà thấy thật ấm lòng.
Cậu bé này được chọn nhảy chính trên sân khấu trong buổi biểu diễn có quy mô lớn ở nhà hát thành phố
Con gái tôi hai năm nay tham gia "boy scout" (hướng đạo sinh) một hoạt động cực kỳ nhân văn và rèn luyện trí tuệ, thể lực, kỹ năng sống và khả năng hoà nhập với thiên nhiên.
Trong gần 50 hướng đạo sinh có một em trai bị Down, em luôn được khen ngợi, giao những việc quan trọng như điểm danh và đọc tên các bạn, hô khẩu lệnh chào cờ, các bạn khác được giao nhiệm vụ luôn sát cánh và giúp đỡ bạn ấy.
Năm đầu tiên đi cắm trại trên núi một tuần còn có mẹ bạn ấy đi cùng, năm thứ hai đội trưởng quyết định để bạn ấy hoàn toàn độc lập không cần mẹ. Sau một tuần trở về, bạn hoàn toàn vui vẻ và tiến bộ rõ rệt nhờ có sự giúp đỡ của các bạn khác. Bố mẹ bạn đã rơm rớm nước mắt khi đón con về vì thấy rắn rỏi, vui vẻ hoạt bát hơn.
Mỗi khi cậu bé hoàn thành bước nhảy đẹp, cả nhà hát lại vỗ tay tán thưởng không ngớt
Trong buổi biểu diễn nghệ thuật cuối năm có quy mô gần như hoành tráng nhất ở nhà hát thành phố, tôi đã rất ấn tượng khi có đến 2 bài nhảy mà những giáo viện dạy nhảy đã cho một em bé bị Down tham gia làm người nhảy chính. Mỗi khi cậu bé hoàn thành một động tác đẹp là khán giả vỗ tay không ngớt.
Không chỉ ngưỡng mộ sự nhân ái của cộng đồng dành cho các em nhỏ thiệt thòi mà tôi còn ngưỡng mộ chính những người đã sinh thành ra các em. Tôi thấy họ kiên trì và nhẫn nại với con, tự hào về con mình và thường xuyên đưa các em đi tham gia các hoạt động ngoại khoá, đi du lịch...
Tôi từng chứng kiến một em bé bị khuyết tật nặng với nửa khuôn mặt bị biến dạng được bố mẹ đưa đi tham gia lễ hội hoá trang, ông bố đã không ngừng chụp ảnh con gái trong bộ trang phục công chúa với ánh mắt đầy yêu thương và tự hào.
Cậu bé được chọn làm người bốc thăm và gọi tên các bạn trúng phần thưởng may mắn, phía sau là cậu nhiếp ảnh gia cũng bị Down mà tôi đã kể trong bài
Sẽ còn rất nhiều những câu chuyện khác mà tôi không thể kể hết trong phạm vi một bài viết ngắn, chỉ xin chia sẻ câu chuyện gần đây nhất vô cùng đáng yêu mà tôi được chứng kiến.
Một buổi tối tôi mời gia đình cô bạn thân đến nhà ăn tối. Cô ấy có một cậu bé 5 tuổi cực kỳ đẹp trai và dễ thương, trước bữa ăn tôi nghe cậu bé đòi mẹ điện thoại để nói chuyện với mẹ nuôi: "Mẹ biết không, hôm nay ở biển con gặp một bạn gái, bạn ấy không giống các bạn khác nhưng ngoan và dễ thương lắm, con đã thơm bạn một cái vào má đấy. Con không sợ bạn ấy đâu, bạn ấy rất ngoan và đáng yêu mà".
Nghe thấy vậy tôi tò mò quá liền quay sang hỏi mẹ cậu bé là "Luca đang nói về ai đấy?". Cô ấy mới kể rằng hôm nay trên bãi biển, mẹ con cô ấy gặp một cô bé khuyết tật, có khuôn mặt hoàn toàn biến dạng có thể khiến cho người nào mới nhìn cảm thấy sợ hãi. Bố cô bé rất dũng cảm, đã quyết định từ bỏ công việc của mình và dành toàn bộ thời gian chăm sóc cho con 10 năm nay, mẹ cô bé đã mất ngay sau khi sinh. Cô bé đã trải qua không biết bao nhiêu tai biến hiểm nghèo, bao lần phẫu thuật, đã không tự đi đứng nói cười được vì không cử động được các cơ, vậy mà với sự kiên trì của người bố bao năm, giờ đây bé đã khá hơn rất nhiều, có thể tự di chuyển được mặc dù vẫn mang một khuôn mặt hoàn toàn biến dạng. Bố cô bé yêu con vô cùng và nguyện suốt đời chăm sóc con. Khi cậu bé 5 tuổi Luca - con của bạn tôi nhìn thấy cô bé mới lần đầu cũng hơi sợ hãi, nhưng bạn tôi đã động viên: "Nào, con đừng sợ thế chứ, bạn ấy chỉ hơi khác biệt thôi nhưng mẹ tin chắc bạn ấy rất ngoan, không tin con cứ thể đến gần và chào bạn ấy mà xem".
Luca đã hoàn toàn tin mẹ và tiến đến chào cô bé dù vẫn hơi è dè, cô bé ấy đã nhoẻn miệng cười một cách khó khăn để chào lại Luca. Luca thấy rất vui dù vẫn hơi dè chừng nhưng chỉ 5 phút sau là hoàn toàn tự tin để nói chuyện với bé.
Tôi vẫn tiếp tục nghe Luca hào hứng kể cho mẹ nuôi về người bạn mới, câu cuối cùng là: "Lần sau nhất định con sẽ nói là bạn ấy rất xinh đẹp".
Tình bạn đẹp
Câu chuyện của một người mẹ dạy cậu bé 5 tuổi đã khiến tôi xúc động, có thể với họ đó là điều bình thường nhưng với tôi, một người lớn lên trong một xã hội mà trẻ em khuyết tật chưa được cộng đồng đối xử và nhìn nhận một cách bình đẳng thì lại là một điều thật khác biệt.
Ở Việt Nam tôi có chị bạn có con bị tự kỷ mà đi học hay bị bạn bè trêu là thằng dở hơi, thần kinh. Cô giáo cũng không dành tình cảm đặc biệt nào nếu hàng tháng bố mẹ không đưa đều phong bao. Chị tâm sự nhiều lúc giờ ra chơi đến ngó trộm con thấy con lủi thủi chơi một mình mà chảy nước mắt, chị ước có thật nhiều tiền để mang con sang các nước văn minh sống để không bị kỳ thị.
Tôi nghe mà buồn biết bao, tôi biết bản chất người Việt nhân hậu nhưng kỹ năng giáo dục con trẻ còn có nhiều điều nên học tập phương Tây. Nếu ai chưa đi nước ngoài sẽ nghĩ người phương Tây lạnh lùng, sòng phẳng nhưng thực tế thì ngược lại, họ rất tình cảm và công bằng.
Họ không bao giờ thể hiện sự thương hại mà thông cảm và giúp đỡ trẻ em và người kém may mắn một cách hoàn toàn tự nhiên, họ dạy con từ những bài học đơn giản như mẹ Luca.
Tôi muốn chia sẻ những câu chuyện này tới bố mẹ Việt, bên cạnh việc dạy con thành bé ngoan, trò giỏi, đạt nhiều thành tích... hãy dạy con những điều tưởng chừng như đơn giản mà đôi khi chúng ta quên mất:" Hãy tôn trọng sự khác biệt và đối xử bằng sự chân thành với những trẻ em khuyết tật hoặc không được may mắn như mình".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.