Những đứa trẻ không... ngủ đêm

15/02/2018 09:00 GMT+7

Trái ngược với một Sài Gòn hoa lệ về đêm là hình ảnh những em nhỏ đang độ tuổi cắp sách đến trường lại phải lăn lội mưu sinh, bán từng bọc xoài, trứng cút… để kiếm tiền.

Tối đi bán để sáng đến lớp học tình thương

Gần 12 giờ đêm, tiếng la ó ầm ĩ, tiếng cụng ly rộn rã từ các quán nhậu vang vọng. “Cút, đã nói là không mua, mày còn lảng vảng ở đây thì liệu hồn”, gã đàn ông trung niên mặt mũi đỏ tía quát. Cậu bé sợ hãi cúi lượm những bịch đậu phộng bị hất tung dưới đất rồi rút lẹ, mắt đỏ hoe.

Những quát tháo, xua đuổi như thế chẳng còn lạ gì với những đứa trẻ bán đồ ăn về đêm để mưu sinh ở các khu vực gần Ký túc xá khu A – ĐH Quốc gia TP.HCM. Bắt đầu từ 8 giờ tối, các em phải mang chiếc rổ của mình đến từng quán ăn, lặng lẽ đến từng bàn một mời, hy vọng ai đó mua giúp cho bịch xoài, trứng cút, hay bịch đậu phộng…

Các em đến từng bàn để mời hy vọng ai đó mua giúp một hai bọc thức ăn (ảnh Thảo Nguyên)

Rất khó để có thể bắt chuyện được với các em, em nào cũng tất bật di chuyển hết quán này đến quán khác. Tôi mua giúp em hai bịch xoài, phần muốn giúp, phần để có thể bắt chuyện. “Hơn 12 giờ rồi đó, sao bọn em bán trễ vậy”, tôi hỏi. Gương mặt còn nhễ nhại mồ hồi, Nguyễn Thị Thùy Trang (12 tuổi) nói: “Bán hết mới được về chị ơi, tối nào tụi em cũng đi bán như thế để sáng đến lớp học tình thương ạ”.

Nói đến đây, dường như mọi tủi hờn trong cuộc sống của một cô bé chỉ mới 12 tuổi chực trỗi dậy. Tôi thấy rõ đôi mắt vẻ đã mệt nhoài giờ lại thêm ngân ngấn nước mắt. Trang nói thêm: “Em không có đủ tiền đi học ở trường nên đi học lớp tình thương ở gần đâ. Còn thằng Huynh, nó nghỉ học rồi chị”. Trang chỉ tay về phía cậu bé đang đứng gần đó mời khách. Lê Văn Huynh chỉ mới 12 tuổi nhưng gương mặt trông đã rắn rỏi, có lẽ những nhọc nhằn cuộc sống đã lấy đi ở gương mặt em sự hồn nhiên vốn có.

Tôi thấy xót vô cùng, với một đứa trẻ 12 tuổi bình thường, giờ này chắc đã nằm ngủ ngoan với ba mẹ để sáng hôm sau đến trường. Còn đây, Trang, Huynh và nhiều em nhỏ nữa đang vật lộn với cuộc sống, lê đôi chân mòn lõm qua những quán xá, chịu đựng tiếng quát tháo, xua đuổi.

“Có lúc em ước em sẽ được đi học, đi chơi và chăm sóc đầy đủ như các bạn đồng trang lứa. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua thôi chị, em phải đi bán để có tiền, không cần trường học, lớp học tình thương với em là đủ lắm rồi”, Trang vừa nói vừa rưng rưng nước mắt. Hoàn cảnh khiến em phải bước vào đời mưu sinh, khiến em có những suy nghĩ nghe chín chắn hơn rất nhiều.

Nhiều lần bị xua đuổi

Trang kể: “Có những khách nóng tính, họ không mua còn kêu chủ quán đuổi tụi em đi. Thế nhưng, em vẫn phải ngậm ngùi tiếp tục đi bán, dù như thế nào cũng phải bán hết”.

Với Huynh, những lần bị dọa nạt, xua đuổi không còn lạ. Em kể: “Mình mời một lần chắc chắn họ không mua đâu chị, nhiều khi em cứ phải nán lại, họ áy náy cũng phải mua một hai bọc, biết là khó chịu nhưng không bán được, tui em không biết sống sao”. Huynh cúi mặt xuống thoáng buồn, rồi kể tiếp: “Nhiều người hung hăng thì vung tay dọa đánh…”. Nói đến đây dường như có gì đó nghẹn lại ở Huynh, cả ở tôi nữa, có lẽ em nhớ lại điều tồi tệ gì đó.

Càng về khuya, cái lạnh càng buốt da, gần như các em đã mời hết các bàn, lượng khách cũng đã vãn, nên chúng tôi có thời gian ngồi nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhìn gương mặt Trang, Huynh có đôi chút tím tái vì lạnh mà vẫn ánh lên niềm vui. Trang nói: “Hôm nay, em bán như này là đạt, với lại… có thể nói chuyện được với chị, chứ bình thường cứ cắm cúi bán với bị la không hà, đâu ai quan tâm tụi em đâu”. Cơn gió lạnh lùa qua, Trang bất giác run cầm cập, cái lạnh như se sắt thêm cho hoàn cảnh đáng thương của đứa trẻ.

Gương mặt buồn bã vì rổ đồ bán còn nguyên ( ảnh Tùng Thanh)

Sài Gòn về khuya, qua rồi cái khung giờ của ồn ã, của vui chơi, lại là một Sài Gòn tĩnh mịch đến lạnh lẽo. Trang và Huynh vẫy tay chào tôi đi về, dáng dấp nhỏ bé của hai đứa khuất dần trong những ánh đèn đường chao ôi sao mà thương cảm quá. Đêm mai, đêm kia, những đêm khác nữa… những đứa trẻ ấy vẫn sẽ phải cắp rổ đi bán, chỉ mong đừng có tiếng quát tháo nào xảy ra với các bé.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.