Những giao dịch vũ khí bí mật của Triều Tiên

Khánh An
Khánh An
06/02/2018 08:00 GMT+7

Giới chức phương Tây lo ngại việc CHDCND Triều Tiên bí mật bán vũ khí và công nghệ sẽ dẫn đến chạy đua hạt nhân toàn cầu.

Trong báo cáo mới trình lên HĐBA LHQ, các thanh sát viên độc lập tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng về hơn 40 chuyến hàng linh kiện vũ khí bí mật chuyển từ Triều Tiên đến Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria, đơn vị được cho là quản lý chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Damascus.
Báo cáo còn dẫn thông tin từ một quốc gia giấu tên trình báo rằng có chứng cứ cho thấy Myanmar tiếp nhận các hệ thống tên lửa đạn đạo cùng nhiều loại khí tài khác như bệ phóng đa nòng và tên lửa đất đối không từ Triều Tiên. Theo các chuyên gia và giới tình báo phương Tây, đây chỉ là 2 trong số hàng loạt khách hàng vũ khí của Triều Tiên, bất chấp các lệnh cấm vận của LHQ.
Hồ sơ từ Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho thấy Triều Tiên nổi lên là một nước xuất khẩu vũ khí vào khoảng năm 1980, chủ yếu xuất khẩu vũ khí đơn giản và rẻ tiền sang các nước đang phát triển hoặc bất ổn. Trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988), 90% lượng vũ khí xuất khẩu của Triều Tiên được đưa sang Iran.
Những năm sau đó, Bình Nhưỡng phát triển nhanh công nghệ hạt nhân, tên lửa với doanh thu chỉ riêng từ xuất khẩu tên lửa đã đạt 560 triệu USD trong năm 2001.
Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, LHQ ra nghị quyết cấm nước này xuất khẩu nhiều loại vũ khí và công nghệ. Tuy nhiên, theo DIA, Bình Nhưỡng vẫn phát triển mạng lưới buôn bán vũ khí chặt chẽ và tinh vi, trong đó thông qua các sứ quán hoặc bắt tay với cá nhân và tổ chức nước ngoài để dựng nên các công ty bình phong, làm giả giấy tờ xóa dấu vết nguồn gốc lô hàng.
Vũ khí xuất khẩu chính của Triều Tiên chủ yếu gồm đạn dược, vũ khí hạng nhẹ, pháo phòng không và tên lửa tầm ngắn.
Báo cáo của LHQ năm 2014 cáo buộc Triều Tiên âm thầm bán vũ khí sang Syria, Myanmar, Eritrea, Tanzania, Ethiopia, Somalia và Iran. Một báo cáo của quốc hội Mỹ liệt kê thêm các khách hàng khác như Brazil, UAE và Mexico. Nhiều nước trong số này đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trong khi số khác từ chối bình luận.
Năm 2009, Triều Tiên bị cáo buộc bán một số lượng rốc két và thiết bị liên lạc trị giá hàng trăm ngàn USD cho Tổ chức Hamas thông qua trung gian là Li Băng. Lô hàng 35 tấn vũ khí, trong đó có tên lửa đất đối không, cuối cùng bị chặn lại tại Bangkok, Thái Lan.
Một thương vụ khác bị phát hiện vào năm 2016 liên quan đến con tàu Jie Shun treo cờ Campuchia nhưng lại khởi hành từ Triều Tiên. Tình báo Mỹ khi đó cảnh báo Ai Cập về con tàu bí ẩn đang di chuyển về hướng kênh đào Suez. Sau quá trình kiểm tra, hải quan Ai Cập phát hiện hơn 30.000 khẩu súng phóng lựu được giấu bên dưới những thùng quặng sắt. LHQ sau đó cho rằng quân đội Ai Cập chính là bên mua lô hàng trị giá 23 triệu USD này nhưng Cairo luôn bác bỏ mọi cáo buộc.
Hồi tuần trước, CNN đăng phóng sự điều tra được thực hiện suốt nhiều tháng cho thấy Triều Tiên và Mozambique đang có nhiều hợp tác về kỹ thuật và huấn luyện quân sự được che giấu bằng một mạng lưới các công ty bình phong. Thanh tra LHQ cũng cho rằng nước này hỗ trợ Mozambique về tên lửa đất đối không, radar quân sự, hệ thống phòng không và sửa chữa xe tăng.
Bên cạnh đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo còn cảnh báo Triều Tiên đang cố gắng mở rộng mạng lưới bán công nghệ tên lửa và hạt nhân, có nguy cơ dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.