Những hình ảnh khốc liệt về đại dịch chạm đến tận cùng cảm xúc

09/09/2021 07:16 GMT+7

Bật khóc, sợ hãi, rùng mình, biết ơn và trân trọng là những trạng thái cảm xúc của nhiều khán giả khi xem những thước phim đầy ám ảnh của bộ phim tài liệu Ranh giới , được phát trong chương trình VTV đặc biệt vào tối qua 8.9.

Cuối tháng 7 vừa qua, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và 4 đồng nghiệp của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã có một chuyến công tác đặc biệt.

Họ đã tới nơi đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh Covid-19 của cả nước - TP.HCM. 5 người chia thành 2 nhóm: một nhóm tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự; nhóm còn lại gồm đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Việt Phong đã tới khu K1, Bệnh viện Hùng Vương, nơi điều trị những sản phụ F0 lớn nhất tại TP.HCM.

Ranh-gioi

Không có lời bình, Ranh giới là những thước phim được ghi lại trực tiếp tại khu K1, bệnh viện Hùng Vương

Ảnh Chụp màn hình

Không có bất kỳ lời bình nào, Ranh giới mang đến những thước phim được ghi lại trong hàng chục ngày tại khu K1, Bệnh viện Hùng Vương.

Những hình ảnh khiến người xem như thấy thực tế khủng khiếp của dịch bệnh đang diễn ra trước mắt mình. Và người xem càng thêm xót xa hơn khi những người nhiễm Covid-19 ở đây là những sản phụ, những người phụ nữ đang ở trong tình trạng yếu đuối về thể chất và mong manh về tinh thần.  

“Em phải thở. Em phải thở để gặp con!”, “Không nghĩ đến việc gì khác, chị chỉ cần tập trung thở thôi!”, “Em phải tập thở, nếu không bệnh sẽ nặng lên". Những lời động viên của bác sĩ với các sản phụ khiến người xem hiểu được rằng: đến cả việc thở tưởng như là bản năng sinh tồn cũng là việc vô cùng khó khăn.

Một người đồng nghiệp của tôi khi xem xong bộ phim đã nói: “Chưa bao giờ xem một bộ phim nào mà mình lại vô thức hít thở thật sâu như thế”.

Ranh-gioi

Những y bác sĩ, cán bộ nhân viên tranh thủ ăn, ngủ khi có thể

Ảnh Chụp màn hình

Những tiếng gọi cần thêm ô xy liên tục được phát ra. Những bác sĩ, y tá, hộ sinh, điều dưỡng… luôn bên những sản phụ, Ngay khi thiếu bình ô xy, họ ngồi bóp bóng ô xy cho bệnh nhân. Công việc đó có khi kéo dài suốt cả đêm. Và họ lại nhẹ nhàng động viên bệnh nhân hợp tác khi bệnh nhận cảm thấy không chịu nổi vì không thở được, đòi về nhà...

Những thước phim đẩy người xem đến tận cùng cảm xúc. Đó là khi sản phụ không thể bấm và nhớ nổi số điện thoại của người thân mình. Đó là khi sản phụ trước khi đặt nội khí quản được bác sĩ đưa điện thoại để nói chuyện với chồng mình. Chị chỉ biết nói: “Em sợ lắm! Em run lắm anh ơi! Cho em được gặp con!”. Cuộc điện thoại không thể trọn vẹn bởi tình trạng của chị xấu đi rất nhanh và bác sĩ không thể chờ thêm giây nào để tiến hành đặt nội khí quản.

Ranh-gioi

Những y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế luôn phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân

Ảnh Chụp màn hình

Đó là khi những nỗ lực của biết bao con người nhưng không thể cứu được sự sống cho một con người. Đó là khi người sản phụ vừa qua đời, những người bác sĩ không biết sẽ phải nói sao với người nhà của chị.

Đó là hình ảnh những gói đồ của người sản phụ vừa ra đi, điện thoại của chị vẫn còn pin và đang rung lên bởi cuộc gọi từ mẹ của chị. Đó là người cha không thể ngờ con của mình lại có thể ra đi nhanh đến thế và chỉ được nhìn con gái lần cuối qua tấm ảnh mà bác sĩ đã chụp lại trong máy điện thoại. Đó là khi bác sĩ phải gọi điện thông báo cho người chồng biết tình trạng vợ anh đang rất xấu và khó có thể giữ thai nhi 21 tuần tuổi của người vợ…

Ranh-gioi

Những nỗi lực của những y bác sĩ đón những em bé chào đời

Ảnh Chụp màn hình

Những y bác sĩ, nhân viên y tế luôn phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Họ tranh thủ ăn, ngồi ngủ ở bất cứ đâu khi có thể. Và họ cũng là những người thường trực đối diện với nguy cơ nhiễm Covid-19.  

Một bộ phận phụ trách về thay bình ô xy, nơi được coi là “huyết mạch” cứu chữ bệnh nhân của khu K1 của bệnh viện có quân số 12 người mà chỉ còn lại 2 người, 10 người đã nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 1.9, đã có 125 y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện Hùng Vương bị nhiễm Covid-19. Sau 21 ngày chữa bệnh, cách ly, họ lại trở lại với công việc, với những bệnh nhân của mình.

Ranh-gioi

Ranh giới có những nụ cười khi những em bé chào đời

Ảnh Chụp màn hình

Ranh giới, người xem thấy sự khốc liệt của dịch bệnh, sự sợ hãi của con người trước ranh giới sinh tử, sự yếu đuối của con người trước bệnh tật, nhưng ở đó vẫn có cả ánh sáng của tình yêu, sự lạc quan, sự mạnh mẽ, và những nụ cười khi những em bé chào đời…

Những hình ảnh gây ám ảnh có thể khiến chúng ta ý thức hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh, sự cần thiết của việc bảo vệ an toàn cho mình và cộng đồng, và cũng để biết trân trọng cuộc sống, hơi thở của mình nhiều hơn!

Ngày con chào đời - bộ phim của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư được coi là phần 2 của bộ phim Ranh giới sẽ được phát sóng trong  khung giờ VTV Đặc biệt, dự kiến lên sóng vào ngày 22.9
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.