Những kỷ vật thiêng liêng

30/04/2013 13:40 GMT+7

Sau hơn nửa thế kỷ, thế hệ cán bộ tập kết ra miền Bắc trở vào miền Nam công tác, chiến đấu được bàn giao hồ sơ, kỷ vật mà họ gửi lại trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Những kỷ vật thiêng liêng

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng (bên trái) trao lại hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B

Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng vừa tổ chức gặp mặt, bàn giao hồ sơ, kỷ vật đợt đầu tiên cho 100 cán bộ đi B. Đây là khối tài liệu lưu trữ của Ủy ban thống nhất chính phủ (được thành lập sau kháng chiến chống Pháp), được đặt tên Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, là những cán bộ miền nam tập kết ra bắc, sau đó được phân công trở lại miền nam từ cuối năm 1959, các cán bộ đều gửi lại Ủy ban thống nhất chính phủ tất cả tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật.

“Từng trang hồ sơ, kỷ vật gợi lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, theo yêu cầu cách mạng, nhiều cán bộ chia tay gia đình tập kết ra bắc học tập ở nhiều lĩnh vực, được rèn luyện trước khi trở vào miền nam công tác, chiến đấu và phải hoạt động bí mật trong kháng chiến ác liệt nên việc giữ liên lạc hết sức khó khăn, có những dòng hồ sơ ghi chú khi hy sinh thì báo tin cho người thân nhưng chiến tranh loạn lạc không rõ thông tin, có gia đình cả nhà cùng đi B nhưng sau ngày giải phóng đến nay không tìm được nhau” - Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B, Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 cùng Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đã xác định được 1.162 hồ sơ cán bộ đi B quê quán Đà Nẵng, hiện Sở Nội vụ đã nhận được 996 hồ sơ, chờ bàn giao 166 hồ sơ còn lại nhưng nhiều hồ sơ không tìm được người nhận do thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Hơn tháng qua, Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đã xác minh được hơn 100 thông tin về cán bộ đi B, phần lớn đã hi sinh, từ trần, tuổi cao, sức yếu.

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, lễ trao lại những kỷ vật này là một trong các hoạt động kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. “Hơn ai hết, cũng là người con của cán bộ đi B, tôi cũng ở vào tâm trạng như các đồng chí, không có thông tin người thân trong quá trình tập kết ra bắc, không rõ quá trình phấn đấu, cống hiến và hy sinh của cha ông, nhiều khi không còn lưu giữ được tấm hình nào của cha ông để có được tấm ảnh thờ và thậm chí không ngờ rằng hồ sơ, kỷ vật của cha ông vẫn còn được lưu giữ” - ông Văn Hữu Chiến nói.

Hồ sơ chứng tích

Theo ông Đặng Công Ngữ, chủ trương trao trả hồ sơ đi B đã làm sống lại nhiều hy vọng của gia đình mất tích thân nhân, có người mang cả gia phả đến Sở Nội vụ để hi vọng biết được em trai mình sống và công tác thế nào ở miền Bắc, hay chỉ đơn giản là tìm một tấm ảnh người thân trong hồ sơ để làm ảnh thờ.

Do vậy, theo ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, những hồ sơ này vô cùng quý giá, cán bộ đi B như được sống lại giai đoạn hào hùng và giáo dục con cháu về thời kỳ tuổi trẻ nhiệt huyết, giúp thân nhân biết được quá trình công tác, chiến đấu, hy sinh anh dũng của cha ông và đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết chế độ, chính sách cho nhiều gia đình. “Tôi vô cùng xúc động khi nhận lại được lá đơn tôi viết xin tình nguyện vào miền nam chiến đấu. Khi đó tôi vừa tốt nghiệp loại ưu khoa Cầu đường ĐH Xây dựng Hà Nội và được phân công về Bộ Giao thông Vận tải để đi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc. Đi B là nguyện vọng của tất học sinh miền nam tập kết ra bắc, ai cũng muốn vào miền nam chiến đấu, nhưng không phải ai xin cũng được đi nên lá đơn của tôi được chấp nhận là một điều vinh dự” - ông Lâm nói.

Sáng 25.4, bà Nguyễn Thị Tý, vợ liệt sĩ Hoàng Ngọc Bôi nhận lại bì hồ sơ của chồng mà không cầm được nước mắt. Tháng 12.1970, chồng bà lên đường vào Đà Nẵng làm cán bộ nằm vùng khi con trai mới 4 tuổi rưỡi còn con gái 10 tháng tuổi, chưa kịp nhớ rõ mặt cha. Suốt 5 năm, hai người chỉ trao đổi được một vài lá thư bí mật do đồng đội đi công tác chuyển giúp. Sau ngày giải phóng vẫn không thấy chồng trở về, sang năm 1976, bà tìm về quê chồng ở xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng thì người chú ruột của ông Bôi báo tin dữ. Liệt sĩ Bôi hy sinh ngày 17.4.1975, chỉ còn chưa đầy 2 tuần là giải phóng hoàn toàn đất nước. Đến nay, những hồ sơ, kỷ vật đã giúp bà sống lại những ngày hai người bên nhau và thiêng liêng hơn cả, bà có được tấm ảnh để cho con gái bà biết được mặt cha mình.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.