Những lời ru buồn sau bản làng

26/12/2012 09:27 GMT+7

Nạn tảo hôn và tục thách cưới đang là một thực trạng nhức nhối ở Bình Phước. Ngăn chặn và loại bỏ những hủ tục này vẫn là một điều nan giải.

Khi luật pháp thua luật tục

Chúng tôi về xã vùng biên giới Bù Gia Mập (H.Bù Gia Mập, Bình Phước) vào một ngày tháng 12. Trong căn nhà nhỏ, bà Thị Đây (41 tuổi, ngụ thôn Bù Rê Na, xã Bù Gia Mập) kể gia đình bà có 5 người con thì đã có 2 người con gái của bà là Thị Xuân (17 tuổi) và Thị He (15 tuổi) lấy chồng khi chúng còn đang ngồi trên ghế nhà trường. “Do chúng nó quá thương nhau, cứ nằng nặc đòi cưới nên vợ chồng tui đành chấp nhận”, bà Thị Đây kể. Ngồi bên cạnh mẹ, Thị Hê  hồn nhiên nói: “Nếu cha mẹ không cho, đi chơi hoài lỡ có bầu thì cho cưới chớ sao”. Chính bản thân bà Thị Đây cũng lấy chồng khi chỉ mới… 13 tuổi. Bà cho rằng, tập tục của dân tộc S’tiêng bao đời nay vẫn vậy, không thể thay đổi được.

 Những hủ tục lạc hậu
Những hủ tục lạc hậu đã làm làm cho đời sống người đồng bào thiểu số càng khó khăn- Ảnh: Phước Hiệp.

Gần nhà Thị Hê, Thị Ớt mới 15 tuổi nhưng cũng đã “bắt” chồng khi đang học lớp 5 và sinh được một đứa con trai 2 tuổi. Chồng Thị Ớt là Điểu Lích cũng chỉ lớn hơn cô 2 tuổi. Còn đứa em gái út của cô là Thị Tơi, khi mới học hết lớp 5 cũng lấy chồng khi tròn 14 tuổi. Theo Thị Ớt, gia đình cô có 9 anh chị em, tất cả đều lập gia đình năm 14 - 15 tuổi. Lấy chồng trong khi tuổi còn quá trẻ,  nên đến bây giờ Thị Ớt và Thị Tơi chưa thể tự lập cho nên mọi thứ đều trông vào bố mẹ già. Lấy chồng, làm mẹ, nghèo đói đã làm cho Thị Ớt trông già hơn cái tuổi của mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành- Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: “Chính quyền xã có biết tình trạng này và đã có ý kiến chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn, ấp tổ chức lồng ghép nhiều chương trình tuyên truyền, vận động. Thế nhưng do ảnh hưởng của phong tục tập quán, nên khó làm thay đổi ngày một ngày hai được”. Còn ông Hoàng Văn Nông, cán bộ tư pháp, hộ tịch xã thì đa số các cặp vợ chồng "nhí" ở đây đều tổ chức cưới chui, nhưng xã chưa có biện pháp xử lý cũng như chưa có một hình thức xử phạt, răn đe nào.

Món nợ từ tục thách cưới

Để cưới vợ cho con trai mình, gia đình ông Điểu Ngọc (ngụ thôn Đăk Á, xã Bù Gia Mập) phải chuẩn bị 3 con heo tổ chức đám hỏi. Sau đám hỏi là đám cưới với 1 con trâu, 1 con bò và 3 con heo. Các lễ vật này được giết thịt, một phần dùng đãi tiệc cưới, một phần chia đều cho hai họ mang về. “Để cưới vợ cho con, họ nhà gái bắt buộc phải có ít nhất từ 3- 4 con heo từ 50 kg trở lên. Nếu không có đủ cũng phải vay mượn hoặc cầm cố đất, rồi trả dần về sau”, ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Điểu Ngọc, tuy tổ chức đám cưới có tốn kém nhưng còn đơn giản hơn rất nhiều so với việc tổ chức rước dâu. Theo phong tục của người S’tiêng con trai lấy vợ là phải ở rể. Nếu muốn tổ chức lễ rước dâu thì phải có lễ vật (gọi là lễ trả của). Để rước dâu, gia đình ông Điểu Ngọc phải trả của cho nhà gái 2 con trâu, 4 con heo, 50 cái tố (giá 250.000đồng/cái), 5 cái tố con rồng (5 triệu đồng/cái) và 3 cái xà lung (25 triệu đồng/cái) với tổng số tiền khoảng trên 150 triệu đồng. “Để có tiền mua những thứ này, tôi phải đi vay mượn ở nhiều nơi khác nhau. Chưa biết đến bao giờ mới trả hết”, Điểu Ngọc than thở.

Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số việc lo đủ cái ăn cái mặc đã là khó, còn phải gánh thêm những hủ tục lạc hậu khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hình ảnh những đôi vợ chồng “nhí” với những đứa con đen nhẻm, còi cọc, nhếch nhác trong những căn nhà rách nát cứ làm ám ảnh chúng tôi trên đường về. Không biết bao giờ hủ tục, nạn tảo hôn ở vùng sâu, biên giới bao giờ mới chấm dứt?

Phước Hiệp

>> Ngăn ngừa nạn tảo hôn
>> Những thử thách cuối cùng của "The Amazing Race Vietnam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.