Những lỗi sai thường gặp khi làm bài thi môn ngữ văn

28/06/2020 14:07 GMT+7

Là một trong 3 môn thi bắt buộc, môn ngữ văn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh và học sinh.

Khi nhận điểm thi THPT, nhiều học sinh than thở vì đã bỏ bao công sức nhưng cuối cùng kết quả vẫn không như ý. Các em cho rằng mình và môn văn "không có duyên", môn ngữ văn chỉ dành cho những ai có thiên khiếu nghệ thuật.

Thật ra không phải vậy. Như bao môn học khác trong nhà trường, môn ngữ văn trước hết cũng là một môn khoa học. Nếu học sinh biết cách học và chịu rèn luyện kỹ năng làm văn thì dù cho các em không có giọng văn du dương, mượt mà, không có cảm xúc dạt dào, tha thiết trong bài thi, điểm thi của các em vẫn ở mức chấp nhận được. Muốn như thế, trước hết các em cần tránh những lỗi sai thường gặp khi làm bài.

Viết dài, viết dai, viết thừa

Ở phần đọc hiểu văn bản, điều đầu tiên các em cần làm là tuân thủ phương châm: “Viết đúng, viết đủ hơn viết dài, viết dai và viết thừa”.

Thời tiết tháng 8 không dễ chịu, không khí phòng chấm thường rất căng thẳng nên giáo viên sẽ dễ bực mình khi gặp phải những bài thi "hoành tráng" về số chữ nhưng mỏng manh về nội dung. Đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính nhưng các em lại chỉ ra tất cả các phương thức biểu đạt. Đề yêu cầu nêu nội dung của hai câu trong văn bản nhưng các em lại nêu nội dung của cả văn bản. Đề không hỏi “Vì sao?” nhưng các em vẫn cố nêu nguyên nhân như thể muốn chứng tỏ sự hiểu biết của mình.  Câu hỏi trong đề thi rất rõ ý nhưng các em không chịu trả lời thẳng vào vấn đề mà dẫn dắt rất dài dòng rồi mới bắt đầu đi vào trọng tâm. Nhiều khi phần trả lời của các em có dung lượng còn dài hơn văn bản trong đề. Đã thế văn chương các em vừa lủng củng vừa rối rắm khiến người chấm cảm thấy “hại não” lẫn đau mắt. Một khi bài làm đã không gây thiện cảm với giám khảo thì điểm của bài cũng khó cao.

Điều éo le là thí sinh làm bài rất dài nhưng câu trả lời vẫn thiếu ý bởi cách viết của các em chưa cụ thể. Khi nêu nội dung văn bản, các em chỉ ghi văn bản viết về đối tượng nào mà không kể rõ văn bản viết điều gì về đối tượng hoặc các em chỉ chú ý đến nội dung hiện thực được tác giả phản ánh trong văn bản mà không chú ý đến tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm.

Khi nói về tác dụng của biện pháp nghệ thuật, các em mặc định biện pháp nghệ thuật nào cũng góp phần tăng tính sinh động, tính hình tượng, tính biểu cảm cho văn bản trong khi sự thật không phải thế. Ngoài ra, các em thường xuyên viết những câu chung chung như: tác dụng của việc sử dụng dẫn chứng/ số liệu/ biện pháp nghệ thuật là tô đậm, nhấn mạnh ý tưởng của tác giả mà không nêu cụ thể ý tưởng ấy là gì. Chính vì những lỗi như vậy nên công viết của các em thì nhiều mà số điểm thu được lại ít. Các em trả lời vòng vòng xung quanh vấn đề chứ chưa xác định đúng hồng tâm cần nhắm tới.

Không xác định được ý chính cần viết

Ở phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học, do không nắm vững cấu trúc của đoạn văn và bài văn nên bố cục bài của các em rất lộn xộn, lập luận thiếu chặt chẽ. Các em viết lan man, dông dài, không đúng trọng tâm, trọng điểm. Nguyên nhân của lỗi này đến từ việc các em không xác định được ý chính cần viết hoặc các em thiếu kỹ năng làm bài dẫn đến xác định sai dạng bài cần làm và sai cách triển khai vấn đề.

Khi viết đoạn nghị luận xã hội, thay vì tập trung vào luận điểm mà đề yêu cầu, các em lại viết thành bài văn thu nhỏ với đầy đủ các phần mục. Đây là lỗi sai về cấu trúc khiến học sinh dễ bị mất điểm. Để khắc phục lỗi này khi làm bài thi môn ngữ văn, cần nhớ rằng đề yêu cầu bàn về ý nghĩa thì chỉ bàn về ý nghĩa, không giải thích, mở rộng, phê phán, bài học; đề yêu cầu đưa ra giải pháp thì chỉ tập trung vào giải pháp, không giải thích, chứng minh, mở rộng, phê phán… Để đoạn văn thuyết phục được người đọc, thí sinh nên có nhiều lý lẽ nhưng tất cả các lý lẽ ấy đều phải phục vụ cho luận điểm chính của đoạn văn.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.