'Những mảnh ghép rời ký ức' cuối đời nhà văn Lê Văn Nghĩa dành cho Sài Gòn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
02/09/2021 11:23 GMT+7

NXB Trẻ vừa ra mắt độc giả tác phẩm gần như cuối cùng của nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa để lại cho đời: Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, như tình yêu ông luôn dành cho mảnh đất này.

Nếu như trước đây các tác phẩm của nhà văn Lê Văn Nghĩa: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ; Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Mùa hè năm Petrus; Tụi lớp nhất trường Bình Tây cây viết máy và con chó nhỏ; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy... đã hấp dẫn thì những câu chuyện trong cuốn sách mới qua góc nhìn của một nhà báo, sẽ là một nguồn tư liệu quý giá cho những ai yêu mến và muốn tìm hiểu sâu về mảnh đất phương Nam có tên gọi thân thương Sài Gòn.
Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức gồm có hai phần: tạp bút và biên khảo. Đầu tiên, nhà văn tìm lại những “miếu đền ký ức” để trở về tuổi thơ đã mất, cùng ít nhiều hình dáng của một Sài Gòn xưa. Những mảnh tuổi nhỏ, những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè, câu hát cải lương…

Nhà văn Lê Văn Nghĩa ký tặng sách cho độc giả lúc sinh thời

Ảnh: FBNV

Ông viết về ký ức như tự độc thoại với chính mình: “Khao khát buông lưới tìm lại những miếu đền ký ức để trở về tuổi thơ đã mất, bất chợt ta tìm lại được ít nhiều hình dáng của một Sài Gòn xưa. Nhưng rốt cuộc ký ức chỉ còn là những mảnh rời rất xa xưa, ta nhặt thời gian ngồi ghép lại những mảnh tuổi nhỏ, để nhớ đến những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè… trong dáng hình một thằng bé còn ngơ ngơ nhìn đời bằng câu hát cải lương. Những ký ức tuổi thơ đã dựng nên trong tôi bức tranh về đời sống, chuyện học hành của một Sài Gòn – Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời rạc, chưa ráp nối được để hình thành một tổng thể. Hay là, ngược lại, những nếp sống, vỉa tầng văn hóa đã trở thành một ký ức về Sài Gòn – Chợ Lớn của ngày xưa dù chỉ là từng mảnh rời không trọn vẹn”.
Và rồi miền tuổi thơ của tác giả cứ như bức tranh bàng bạc về đời sống, nếp sống, vỉa tầng văn hóa, chuyện học hành của một Sài Gòn - Chợ Lớn hiện ra cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời nhưng vẫn chan chứa hồn Sài Gòn và những bóng dáng yêu thương.
Ở phần biên khảo, nhà văn Lê Văn Nghĩa tìm lại mạch ngầm văn hóa, văn nghệ ở Sài Gòn - vốn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời. “Đêm nào đó ngồi giữa Sài Gòn chợt nghe tiếng hát Khánh Ly, Thanh Thúy… vang lên từ chiếc máy Akai. Chợt nhớ những phòng trà vang danh các giọng ca sầu mị, với các tình ca dịu dàng. Những giọng ca đi ra và lớn lên từ phòng trà, sàn gỗ, tạo dựng âm thanh, làm nên những đêm Sài Gòn mang màu trừu tượng…” - tác giả kể lại.
“Dù đã đi khỏi Sài Gòn, tít mù xa vạn dặm về thời gian lẫn không gian, ai nào quên được những bài vọng cổ, vở cải lương mà chỉ cần ca lên, như Trăng Thu dạ khúc, thì nước mắt lại chảy dài nhớ lại tuổi xưa? Thời gian nào có xóa được khỏi tâm hồn người những con chữ tình yêu, nỗi nhớ và ước vọng đã bay lên từ các truyện ngắn, truyện dài? Đã có biết bao tác giả trút lòng mình lên những trang giấy trắng ẩn tâm hồn, tạo nên những câu thơ tôn thờ Sài Gòn như một tình yêu vĩnh cửu ?", tâm hồn ông như bị bóp chặt trong cảm xúc. Nhà văn Lê Văn Nghĩa cho rằng: "Mạch ngầm văn hóa Sài Gòn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời. Những dòng nước ngọt văn học nghệ thuật từ mạch ngầm này đã góp phần làm nên một phần bản sắc văn hóa Sài Gòn".
Rồi nhà văn Lê Văn Nghĩa làm một cuộc lội ngược dòng thời gian để tìm hiểu về trường học ngày xưa, cũng từ những ngày xã hội im ắng trong nhà để phòng tránh Covid -19: “Những ngày Covid-19, học sinh toàn quốc đều phải ở nhà để tránh lây nhiễm. Đường phố Sài Gòn vắng chưa từng thấy. Đi ngang trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) không còn thấy cảnh cha mẹ lũ lượt đưa con đi học mỗi buổi sáng, đậu xe trước cổng trường, nhìn cho đến khi con bước qua khỏi cổng hay đút cho con từng muỗng cơm tấm ăn vôi. Vắng đến nỗi nhìn vào phía cổng trường thấy như ngôi trường không còn nữa…”. (Trích Sài Gòn từng có lớp học buổi trưa)
Những tạp bút, biên khảo của nhà văn Lê Văn Nghĩa đầy ắp tư liệu và thấm đẫm tình. Ông yêu thương mảnh đất này bằng một tình yêu giản dị, mộc mạc mà cũng sâu nặng như đất.

Cuốn sách gần như cuối cùng của ông được NXB Trẻ đầu tư, trình bày lạ và đẹp mắt

Qua góc nhìn của một nhà báo, cuốn sách sẽ là một nguồn tư liệu quý giá cho những ai yêu mến và muốn tìm hiểu sâu về Sài Gòn

Ảnh: NXB Trẻ

Cuốn sách mới của ông cũng có những đoạn viết trong bối cảnh dịch bệnh thời gian qua, vẫn với giọng văn hài hước nhưng có tiếng thở buồn lẩn khuất trong câu chữ: “Những ngày xã hội giãn cách để chống lại Covid-19, con hẻm nhỏ nhà tôi im ắng một cách vắng ngắt. Nhà tôi ở gần một trường học, hằng ngày lúc còn nằm trên giường, tôi thường bị đánh thức bởi những tiếng xe chạy thưa thớt lúc đầu, và rồi là một tiếng rao chát chúa, từ cái loa phóng thanh điện. Tôi ghét tiếng rao này nhất. Một tiếng rao của một nữ nhân miền ngoài nào đó không âm điệu, như xuyên vào lỗ tai người nghe: ‘Bánh mì đặc ruột, bánh mì nóng đây’. Vẫn cứ một giọng như thế. Cứ khoảng nửa tiếng là lại có tiếng rao: ‘Bánh mì đặc ruột, bánh mì nóng đây”.
Để rồi trong lúc khó khăn chung của Sài Gòn, nhà văn Lê Văn Nghĩa lại tự động viên mình: “Nhưng bây giờ, trong mùa cách ly vì Covid-19, bánh mì lại làm ấm không gian đang lạnh, làm đặc lại không gian đang loãng nhờ tiếng rao của chiếc loa điện. Cậu bán bánh mì cho tôi biết mùa này cậu bán được lắm vì người ta ngại đi ra đường ăn quán nên mua bánh mì về chiên hột gà, ăn với đồ nguội, ăn với sữa hộp cho tiện… Vừa ấm lòng, vùa no bụng thôi cũng tốt. Tiếng rao bánh mì là tiếng rao còn sót lại để kết nối, để xác định cuộc sống, sự hiện diện của con người vẫn còn đó trong thành phố hiện đại nhưng đầy im ắng vào những buổi sáng rực rỡ như trong mùa Covid”. (Trích Bánh mì rao)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.