Những miền đất huyền sử - Kỳ 5: Chuông thần và giếng Phật

12/09/2014 02:20 GMT+7

Thiên Ấn (ở xã Tịnh Ấn, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của nước ta, nằm trên đỉnh núi cùng tên, với những câu chuyện ly kỳ về chuông thần và giếng Phật.

Thiên Ấn (ở xã Tịnh Ấn, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của nước ta, nằm trên đỉnh núi cùng tên, với những câu chuyện ly kỳ về chuông thần và giếng Phật.

>> Những miền đất huyền sử - Kỳ 4: Thiên Y A Na và tùy tướng Bạch Hổ
>> Những miền đất huyền sử - Kỳ 3: Nằm mơ... tìm đất cho làng

 Một góc chùa Thiên Ấn - Ảnh: Xuân Khánh
Một góc chùa Thiên Ấn - Ảnh: Xuân Khánh

Cổ tự trên đỉnh Thiên Ấn

Trong cuốn 12 thắng cảnh Quảng Ngãi của tác giả Lê Hồng Khánh có đoạn miêu tả núi Thiên Ấn: “Núi cao 106 m, trông từ 4 phía đều tựa hình thang cân. Vào mùa nước đầy, nhìn từ bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng tây nam - đông bắc, như dồn vào chân núi; rồi lại từ chân núi, theo hướng tây bắc - đông nam, đổ về cửa Đại. Giữa một thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa còn gọi là Thiên Ấn niêm hà. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi được liệt vào hàng danh sơn và ghi vào điển tịch”. Với đặc điểm như thế, trong tâm thức người Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn và dòng Trà Khúc là biểu tượng sơn thủy thiêng liêng. Điều này lý giải vì sao chùa Thiên Ấn rất nổi tiếng từ hàng trăm năm qua dù kiến trúc không có gì nổi bật.

Hòa thượng Thích Hạnh Trình, trụ trì chùa Thiên Ấn, cho biết chùa được khởi công xây dựng vào năm 1694, một năm sau thì hoàn thành. Tổ khai sơn chùa là thiền sư Pháp Hóa, người Phúc Kiến (Trung Hoa), thuộc dòng thiền Lâm Tế. Vào đời Lê Dụ Tông (năm Vĩnh Thịnh thứ 11, năm 1717), chúa Nguyễn Phúc Chu, vì rất sùng đạo, đã ban cho chùa biển ngạch “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự”. Cũng năm đó, chùa trùng tu lần thứ nhất, rồi tiếp tục trùng tu vào các năm 1827, 1910, 1918, 1959, như vậy đến nay chùa đã 5 lần trùng tu. Gần 320 năm từ ngày khai lập đến nay, chùa đã qua 15 đời trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, thường được gọi là lục tổ.

Khuôn viên chùa khá rộng với hai bên là rừng cây, đặc biệt là khu viên mộ, nơi an táng của các vị tổ sư và thiền sư trụ trì ở phía tay trái chùa. Những ngôi bửu tháp nhuốm màu rêu phong như tôn thêm vẻ linh thiêng của chùa. Theo hòa thượng Thích Hạnh Trình, những ngôi bửu tháp nhiều tầng này được xây theo số lẻ với hình hoa sen gắn liền tháp. Đây là nơi chôn giữ di hài, cùng bia ghi công đức của các bậc tổ sư, trụ trì...

Truyền thuyết về chuông và giếng

Ngoài những điều linh thiêng được truyền tụng vốn có, chùa Thiên Ấn còn có nhiều câu chuyện nhuốm màu thần thoại quanh chuông thần và giếng Phật. Phía trước, bên trái chính điện chùa có treo một quả đại hồng chung, gọi là chuông thần. Nguồn gốc của quả chuông này từ làng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, H.Mộ Đức), khi dân đúc xong thì đánh không kêu.

Tương truyền vào năm 1845, tổ sư thứ ba của chùa Thiên Ấn là thiền sư Bảo Ấn, khi ngài đang thiền thì thấy có một vị hộ pháp bảo tới làng Chí Tượng thỉnh quả chuông về. Kỳ lạ thay, khi được thỉnh về chùa, sau khi cầu nguyện, thiền sư Bảo Ấn gióng thì chuông phát ra tiếng kêu. Lại có lời kể tương tự trên, sau mỗi lần dân Chí Tượng đúc chuông mà đánh không kêu, thì thiền sư Bảo Ấn đến xin thỉnh chuông. Dân không đồng ý, đúc đến cái thứ ba mà kết quả vẫn như cũ, họ mới đồng ý cho thiền sư thỉnh chuông về chùa. Ngay lần đánh đầu tiên, tiếng chuông đã ngân vang khắp cả vùng.

Cách chuông thần không xa về phía đông là giếng Phật. Có câu: “Ông thầy đào giếng trên non/Đến khi có nước không còn tăm hơi” để nói về câu chuyện nhà sư đào giếng. Chuyện kể rằng giếng Phật là giếng mở nguồn cho sự sống ở vùng núi Thiên Ấn, phải mất 20 năm mới hoàn thành. Khi đào đã khá sâu, các nhà sư hy vọng sắp có được nước nhưng rồi thất vọng khi gặp phải tảng đá to lớn chắn ngang. Đêm ngủ, những vị sư này được báo mộng là dưới tảng đá sẽ có nguồn nước. Sáng hôm sau, các vị sư đã cố cạy tảng đá, khi việc thành thì một nguồn nước lớn phun từ dưới lên, đó cũng là lúc các vị sư tan biến vào dòng nước.

Cũng có chuyện, một vị sư trụ trì (không rõ danh tính) đào giếng để lấy nước dùng. Ban đầu công việc suôn sẻ, nhưng đến khi gặp lớp đá thì vô cùng khó khăn. Hôm nọ, có một nhà sư trẻ đến viếng chùa và xin phép ngài trụ trì được giúp sức. Ngày qua tháng lại, một sư già một sư trẻ cứ miệt mài đục đá để đào giếng. Đục mãi, cuối cùng cũng bắt được mạch giếng. Vị sư già vô cùng sung sướng vục mặt vào mạch nước uống thỏa thích, đến khi bình tâm lại thì không thấy sư trẻ đâu cả. Đêm ngủ, ngài được báo mộng là có Phật giúp đỡ, nên mới có tên là giếng Phật.

Hòa thượng Thích Hạnh Trình cho biết giếng sâu khoảng 21 m, đường kính hơn 2 m, được xây bằng đá ong rất đẹp mắt. Là điểm đến của những người viếng chùa.

Đệ nhất phong cảnh

Thiên Ấn niêm hà được ví là “Đệ nhất phong cảnh” của Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng thắng cảnh - di tích vào năm 1990. Đây từng là nơi đàm đạo, xướng họa thơ ca của nhiều thi sĩ như: Cao Bá Quát, Bích Khê... nhất là hai nhà khoa bảng Nguyễn Cư Trinh và Phạm Trinh.

Xuân Khánh

>> Những miền đất huyền sử - Kỳ 2: Những hòn đá linh thiêng
>> Những miền đất huyền sử: Truyền thuyết 7 hồ ở Măng Đen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.