Những mô hình khởi nghiệp đạt 'sao'

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
19/07/2019 07:11 GMT+7

Các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp tại Quảng Bình đã mang đến hội nghị 'Giải pháp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm' nhiều mô hình hay, sáng tạo, độc đáo...

Chương trình do T.Ư Đoàn tổ chức cho thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên khu vực bắc Trung bộ và cụm duyên hải nam Trung bộ diễn ra tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), trong hai ngày 16 - 17.7.

Ví như ở vùng gò đồi xã Dương Thủy (H.Lệ Thủy) người dân chủ yếu trồng sắn hay cây keo tràm nên thu nhập thấp, bấp bênh do yếu tố thời tiết. Từ đó, anh Nguyễn Đại Nguyên đã tìm tòi tài liệu, tự nghiên cứu rồi bắt tay thực hiện hướng đi mới là trồng và chế biến dược liệu sả, tràm.
Năm 2016, các hộ dân cùng vào tổ hợp 2 (hoa cây cảnh Nguyên Kiều) thuộc HTX nông nghiệp Dinh Trạm để sản xuất. Anh Nguyên tìm hiểu kỹ thuật trồng, chế biến tinh dầu rồi hướng dẫn các tổ viên làm. Bước đầu cho thấy, trồng dược liệu hiệu quả hơn sản xuất truyền thống, đơn cử trên diện tích 1 sào (500 m2) trồng sắn hiện nay cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm thì sả thì được 3 triệu đồng/năm. Sản phẩm tinh dầu sả của HTX nông nghiệp Dinh Trạm được UBND tỉnh Quảng Bình chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2018. Anh Nguyên hồ hởi kể mới đại diện mang sản phẩm đi Thái Lan dự chương trình giao thương giữa 2 nước về. Anh cũng bật mí là đang cùng với các hộ viên Dinh Trạm thực hiện sản phẩm trà thảo mộc Kê Quan Hoa.

Khi khởi nghiệp, mỗi người sẽ chọn cho mình mỗi cây, mỗi con phù hợp với điều kiện của mình và thị trường. Ít nhất, các tỉnh, các huyện sẽ có được những mô hình có bóng dáng thanh niên

Chị Nguyễn Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn

Cùng lúc đó, nhiều đoàn viên thanh niên bày tỏ sự tò mò không ít về sản phẩm ống hút tre mang thương hiệu AM Straws tại xã Văn Thủy (cũng ở H.Lệ Thủy). Những ống hút đựng trong ống tre lớn được tinh chế sạch sẽ và rất dễ thương. Đại diện thương hiệu cho hay, tre làm ống hút lấy từ vùng núi đá của H.Tuyên Hóa, H.Minh Hóa với đặc điểm tre cằn cỗi, thân có độ cứng cao, vỏ tre khá mỏng, trong thân hầu như không còn chất dinh dưỡng nên hiện tượng mối mọi ít khi xảy ra. Ống hút tre được làm bởi những người thợ lành nghề tại địa phương, tự nhiên và bền vững, không dùng chất bảo quản, chất tẩy trắng trong quá trình sản xuất. Ống sẽ phân hủy sinh học, hoàn toàn không tạo ra rác thải. Có lẽ ngoài tính thẩm mỹ thì ống hút tre là sự lựa chọn thú vị thay thế ống hút nhựa đang tràn ngập.

Anh Nguyên và những sản phẩm vùng gò đồi của mình

Còn ông chủ trẻ Phan Thanh Sơn (27 tuổi, ở xã Quảng Phương, H.Quảng Trạch) lại khiến người xem trầm trồ khi tạo dựng, sở hữu các sản phẩm về sen đơn giản mà đẹp mắt như: hạt sen khô, tim sen, bột sen, trà lá sen, trà hoa sen. Sơn kể, ở làng có rất nhiều sen, nhà Sơn có 2 ha. Trước đây chỉ thu hoạch sen để nguyên hạt rồi bán cho thương lái bán qua Trung Quốc, đến khi sen bị “đứng hàng” thì tồn ứ đầy nhà, Sơn mới bàn với cha ruột tìm cách chế biến sen. Rồi hai cha con lặn lội tìm hiểu, đi mua máy móc về tách bóc vỏ, đóng gói hút chân không, tạo ra sản phẩm đến thẳng tay người tiêu dùng. Sản phẩm của Sơn cung cấp cho nhiều siêu thị mini, cửa hàng nông sản sạch trong tỉnh. Công việc thuận lợi, Sơn nhận thu mua sen rồi thuê người làm công chế biến, tạo thu nhập cho bà con trong vùng.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Sinh học VN, cho rằng khởi nghiệp có 2 yếu tố chính: hướng đi và nguồn vốn. Hướng đi rất quan trọng, chọn đúng hướng sẽ thành công. Ông Hùng cũng chỉ ra trên mặt trận nông nghiệp có rất nhiều hướng đi như: nuôi giun cho động vật (gà, cá…) ăn, bò sữa, bò thịt, vịt biển, nhông cát, đà điểu, nuôi dế cho tắc kè ăn…; trồng những loại cây như dổi, mắc ca, tô mộc hay nhiều loại cây ăn quả khác. Làm mạch nha từ bột sắn và men cũng rất dễ thành công đối với thanh niên nông thôn.
Anh Phan Thanh Sơn tâm đắc nói: “Ngày xưa nhà tôi từng đi mua giun cho cá trê ăn chứ không biết đến việc nuôi. Sắp tới tôi sẽ khôi phục lại việc nuôi cá để tăng thu nhập và áp dụng mô hình nuôi giun cho cá, gà ăn”.
Chị Nguyễn Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn, kỳ vọng: “Khi khởi nghiệp, mỗi người sẽ chọn cho mình mỗi cây, mỗi con phù hợp với điều kiện của mình và thị trường. Ít nhất, các tỉnh, các huyện sẽ có được những mô hình có bóng dáng thanh niên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.