Những mối nguy từ hàng Trung Quốc: Tràn lan hàng thực phẩm không rõ hạn sử dụng

31/05/2009 00:26 GMT+7

Hàng thực phẩm Trung Quốc đang tung hoành trên thị trường Việt Nam, nhưng một số lượng lớn lại không biết hạn sử dụng, không nhãn mác, trôi nổi... đang thực sự là nỗi nguy lớn cho người sử dụng. Mời nghe đọc bài

Bó tay với  hạn sử dụng

45.000 đồng là giá của một hộp thạch hoa quả từ Trung Quốc, đủ màu xanh, đỏ, vàng bày bán tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội). Người bán hàng tại chợ này cho biết, ngay cả trân châu, thạch lựu (loại thạch hạt lựu nhiều màu mang về nấu chín, bán kèm với chè) của Trung Quốc cũng được đóng gói sẵn, người tiêu dùng có nhu cầu, chỉ cần mua về nấu chín là xong. Trên bao bì của các sản phẩm này đều dày đặc tiếng Trung Quốc, không hề có tiếng Việt hay tiếng Anh nên cả người bán lẫn người mua chẳng biết đường nào mà lần về nguồn gốc xuất xứ, tem mác đảm bảo an toàn hay hạn sử dụng. Khi chúng tôi hỏi về hạn sử dụng của một hộp thạch hoa quả, người bán hàng bảo trên bao bì có ghi hạn sử dụng. Khi lần tìm các con số về ngày tháng trên bao bì, chúng tôi chỉ thấy một con số duy nhất là 24.4.2009. Tại nhiều chợ khác ở Hà Nội như chợ Đồng Xa (Mai Dịch), chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ Khương Đình, Phùng Khoang (Thanh Xuân)... tình trạng mua bán hàng thực phẩm có xuất xứ Trung Quốc với bao bì toàn tiếng Trung Quốc hoặc không nhãn mác gì diễn ra phổ biến. Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), hạt dưa nhuộm đỏ, hạt bí, hạt hướng dương tẩm gia vị đóng thành từng bao nilon không nhãn mác được bán quanh năm ngày tháng. 

Không chỉ vậy, khối lượng lớn một số loại đồ khô, đồ chay như lạp xưởng, rong biển, “rau tiến vua”, bún chay, nước tương, bột chiên... cũng đều là hàng Trung Quốc. Người bán hàng tên Hoa chìa cho chúng tôi xem gói bún chay bao bì toàn tiếng Trung Quốc, không hề có chữ nào để nhận biết được ngày sản xuất hay hạn sử dụng mà chỉ có mỗi dòng về ngày tháng có thể đọc được là 17.3.2009. Chị này nói: “8.000 đồng một gói, ăn ngon lắm”. Đem thắc mắc về cách sử dụng loại bún này ra hỏi vì trên bao bì toàn tiếng Trung Quốc, chị Hoa thật thà: “Chị cũng không biết. Toàn tiếng Tàu thế kia...”. 

Hàng trôi nổi mua bao nhiêu cũng có

Tại TP.HCM, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Bình Tây cho biết, tại chợ, lượng thực phẩm đóng hộp gồm nước uống, bánh, cháo... nhập từ Trung Quốc chiếm số lượng hơn 50%. Trong đó, chỉ khoảng 20% là hàng có thương hiệu nhập theo đường chính ngạch được bày bán công khai, còn hơn 30% là hàng trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, không thương hiệu. Và lượng bánh đóng hộp chiếm đa số so với nước uống và cháo đóng hộp.

Hiện giá bánh đóng hộp trôi nổi của Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt Nam từ 10 - 30%. Lượng hàng chất lượng kém này chỉ bán lén lút cho khách quen. Một người quen đã mách: “Muốn mua bánh Trung Quốc trôi nổi một cách dễ dàng với giá rẻ nhất thì hãy nói mua về bán lại cho học sinh ở các trường học hoặc buôn về những chợ nhỏ ở các tỉnh”. Quả thật, sau khi nói mua về bỏ mối cho các chợ nhỏ ở tỉnh Tiền Giang, một tiểu thương đã lôi từ trong thùng giấy to tướng một nắm kẹo đưa cho tôi và nói: “35.000 đồng/kg. Thơm ngon lắm. Mua thì cân liền, bao nhiêu cũng có”. Khi chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc, lật qua lại tìm hạn sử dụng trên bao bì toàn tiếng Trung Quốc liền bị chị chủ quầy hàng giật lại và quát: “Muốn mua hàng giá bèo mà đòi hạn sử dụng, không mua thì thôi!”. 

Khi nhắc đến bánh hộp không nhãn mác của Trung Quốc, ông Phạm Văn Thiện - Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần Bibica thở dài ngao ngán: “Đó chính là rào cản lớn nhất của chúng tôi hiện nay khi “đánh hàng” vào phân khúc thị trường nông thôn. Giá quá rẻ, mẫu mã đẹp trong khi người dân ở nông thôn không hiểu hết được mối nguy hiểm từ việc ăn bánh kém chất lượng, không hạn sử dụng nên chúng tôi hầu như “bó tay”. Chỉ còn hy vọng người dân sẽ “tỉnh” khi nghe thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng mà nói không với bánh Trung Quốc trôi nổi”. 

So với bánh và nước uống, cháo đóng hộp Trung Quốc có sức mua kém hơn nhưng “vẫn có đất sống” do nó mang đến hương vị lạ như ý kiến của bà Bích Diệp ngụ ở quận 5, vừa mua cháo Trung Quốc, nói: “Dù biết là hàng trôi nổi nhưng tôi ăn nhiều lần rồi, không thấy đau bụng gì, mà trong cháo có rất nhiều loại đậu như đậu đỏ, đậu xanh... Vị mặn mặn ngọt ngọt cũng dễ ăn, coi như lâu lâu đổi khẩu vị chớ có ăn thường xuyên đâu mà sợ...”. 

Ban quản lý chợ Bình Tây cho hay, dù đã nhiều lần tiểu thương bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, tịch thu với số lượng lớn nhưng hàng Trung Quốc vẫn âm thầm được nhập về chợ nhiều không ngăn chặn được.   

Báo động chất lượng thực phẩm Trung Quốc

Trong danh mục tang vật hàng lậu, hàng giả, không chứng từ, quá hạn sử dụng… bị Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM lập biên bản, thu giữ trong tháng 5.2009, thì hàng Trung Quốc chiếm phần lớn. Về thực phẩm, số liệu mà PV Thanh Niên nắm được, trong tháng 5.2009, QLTT TP.HCM đã thu giữ trên 400 kg bột ngọt, 350 kg nấm khô, 2.844 chai nước trái cây, 1.310 kg men rượu, hương liệu thực phẩm… xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tại TP.HCM nhưng không ghi nhãn phụ. Đây thực chất là hàng nhập lậu, sau đó chủ hàng mua hóa đơn đỏ để hợp thức hóa. Về chất lượng hàng Trung Quốc, một cán bộ QLTT TP.HCM cho rằng các cơ quan chức năng VN thường chỉ nghĩ đến khía cạnh kinh tế, thuế mà rất ít khi tiến hành kiểm tra về chất lượng. Thực tế lâu nay mỗi khi mở đợt kiểm tra chất lượng thì cơ quan chức năng chủ yếu kiểm tra các mặt hàng tươi sống, còn đồ hộp rất ít được chú trọng.

Đình Mười

Kỳ dị kẹo, bánh Trung Quốc ở cổng trường học

Tại nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở ở phía Bắc, các loại kẹo khá kỳ dị có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn ngập cổng trường. Thế nhưng, người bán hàng lại khuyên: "Mua về bán chứ không nên ăn". Trên sạp hàng rong của chị Ng. (trước cổng trường tiểu học và THCS xã Dân Tiến, Khoái Châu - Hưng Yên), bày la liệt các loại bánh kẹo ghi đặc tiếng Trung Quốc như kẹo vỉ ngậm với đủ màu, ô mai, các xiên nhỏ như xiên thịt nướng… Hỏi về nguồn gốc những gói này, chị Ng. thật thà bảo: "Người ta giao hàng đến tận nơi, còn nguồn lấy ở đâu mình cũng chẳng cần hỏi kỹ, cứ bán tốt là được em ạ". Khi chúng tôi qua trường Tiểu học xã Đặng Trần Côn A (trên đường Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) rất nhiều em học sinh đang vây quanh mấy hàng bánh kẹo để mua những gói ô mai, kẹo bi nhỏ với toàn chữ Trung Quốc được in bên ngoài.

Thành Chung

Trần Đan - Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.