Những mối tình trên “vùng đất chết” - Kỳ 2: Mơ về khu nhà hạnh phúc

23/08/2012 03:05 GMT+7

Nhiều cặp bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhân Ái khao khát được chung sống bên nhau trong quãng đời còn lại.

>> Những mối tình trên “vùng đất chết”

“Cặp đôi hoàn hảo”

Bất kỳ ai ở Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, Bình Phước) đều biết chuyện tình của đôi vợ chồng trẻ Hương - Mạnh. Một số người còn gọi họ là “cặp đôi hoàn hảo”, “cặp đôi hạnh phúc” nhất trong số hơn 30 đôi bệnh nhân AIDS đã và đang yêu nhau tại chốn này.

Cách đây hơn 2 năm, cô công nhân Lan Hương (quê Nghệ An) nhập viện trong tình trạng cùng kiệt cả về tinh thần lẫn thể chất. Cô chỉ còn 35 kg, nằm thoi thóp trên “giường lỗ”. Do bất ngờ bị lây nhiễm HIV từ chồng cũ nên Hương luôn mang tâm trạng nặng nề và muốn trả thù kẻ đã gây ra bất hạnh cho mình.

Chị Nguyễn Thư Tình, nhân viên tư vấn của bệnh viện, cho hay: Trong suốt một thời gian dài, Hương sống khép kín, rất khó tiếp cận và chẳng muốn quen ai. Thật bất ngờ, một năm sau, sự xuất hiện của anh chàng Mạnh hiền lành, mắc chứng lãng tai đã làm đổi thay cuộc đời cô gái “băng giá” này. Ban ngày, Hương tham gia đội xỏ cườm, kết túi xách, còn Mạnh tự nguyện lên đồi trồng trọt, chăn nuôi nhằm góp phần cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân.

 

Chúng tôi còn muốn se duyên, tác hợp để họ có thể hưởng hạnh phúc lứa đôi như bao người khác. Chính vì vậy, bệnh viện có ý định xây dựng “khu nhà hạnh phúc” cho những cặp đôi này và đã lập dự án đề xuất các cấp xét duyệt

Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái

Chiều, Mạnh đem mớ rau càng cua về cho Hương nấu mì tôm, còn Hương đã pha sẵn ly cà phê đá đợi chờ người yêu. Đôi khi, anh chàng hái thêm vài bông hoa đẹp để tặng nàng… Tính chuyện nghiêm túc, Mạnh đã đưa Hương về ra mắt gia đình ở TP.HCM. “Cặp này rất tử tế. Khi bệnh viện giải quyết cho hai người về thăm nhà, nếu họ ở lại thành phố luôn thì chúng tôi cũng đành chịu, vì họ đâu phải tội phạm mà truy tìm. Thế nhưng, đôi bạn này vẫn lặn lội trở lại để làm thủ tục ra viện một cách đàng hoàng” - tư vấn viên Thư Tình nhận xét. Cuối tháng 3.2012, đôi bạn trẻ đã rời bệnh viện  trở về thành phố xây dựng tổ ấm trong sự ủng hộ tối đa của gia đình nhà trai.

Những cuộc tình éo le

Không may mắn như Hương - Mạnh, có những đôi lứa chưa kịp thực hiện lời ước nguyện với nhau đã bị “thần chết” chia lìa.

Suốt ba tháng nay, vết thương lòng của anh Q.H (một bệnh nhân có khiếu vẽ tranh rất đẹp ở Khoa Nội tổng hợp) chưa thể nguôi ngoai. Trước đó, anh Q.H có tình cảm sâu đậm với cô T. ở cùng khoa. Khi bị bệnh cơ hội tấn công dồn dập, T. đã phải chuyển qua điều trị tại Khoa Săn sóc đặc biệt. Trong một lần về phép, Q.H đã sang nhà của T. xin mẹ cô lên bệnh viện làm bảo lãnh để anh được thường xuyên qua khoa chăm sóc cho T. Cùng lúc đó, T. cũng điện thoại về nhà nhờ mẹ giúp bảo lãnh cho Q.H. Khi Q.H và người mẹ đang trên đường lên bệnh viện thì T. đã đi, đôi mắt vẫn đau đáu trông chờ một hơi ấm cuối cùng từ những người thân yêu.

Trong khi đó, cặp bệnh nhân Đ.K (con trai một nghệ sĩ nổi tiếng ở TP.HCM) và T.T rơi vào tình cảnh oái oăm do tự mình không vượt qua nổi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Hai người sống cùng Khoa Nội tổng hợp. Sau gần 1 năm yêu nhau, Đ.K và T.T được gia đình tạo điều kiện cho đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, hai người tái nghiện ma túy. Lúc này cô vợ đã dính bầu nên họ buộc phải bỏ cái thai. Sau khi trở lên bệnh viện, sức khỏe người vợ rất yếu, phải nằm cấp cứu suốt hơn 3 tuần qua…

Dù đang trải qua những tháng ngày hạnh phúc muộn màng trong bệnh viện với người yêu mới, song khuôn mặt của K.H vẫn luôn đượm buồn. K.H tâm sự, cô mất mẹ từ năm lên 9, ba đi lấy vợ khác, cô thường kiếm sống trong những quán cà phê đèn mờ. Sớm vướng vào chuyện trai gái, có con rồi bị phụ tình, K.H “giải sầu” bằng cách chích ma túy với bạn... Điều K.H khổ tâm nhất bây giờ chính là không biết đứa con gái của cô đang lưu lạc phương nào. Trước khi được đưa lên trung tâm cai nghiện, cô đã gửi con cho một chủ nhà trọ ở TP.HCM nhưng hiện người ta phủ nhận chuyện trao gửi đó. K.H mong ước cuối đời sẽ được chết ở đây bên cạnh người yêu mình, sau khi đã gặp mặt đứa con thơ dại.

 Những cặp bệnh nhân AIDS luôn khao khát "khu nhà hạnh phúc" dành cho họ
Những cặp bệnh nhân AIDS luôn khao khát "khu nhà hạnh phúc" dành cho họ - Ảnh: Như Lịch

 
"Em cứ tưởng tượng đây là mâm quả trong đám cưới chúng mình!" - bệnh nhân Đặng Công Danh đã nói với người yêu Hồng Tươi của mình như thế, khi hai người tham gia phân phát cơm trong Bệnh viện Nhân Ái

Quá xa ?

Phương Thanh (khoa Nội tổng hợp) cho biết, thời điểm cô tái nghiện sau 8 năm từ bỏ ma túy đã khiến nhiều người kinh ngạc. Họ càng thắc mắc hơn nữa khi hay tin cô từng là đồng đẳng viên lâu năm, cùng phụ trách một nhóm tự lực tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS tại TP.HCM.

 

Tụi em mơ ước có một khu nhà trong bệnh viện dành cho những cặp đôi, để tụi em có thể chăm sóc, gần gũi nhau như vợ chồng vào những ngày cuối đời

Bệnh nhân Đặng Công Danh

Phương Thanh bộc bạch: “Phải thừa nhận tôi đã kém cỏi, không chiến thắng được bản thân. Nhưng để tránh lặp lại những lỗi lầm cũ, chúng tôi cũng rất cần môi trường sống lành mạnh và người thân động viên hỗ trợ. Có nhiều người trong chúng tôi đã sa ngã, quay lại vết xe đổ vì bị gia đình đay nghiến, xa lánh, kỳ thị trong lúc bản thân không có công ăn việc làm ổn định, sức khỏe yếu…”. Duy Thắng - người yêu của Phương Thanh cho rằng áp lực bên ngoài xã hội đối với bệnh nhân AIDS thường rất lớn. Vì vậy, chỉ vài hôm sau khi về phép thăm nhà, cặp tình nhân này đã muốn quay lại ngay bệnh viện. Nơi đó, họ được tiếp tục điều trị, chăm sóc ân cần và sống êm đềm bên nhau, cũng như thấy mình vẫn còn có ích khi giúp đỡ những người bệnh yếu hơn.

Bệnh nhân Đặng Công Danh (Khoa Săn sóc đặc biệt) bày tỏ: “Nói thiệt, tụi em yêu nhau thường chỉ nắm tay nắm chân, quá lắm là ôm hôn mà thôi. Chung khoa nhưng không được chung phòng. Vì vậy tụi em mơ ước có một khu nhà trong bệnh viện dành cho những đôi, để tụi em có thể chăm sóc, gần gũi nhau như vợ chồng vào những ngày cuối đời”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, hầu hết bệnh nhân ở đây đều trong độ tuổi thanh niên. Họ rất cần tình cảm lứa đôi để nương tựa nhau trong quãng đời còn lại đồng thời muốn bù đắp những tình cảm trước đây mà họ đánh mất.

Nhận thấy nhu cầu “rất người” của những bệnh nhân, bắt đầu từ cuối năm 2010, bệnh viện có chủ trương cho nam và nữ ở cùng một khoa điều trị (chỉ sống khác phòng). Trước đó, bệnh viện tách các khoa nam/nữ riêng biệt và những bệnh nhân này chỉ được giao lưu mỗi tuần 1 lần. Bác sĩ Long chia sẻ: “Không chỉ tạo điều kiện cho họ sinh hoạt cùng khoa, chúng tôi còn muốn se duyên, tác hợp để họ có thể hưởng hạnh phúc lứa đôi như bao người khác. Chính vì vậy, bệnh viện có ý định xây dựng “khu nhà hạnh phúc” cho những cặp đôi này và đã lập dự án đề xuất các cấp xét duyệt”. Thế nhưng, cũng theo bác sĩ Long, đến nay dự án trên vẫn chưa thể triển khai vì gặp khó khăn chủ yếu về kinh phí.

Mỗi tháng, 6 người... đi

Bệnh viện Nhân Ái nằm trải dài trên một quả đồi với những mái ngói đỏ thấp thoáng giữa rừng cây xanh mát, có hồ nước uốn lượn bao quanh, trông đẹp như một khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, chúng tôi không khỏi rùng mình khi đi về phía cuối quả đồi ấy. Bởi nơi đó như một dấu chấm hết cuộc đời của nhiều bệnh nhân AIDS với nhà tang lễ, lò thiêu và phòng lưu cốt. Ông Vũ Ngọc Sáu - phụ trách nhà xác của bệnh viện cho biết: Hiện nay, bình quân mỗi tháng có khoảng 6 người “đi” (chết). Vào mùa lạnh, số người chết thường nhiều hơn thế.

Như Lịch

>> Hy vọng mới cho bệnh nhân AIDS
>> Chôn sống bệnh nhân AIDS
>> Thiết lập 5 bệnh viện vệ tinh tiếp nhận điều trị bệnh nhân AIDS
>> Tình thương quý hơn tiền bạc
>> Tặng nhà tình thương
>> Bữa cơm tình thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.