Những tháng năm nhỏ, trôi thật mau
Những cơn mơ đầu không biết ngừng nghỉ
Những khát khao sâu thẳm của một thời con chưa biết lo nghĩ
Và mái nhà bé, đủ ấm mỗi đêm về.
Ôi, những ngày con rong đuổi chán chê
Trên mọi nẻo đường con đã từng mong mỏi
Những khát vọng của một thời, con từng hỏi
Đến bao giờ con đủ lớn để hoàn thành
Gạt giọt nước mắt mỏng manh
Để nên người?
Để rồi những tháng ngày tuổi trẻ, con buông xuôi
Muốn về lại căn nhà bé xíu, nơi con chưa từng lo nghĩ
Để mẹ xoa đầu, vỗ về đến từng tý
Để cùng cha rong đuổi những ngày xanh,
Con cố trở về, rảo bước thật nhanh
Nhưng
Chỉ còn căn nhà vắng
Bé nhỏ
Chỉ còn những bức hình khi con nhỏ
Chỉ còn cha mẹ ôm ấp trong những thước phim nâu
Con quỵ xuống, thật lâu
Đúng, thật lâu…
Chỉ còn mái nhà nhỏ
Nơi khát vọng dần lụi tắt
Một ánh đèn vàng hiu hắt,
Và tuôi thơ của con
Mãi mãi không trở về.
Đã bao lâu rồi kể từ ngày bạn gửi lời chào từ giã đến tuổi thơ? Đã bao nhiêu năm tháng kể từ ngày bạn thực sự bước vào đời, nơi không còn bàn tay vững chắc của cha, không còn mùi hương từ tóc của mẹ? Đã bao lâu rồi?
Tôi rời xa những rong đuổi ngày xanh với cha khi lên 10, cha mẹ tôi chia tay nhau, tôi sống với mẹ ở nhà ngoại. Tôi sống với mẹ trong suốt những năm nổi loạn của một đứa bé mới lớn. Có những lúc bướng bỉnh, không vâng lời, tôi cũng như hầu hết nhiều đứa bé cùng độ tuổi ngày ấy, đó là mong muốn được lớn nhanh, được trưởng thành, ra đời, để như bao người tôi đã thấy trên phim ảnh, tự do, không kiểm soát.
Rồi ngày ấy cũng đến, tôi chính thức chia tay với tuổi thơ của mình năm 16 tuổi. Rời xa mái nhà ngói đỏ, bé xíu có những chậu cây nơi cửa sổ bằng gỗ, rèm cửa vàng hòa với màu của nắng. Rời xa mẹ tôi, ngoại tôi, tôi bước ra thế giới bên ngoài, nơi mọi người không biết tôi là ai, nơi chẳng ai yêu thương tôi như tôi yêu bản thân mình. Tôi rời xa tuổi thơ, đúng như ước muốn một thời của mình.
Tôi đi học mỗi ngày, tôi vui chơi với bạn bè mỗi ngày mỗi giờ. Những đêm trở về nhà không còn ai cằn nhằn khi bảo rằng tôi về quá muộn, không còn ai bắt bẻ khi tôi nói sai, không còn ai ép tôi ăn, nhưng cũng không còn ai thương tôi bằng một tình thương hiện hữu quá hiển nhiên, tình thương như khí trời bao quanh tôi, tình thương của cha của mẹ tôi. Không còn những bữa cơm để dành những tối đi học về, tôi tự nấu cơm, tự ăn, tự thấy ngon thấy dở một mình. Cha mẹ tôi không bên cạnh để bảo rằng, con ơi, cẩn thận với thế giới, đầy hiểm nguy, đầy cạm bẫy, con còn rất trẻ, con ơi!
Tôi còn rất trẻ, tôi ơi. Tôi còn rất trẻ để nhận ra chẳng ai thương yêu tôi vô điều kiện như mẹ cha, chẳng ai chịu đựng những thói xấu, những yêu sách những vô lý của tôi, vì tôi không còn là một đứa bé dụi đầu nũng nịu vào lưng mẹ, để bàn tay thô ráp của cha vỗ đầu mỗi đêm. Tôi liên lạc với cha mẹ qua điện thoại, và lên mạng tâm sự nhiều hơn. Khôi hài thay, chỉ khi tôi đi xa, tôi mới tâm sự nhiều với cha mẹ tôi như vậy.
Có quá muộn không? Có quá muộn không khi tôi đã thấy nhiều, rất nhiều sợi tóc bạc trên mái đầu cha? Có quá muộn không khi tay mẹ tôi không còn tròn mịn như những ngày xưa, bàn tay mảnh khảnh, gầy gò, có gân và xương vẫn ôm tôi những ngày tôi trở về. Cha tôi vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ xíu hai phòng ngủ nằm trong hẻm, mẹ tôi đang vất vả lo lắng cho bệnh tình của ngoại. Tôi sợ khi phải đối mặt với thời gian. Nhưng tôi sẽ càng sợ hơn nếu tôi chạy trốn. Thời gian qua nhanh khi ta không để ý đến nó, chỉ có dấu vết thực sự còn in dấu trên khuôn mặt mỗi người.
Tôi sẽ quay về, quay về trước khi quá muộn, quay về để mái nhà nhỏ không còn trơ trọi những đêm nhiều gió. Tôi sẽ làm được nhiều hơn thế, để sau này mái tóc tôi bạc trắng, tôi không phải hối tiếc khi đã không thể làm gì cho cha mẹ.
Donna Donna Donna, bài hát kết thúc cũng là một khoảng lặng, cho bất cứ đứa con nào trên thế giới cần phải suy ngẫm. Hãy nói yêu thương khi còn có thể, nhưng hãy hành động, đừng giấu giếm tình thương trong lòng. Cha mẹ mỗi người chỉ một, nhưng tình yêu dành cho con cái không thể đong đếm bằng lời.
Đỗ Nguyễn Tường Vi
Bình luận (0)