Những nghệ sĩ đưa nhạc Việt ra thế giới

01/09/2016 07:00 GMT+7

Từ cách đây một thập niên, nhiều nghệ sĩ hàng đầu của VN đã nghĩ đến việc tiếp cận thị trường âm nhạc quốc tế và các dự án gắn với nỗ lực ấy lần lượt được thực hiện.

Mới là những cuộc dạo chơi
Diva Mỹ Linh phát hành đĩa nhạc tại Nhật Bản. Mỹ Tâm hợp tác với một nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc thực hiện CD, trong đó có cả những ca khúc lời Hàn. Một số ca sĩ ra album có ca khúc lời Việt được dịch ra tiếng Hoa, tiếng Thái… Nhưng hầu hết các dự án này mới chỉ dừng lại ở phạm vi những cuộc chơi.
Vài năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ đã đầu tư kinh phí sản xuất đĩa nhạc tại nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người không còn nghĩ đến việc tấn công thị trường âm nhạc quốc tế. Như Tùng Dương cách đây 3 năm đã thực hiện album Độc đạo tại Pháp với sự hợp tác của nhạc sĩ Nguyên Lê và các nghệ sĩ nước ngoài, nhưng cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào việc đưa album “xuất ngoại”.
Âm nhạc VN chưa được quốc tế biết đến nhiều, theo nhạc sĩ Quốc Trung, là lỗi do chính các nghệ sĩ trong nước. “Có thể nói âm nhạc VN là một ốc đảo với âm nhạc thế giới bởi trước hết chúng ta chưa tạo ra được một thị trường âm nhạc lành mạnh để hội nhập, để có thể bình đẳng đón nhận âm nhạc thế giới. Trong thời đại số thì cơ hội đến với thế giới không khó như trước nhưng đòi hỏi nghệ sĩ chúng ta phải có tài năng nổi bật trong muôn vàn tài năng của âm nhạc thế giới. Chúng ta có nhiều ngôi sao có thu nhập không xa so với thế giới những tài năng thì lại cách rất xa”, nhạc sĩ bày tỏ.
Dòng chảy ngầm trên thị trường quốc tế
Trong khi âm nhạc đương đại VN còn ít được thế giới chú ý, thì qua nỗ lực âm thầm của một số nghệ sĩ, âm nhạc truyền thống, dân tộc hoặc những sản phẩm âm nhạc hiện đại mang chất liệu âm nhạc truyền thống VN lại được khán giả nước ngoài đón nhận.
Nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê vừa trở về VN trong tháng 8 này. Ông đến Hà Giang, tới bản làng của người Mông, người Dao… để tìm kiếm các nghệ nhân, những người giữ gìn “thứ âm nhạc thuần khiết” của dân tộc mình, sang biểu diễn tại một bảo tàng dân tộc học ở Lyon (Pháp). Nghệ sĩ Nguyên Lê sẽ cùng biểu diễn tương tác với các nghệ nhân này. Chương trình do bảo tàng tài trợ hoàn toàn kinh phí nhằm giới thiệu tới công chúng Pháp và quốc tế âm nhạc của dân tộc thiểu số VN.

Có thể nói âm nhạc VN là một ốc đảo với âm nhạc thế giới bởi trước hết chúng ta chưa tạo ra được một thị trường âm nhạc lành mạnh để hội nhập, để có thể bình đẳng đón nhận âm nhạc thế giới

Nhạc sĩ quốc trung

Người nghệ sĩ worldmusic đẳng cấp thế giới 57 tuổi này đã thực hiện những sản phẩm âm nhạc mang màu sắc âm nhạc truyền thống VN ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình. Album Tales from Vietnam (Những chuyện kể từ Việt Nam) của Nguyên Lê ra mắt vào năm 1996, kết hợp giữa nhạc jazz và âm nhạc truyền thống của VN, có sự tham gia của ca sĩ Hương Thanh (em gái ca sĩ Hương Lan) đã tạo tiếng vang lớn tại Pháp và thế giới, với nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá, trong đó có giải thưởng Choc du Monde de la Musique do các tạp chí âm nhạc hàng đầu tại Pháp bình chọn. Sau đó, ông tiếp tục hợp tác với nữ ca sĩ Hương Thanh trong 5 sản phẩm âm nhạc kết hợp giữa jazz và giai điệu dân ca VN trên nền nhạc phối khí với các nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, bộ gõ…
Nguyên Lê vừa hợp tác với nghệ sĩ Ngô Hồng Quang thực hiện album Hanoi Duo. Album có những tác phẩm do Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang sáng tác mang màu sắc âm nhạc truyền thống VN, bên cạnh đó còn có những bài hát xẩm, quan họ Bắc Ninh, dân tộc miền núi phía bắc, kết hợp giữa các loại nhạc cụ điện tử và đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn chiêng dây. Album do Hãng đĩa ACT (Đức) tài trợ toàn bộ kinh phí và dự kiến phát hành khắp châu Âu vào tháng 1.2017. Đây không phải lần đầu tiên nghệ sĩ Nguyên Lê được tài trợ để thực hiện những sản phẩm âm nhạc có chất liệu âm nhạc truyền thống VN. “Những album mang màu sắc âm nhạc truyền thống VN luôn được khán giả quốc tế đón nhận, lượng tiêu thụ đĩa lớn”, nghệ sĩ Nguyên Lê cho biết.
Trước Hanoi Duo, Ngô Hồng Quang đã hợp tác với nhạc sĩ nước ngoài thực hiện album, trong đó anh hát các làn điệu xẩm, chèo, quan họ, dân ca Nam bộ… Đĩa được phát hành tại Hà Lan với giá 15 euro. Vừa tốt nghiệp chương trình học tập tại Nhạc viện Hoàng gia Den Haag ở Hà Lan, Ngô Hồng Quang cho biết anh sẽ phát triển sự nghiệp tại châu Âu. “Tôi kiếm sống hoàn toàn nhờ vào các hoạt động âm nhạc của mình”, Ngô Hồng Quang chia sẻ. Âm nhạc dân tộc đã giúp anh có "đất sống" ở trời Tây.
Trong số những nghệ sĩ có công đưa nhạc Việt đến với thế giới, không thể không nhắc đến Võ Vân Ánh, nghệ sĩ đàn dân tộc VN hiện đang sống tại Mỹ. Chị sáng tác nhạc kết hợp giữa hiện đại và âm hưởng của những nhạc cụ truyền thống VN như đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, trống, t’rưng… Chị là người sáng tác nhạc cho bộ phim tài liệu Daughter from Danang được đề cử giải thưởng Oscar năm 2003. Chị cũng đoạt giải Emmy với soundtrack cho bộ phim Bolinao 52. Nghệ sĩ Vân Ánh từng chia sẻ: “Tôi sẵn sàng kết hợp rock, jazz với nhạc cụ truyền thống của VN để thế giới yêu thích các nhạc cụ này đã, rồi từ đó họ tìm hiểu về các loại nhạc cụ và âm nhạc dân tộc VN”. Cũng đi theo hướng kết hợp giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc dân tộc, nghệ sĩ Nguyên Lê bày tỏ tham vọng: “Tôi muốn thay đổi gu thưởng thức nhạc của khán giả thế giới, để họ biết đến âm nhạc truyền thống châu Á, trong đó có VN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.