TNO

Những ngôi chùa nhiều tên ở Sài Gòn (phần 2)

26/03/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Có những ngôi danh tự rất đặc biệt ở Sài Gòn. Đặc biệt là khi đó là một ngôi chùa được gọi bằng nhiều cái tên.

(iHay) Có những ngôi danh tự rất đặc biệt ở Sài Gòn, nhất là những ngôi chùa được gọi bằng nhiều cái tên. Ngoài tên chính thức được treo trang trọng ở cổng chùa, còn có những tên gọi được người Sài Gòn “khắc cốt ghi tâm” qua năm tháng. Và đằng sau mỗi cái tên là một câu chuyện…

>> Tản mạn về những ngôi chùa nhiều tên ở Sài Gòn (phần 1)

Phước Hải Tự - Chùa Ngọc Hoàng – Chùa Đa Kao (73 Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Quận 1)

 


Chùa Ngọc Hoàng mang đậm phong cách chùa cổ Trung Hoa

Có tên chính thức là Phước Hải Tự, nhưng người Sài Gòn vẫn quen gọi ngôi chùa này là chùa Ngọc Hoàng. Ngoài ra, người Pháp trước đây còn gọi là chùa Đa Kao (vùng đất nơi chùa tọa vị, xưa và nay đều được gọi là Đa Kao).

Có lẽ, cái tên chùa Ngọc Hoàng ăn sâu trong tâm thức người Sài Gòn là do từ thế kỷ 19, chùa vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Lúc bấy giờ, đây là đền chùa duy nhất có thờ Ngọc Hoàng ở Sài Gòn. Mãi đến năm 1984 (có tài liệu ghi là 1982), điện Ngọc Hoàng mới được đổi tên là Phước Hải Tự.

Tương truyền, chùa được một người Quảng Đông (Trung Quốc) tên là Lưu Minh xây dựng. Do đó, chùa có kiến trúc theo kiểu đền chùa cổ Trung Hoa, được xây bằng gạch, mái ngói âm dương, góc mái được lợp từ gốm. Trong chùa còn có nhiều tranh thờ, tượng thờ, câu liễn,… bằng gỗ, gốm, giấy bồi có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao. 


Góc mái của chùa được xây bằng gốm

Đến chùa Ngọc Hoàng, ngoài cầu Ngọc Hoàng sự bình an, cầu Thần Tài chuyện tài lộc, người viếng chùa (đặc biệt là nữ) còn mang nhang dầu đến nơi thờ Kim Hoa thánh mẫu và 12 bà mụ để cầu con.

 
Tượng Ngọc Hoàng được thờ trong điện cao đến 3m, ngự trị trên cao, hai bên có Tiên Đồng, Tiên Cô, Nam Tào, Bắc Đẩu,... Chánh điện cũng thờ các vị thần quen thuộc khác trong tín ngưỡng người Hoa như Huyền Thiên Thượng Đế, Thiên Lôi, thần Môn Quan, Lỗ Ban, Thái Tuế,… Ngoài thờ thần, chùa còn thờ các vị Phật và Bồ Tát

Để cầu được con, nhiều cặp vợ chồng không chỉ làm lễ trước Kim Hoa thánh mẫu, mà họ còn phóng sanh một cặp rùa ghi tên tuổi của mình. Nếu cặp rùa mang thai thì lời thỉnh cầu càng linh nghiệm. Đó là lý do khiến hồ rùa ngày càng có nhiều “cư dân”, thậm chí trong hồ còn có cả những cụ rùa trên dưới 100 tuổi.

Theo những người buôn bán trước cửa chùa, ngoài thả rùa, người đến viếng chùa cũng thường phóng sanh nhiều loài vật khác tùy theo điều mình muốn cầu xin. Họ thả cá chép để cầu tài lộc, thả cá trê, cá rô để cầu sức khỏe bình an và giải hạn, phóng sanh chim để cầu siêu,…

Sự linh nghiệm của chùa Ngọc Hoàng đã được truyền miệng qua nhiều người từ nhiều thế hệ trước, cho nên mỗi ngày có rất nhiều du khách và Phật tử đến chiêm bái chùa. Ngoài những người đến cầu an, cầu tài và cầu con, còn có những người đến để tạ ơn, trả lễ khi tâm thành nguyện toại. 


 Một số góc cổ kính khác của chùa Ngọc Hoàng

Nếu muốn tham gia vào không khí lễ hội, bạn có thể đến chùa vào ngày vía Ngọc Hoàng hàng năm (9 tháng Giêng). Còn nếu muốn tìm về sự yên bình và tĩnh lặng nơi cửa Phật, bạn hãy chọn một ngày thường, không lễ, cũng không rằm, lần qua từng điện thờ rồi dừng lại ngồi dưới bóng đa trăm tuổi nơi sân chùa, để chiêm ngưỡng từng ngóc ngách thời gian của một trong những ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn.

 Ngoài điện thờ Kim Hoa thánh mẫu, hồ rùa cũng là nơi nhiều cặp vợ chồng gửi gắm ước muốn có con.

Chim thường được phóng sanh để cầu siêu cho người đã khuất.

 Chùa luôn kín người vào ngày Tết, mùng một và ngày rằm, đặc biệt là ngày vía Ngọc Hoàng hàng năm.


Vào ngày thường, không khó để nhìn thấy nhiều du khách nước ngoài đến tham quan chùa.

Ngôi chùa 4 tên

Vì ngôi chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, nên người ta thường gọi ngôi chùa cổ này là Chùa bà Thiên Hậu hay Chùa Bà Chợ Lớn (nghĩa là Chùa bà ở Chợ Lớn, để phân biệt với các ngôi chùa bà Thiên Hậu khác).

Theo tấm bia đá treo ở chùa, Thiên Hậu Thánh Mẫu vốn là người Phước Kiến (Trung Quốc), được bà con người Hoa xem như một vị thần biển. Bà được sinh ra vào đời vua Tống Kiến Long (tại vị từ năm 960-976). Khi mới chào đời, bà đã tỏa hào quang và hương thơm ngát. Khi lớn, bà có thể cỡi chiếu ra biển, cỡi mây đi khắp nơi. Đến khi bà đã qua đời, thỉnh thoảng người đi biển vẫn thấy bà bay lượn trên biển để cứu người bị nạn.

Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển gặp nạn, người ta đều gọi vái đến bà. Năm 1110, nhà Tống sắc phong cho bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ngoài ra, bà còn được người Quảng Đông gọi là A Phò, có nghĩa là Đức Bà. Đó là lý do vì sao chùa bà Thiên Hậu còn có tên gọi là Phò Miếu.

Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng năm 1760 bởi một nhóm người hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu) di dân sang Việt Nam. Họ mong muốn bà Thiên Hậu sẽ giúp họ vượt qua những sóng gió, nguy nan nơi vùng đất mới. Từ đó đến nay, chùa trở thành nơi hội họp của người Hoa gốc Quảng Châu, nên còn được gọi là Tuệ Thành Hội Quán.

Chùa bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sài Gòn, mang đậm phong cách chùa cổ của người Hoa, từ đường nét, kiến trúc đến vật liệu xây dựng. Theo nhà văn hóa – học giả Vương Hồng Sển, từng viên gạch, mái ngói, đồ gốm ở chùa đều được đem từ Trung Quốc sang.

Chùa có hàng trăm đồ cổ có niên đại từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, bao gồm các tượng gỗ, tượng đá, bia đá, lư đồng, câu đối, phù điêu,... được chế tác rất tỉ mỉ và tinh tế. Đặc biệt, phải nói đến 2 đại đồng chung bằng gang, có niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830) cùng với bộ lư lớn có niên hiệu Quang Tự năm thứ 12 (1886).

Miếu thờ trong chùa gồm 3 điện thờ chính: tiền điện, trung điện và chính điện. Chính điện thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Hai bên trang thờ Bà là trang thờ Kim Huê nương nương và Long Mẫu nương nương. Giữa các dãy nhà trong miếu đều có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh, giúp thu ánh sáng, không khí và thoát khói hương.

Vào các ngày mùng một, ngày rằm, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu và đặc biệt là vào ngày lễ vía Bà (23.3 âm lịch), luôn có nhiều du khách, Phật tử đến chiêm bái, đứng kín cả trong và ngoài chùa. Vì vậy, cũng như chùa Ngọc Hoàng, bạn nên đến viếng chùa vào ngày thường để có thể dễ dàng thưởng lãm từng dấu tích lịch sử của ngôi cổ tự.


Chùa bà Thiên Hậu cũng là một ngôi chùa của người Hoa, nhưng được xây dựng trước điện Ngọc Hoàng cả hơn một thế kỷ.


Từ cổng chùa đến cửa đều mang nét cổ kính và được chạm khắc nhiều hoa văn


 Từng viên gạch, mái ngói đều được chăm chút


 Chùa có hàng trăm đồ cổ trăm tuổi


Lệnh của Tư lệnh Ariès cấm các binh sĩ Pháp phá chùa, được ký năm 1860.

 Giữa các dãy nhà trong chùa đều có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh, giúp thu ánh sáng, không khí và thoát khói hương

Tản mạn về những ngôi chùa nhiều tên ở Sài Gòn
Theo những người coi sóc chùa, mỗi ngày chùa bà Thiên Hậu đều đón nhiều lượt khách nước ngoài đến tham quan

Phạm Như Quỳnh

>> Myanmar kỳ thú - Kỳ 3: Những ngôi chùa lộng lẫy ở Mandalay
>> Thăm ngôi chùa Từ Hiếu độc đáo bậc nhất xứ Huế
>> Thăm ngôi chùa được dát 60 tấn vàng của Myanmar
>> Ngôi chùa lâu đời nhất trên đảo Phú Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.