André Menras đã đến Bình Châu và Lý Sơn 3 lần, có lần ở lại gần một tháng để nắm rõ tình hình ngư dân. Nỗi đau và sự kiên cường của các ngư dân đã thôi thúc ông thực hiện một hành trình khám phá, ghi lại chân thực cuộc sống của họ.
Đến Bình Châu, ông Nguyễn Thành Đồng (tên thường gọi là Tiến) là người đã hướng dẫn, giới thiệu André Menras và đoàn làm phim gặp những người làng của ông.
Cuộc phỏng vấn đầu tiên là với bà Nguyễn Thị Hào, người đã bị mất chồng (ông Nguyễn Huệ) và con (Nguyễn Văn Ngữ, 24 tuổi) tại vùng biển Hoàng Sa vào ngày 17.4.2008. Dưới đây là đoạn đối thoại trong phim giữa André Menras (bằng tiếng Việt) với bà Hào:
- Tôi nghe nói chị đã mất chồng mất con khi đang đánh bắt cá ở vùng Hoàng Sa, vào năm nào?
- 17 tháng 4 dương lịch 2008.
- Mất tích ở vùng nào của Hoàng Sa?
- Gần đảo Bông Bay.
- Mất tích với bao nhiêu anh em?
- Dạ mất tích 9 người, ở đây có hai cha con.
- Lúc đó con chị bao nhiêu tuổi?
- 24 tuổi.
- Bây giờ thì tôi biết là chị rất đau khổ, thứ nhất là vì đã mất người thân nhất của mình. Việc thứ hai là vấn đề bắt cá đã để lại nỗi buồn và một số nợ. Không biết số nợ ấy là bao nhiêu?
- Dạ lúc đó thì ba trăm mấy triệu còn sau này nhà nước cho được 100 triệu thì em trả lại bà con, chị em, cũng còn nợ một số tiền.
- Bao nhiêu?
- Còn lại bảy mươi mấy triệu...
|
Bà Hào cũng đã dẫn ông André Menras đến khu mộ của chồng và con trai, nơi mảnh đất do ông bà để lại. Những thước phim ghi lại những ngôi mộ gió nằm san sát nhau, không hề có thi hài dưới mộ, chỉ có một hình nhân được nhồi bằng đất sét để thay thế cho thân xác ngư dân. Ngay tại đây, André Menras cũng đã gặp chị Phạm Thị Ngọc (em dâu bà Hào) đang ra thăm ngôi mộ gió của chồng là ngư dân Nguyễn Văn Trung, mất tích ở vùng biển Hoàng Sa vào ngày 16.7.2010, để lại cho chị 4 đứa con.
Chị Ngọc kể: “Chồng em cũng đi biển tại đảo Hoàng Sa. Ngày 16.7.2010, nghe nói bão nhưng không dám vô cảng, mà núp ở ngoài nên tàu bị chìm, chồng em và 9 người khác bị chết, để lại cho em 4 đứa con”. Rồi chị Ngọc tâm sự về cuộc sống gian khó hiện tại: “Hễ có rong biển thì đi làm, còn không có rong biển thì ai kêu đâu em đi làm đó, cực khổ lắm anh ơi, kiếm một ngày được năm ba chục ngàn. Sáng phải đi từ sớm cho đến 9-10 giờ tối. Ngày nào không có rong thì em ở nhà đốn củi, lấy đước về chụm nước”. Những giọt nước mắt của bà Hào và người em dâu lặng lẽ chảy trong cái nắng gay gắt của Bình Châu, bên những ngôi mộ gió...
Cứ thế, mạch phim đưa người xem đi đến những ngôi nhà có những bà vợ góa, mỏi mòn trong sự chịu đựng bởi phải gánh vác trăm công nghìn việc. Họ vẫn phải bằng cách này hay cách khác bám vào biển mà sống, như một lời bình trong phim của André Menras: “Dựa lưng vào dãy Trường Sơn, mảnh đất hẹp này tất nhiên phải quay ra hướng biển. Ở đây không còn cách nào khác là phải sống với biển và nhờ biển”.
Còn nhiều nữa, những bà vợ góa đang ngày đêm âm thầm sống trong khổ đau và cố gắng vượt bậc để nuôi con khôn lớn. Những người phụ nữ này đã phải mòn mỏi chờ đợi và rồi tuyệt vọng khi nhiều năm tháng qua, chồng họ vẫn không trở về. Đó là trường hợp của các chị Nguyễn Thị Tuyết (chồng mất tích năm 2008 ở đảo Phú Lâm), Nguyễn Thị Xi (chồng bị mất tích ở vùng biển Hoàng Sa), Nguyễn Thị Xinh, Trần Thị Đúng, Bùi Thị Thủy... ở Bình Châu.
Một trường đoạn khác trong phim mà khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên mới đây, André Menras đã nói “tôi không cầm được nước mắt”. Ngồi ngay bên bãi biển, giữa một mớ ngư cụ và lưới đi biển, ngư dân Tiêu Viết Là (ảnh) kể, mình và các bạn cùng tàu đã bị bắt 4 lần: năm 2006, bị bắt và bị thu hết tài sản; 2007 tàu bị bắn, 6 người bị thương, thu hết tài sản và “cho mạng về không”; năm 2009 bị bắt, thu hết tài sản và cho ghe về không.
Lần cuối cùng Tiêu Viết Là không còn dám đi biển nữa là lần bị bắt ở đảo Phú Lâm, bị giam 1 tháng, bị đánh và bị đòi tiền chuộc 70 vạn tệ (hơn 2 tỉ đồng). Vào thời điểm André Menras phỏng vấn, Tiêu Viết Là vẫn còn mang một món nợ đến 400 triệu đồng, mượn của bà con và vay của ngân hàng để trang bị ngư cụ, lưới đi biển! Khốn đốn là thế, nhưng khi nghe André Menras hỏi rằng có nhớ Hoàng Sa không, câu trả lời của Tiêu Viết Là khiến ai cũng thấy day dứt: “Hoàng Sa mà sao không nhớ! Quê hương của Việt Nam mình nằm ngay đây thôi, sao mà không nhớ”! |
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)