Những ngôi nhà bừa hơn cả cái kho ‘kiểu’ vùng Chợ Lớn

22/07/2018 10:06 GMT+7

Nhà ở nhưng bừa hơn cả cái kho, hình như đấy mới là “thương hiệu” chuẩn của không ít gia đình tiểu thương, lao động bình dân và kể cả giới trung lưu trong Chợ Lớn (khu vực Q.5, Q.6, Q.11 - TP.HCM).

Bừa bộn cho tiện kinh doanh
Những khu nhà phố Chợ Lớn hình thành, khác biệt hẳn với kiểu nhà ở phổ thông của người Việt, bởi cùng là một ngôi nhà, nhưng được bao hàm nhiều công năng với ăn ở, sản xuất, buôn bán, trao đổi các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu cuộc sống.

Chính sự hội tụ nhiều chức năng trong không gian sống nơi ngôi nhà của tiểu thương Chợ Lớn, với ưu tiên hàng đầu dành cho việc buôn bán, giao thương, từ đó nảy sinh sự bừa bộn trong sắp xếp không gian. Bừa bộn, đó không phải là chi tiết biện minh cho sự lười biếng của gia chủ, mà trái lại biểu lộ sự bận rộn, làm việc đến quên thời gian, quên dọn dẹp. Do phải tập trung tối đa vào kinh doanh, buôn bán, nhu cầu cuộc sống được giản lược, thế nên bừa bộn xem như một kiểu mẫu thân quen trong phần nhiều gia đình người Hoa.
Thời đi học, một không gian rất bừa trên đường Bãi Sậy mà tôi nhớ là nhà người bạn học của mình. Gia đình chuyên kinh doanh văn phòng phẩm, tuy nhà ở Bãi Sậy không kinh doanh, nhưng toàn bộ phần tầng trệt xếp đồ bừa như một bãi chiến trường. Mỗi lần học nhóm, ngại nhất là đi qua mớ hỗn độn “văn phòng tứ bảo” la liệt dưới đất bởi sợ giẫm đạp phải, bể vỡ cũng chết mà vương bẩn cũng hỏng. Thêm lời căn dặn của Tiểu Lan, bạn tôi, rằng phải giữ nguyên mọi thứ, không được dịch chuyển, bởi cái bừa bộn ấy đều trong tính toán của phụ huynh. Thay đổi vị trí dễ dẫn đến chuyện lúc tìm không ra gói đồ cần giao hàng thì chỉ có nước nghe bài chửi te tua đầu óc. Bởi thế, cả nhà Tiểu Lan dẫu muốn sống gọn, cũng đành ưu tiên cho chuyện bừa, thói quen cố hữu ấy giúp cho buôn bán nhanh lẹ. Nếu ngăn nắp, lại phải làm quen với sự sắp xếp mới, e mất rất nhiều thời gian nên ai cũng ngại.
Lẩn khuất nét duyên
Ở địa chỉ 313 Tân Phước (Q.11) của ông Lưu Nhân Thanh, người Hoa gốc Quảng Đông, từng một thời là quán cà phê vợt cũ kỹ, phục vụ giới bình dân, thợ thuyền khu chợ Thiếc kế cận. Cái cũ kỹ của ông bao năm không thay đổi, từ bàn ghế, bộ đồ pha cà phê vợt, cái siêu sắc thuốc, cùng hàng loạt ly tách, lon sữa bò, thùng nhựa, xô, chậu… chất cao ngang tầm mắt nằm lủ khủ ngay sau cửa ra vào. Lối ra sau bếp với nồi nước lèo to đùng tỏa khói. Trên lối đi nhỏ hẹp ấy là xe đạp, bàn ghế, tủ chứa đồ… và bao la những thứ không thể kể cho đủ hết tên. Cái cũ kỹ, bừa bộn ấy, hóa ra lại khiến dân tình từng một thời mê mẩn. Trên vách nhà, trước một đống bừa bộn ấy, ông Thanh trịnh trọng treo tấm giấy lộng kính hẳn hoi, căng mắt lên lẩm nhẩm đọc, hóa ra đấy là tấm giấy người ta công nhận ông là “nhân vật gìn giữ vẻ đẹp” của Sài Gòn xưa. Cái “bừa” như gia thất của ông Thanh, hẳn với người Hoa chẳng có gì xa lạ.
Sự bừa bộn cũng ẩn chứa vẻ đẹp xưa cũ

Nhớ mỗi lần ghé ông Thanh buổi sớm, trong không gian đen kít của màu nền tường cũ, bộ đồ nghề bán cà phê với đôi ba cái ấm nhôm chỗ sáng chỗ ngả ố vàng, cái siêu sắc thuốc bám cao cà phê đen nhẻm, hé tí men da lươn vàng vọt… chẳng thấy gì ở đó sự ngăn nắp, gọn ghẽ. Nhưng nhìn cách ông chủ pha cà phê, tay thoăn thoắt đảo vợt đầy ụ bã qua qua - lại lại bên siêu sắc thuốc, cách châm nước, đảo than ở bếp lò… với tay cầm chiếc ly xây chừng rót cà phê bán khách… lại thấy rất nhuần nhuyễn, gọn gàng và thuần thục. Cũng phải, ông đã hơn nửa đời người sống quen với nghề, với không gian và sự bày biện tưởng là bừa bộn ấy.
Tuy nhiên, trong hầu hết những chỗ bừa, vẫn thấy hiện hữu nhiều chi tiết ngăn nắp, được chăm chút kỹ lưỡng, cẩn trọng, là liễn đối nơi cửa ra vào, là không gian thờ tự. Ngôi nhà cũ kỹ của ông Thanh cũng vậy, nhìn qua phần mặt tiền cũng đủ nhận biết đấy là ngôi nhà của gia đình người Hoa, với bức thư pháp viết trên giấy xuyến chỉ đỏ tươi, ghi “Thánh thần quang chiếu”, hai câu liễn dán ngay ngắn bên cửa ra vào. Tôi nhờ ông Thanh đứng vào khuôn cửa, chụp cho ông vài kiểu ảnh, nếu chỉ nhìn khuôn hình ấy, quả thật không gian nhà ông đẹp quá chừng. Nét xưa cũ, ám khói đen trên ô cửa thông phong, đến cũ kỹ của mảng tường áng chừng vài chục năm chưa được tô vẽ lại, khiến đôi liễn đối trở nên rực rỡ, mang bố cục chặt chẽ, đẹp một nét bình dị, đậm bản sắc.
Đứng trong không gian sống của gia đình ông Thanh, khen ngôi nhà ông đẹp cũng có cái lý, nói ngôi nhà ông bừa cũng phải. Cuộc sống mưu sinh cứ tất bật mỗi ngày dựa vào mấy ly cà phê phục vụ giới bình dân, lao động, chiều bán tô hủ tíu kiếm thêm… sự miệt mài lao động, tích góp, giữ cho ngôi nhà bừa nhưng sạch, bừa có chủ ý, chẳng qua chỉ vì tiện dụng, dễ cho nhịp sinh hoạt thường ngày.
Dân văn nghệ đến chơi, khen ngôi nhà ông đẹp, ông tủm tỉm cười. Xuống dưới gian bếp, chê nhà ông bừa, ông cũng tủm tỉm cười. Cái nụ cười hiền lành, giản dị, nhưng cái lý ông bày tỏ cho sự bừa ấy lại khiến lắm người nghĩ không biết có thiệt không. Ông chậm rãi bảo: “Tại nhà nghèo nên mới để mấy thứ linh tinh, bừa bộn, cũ kỹ vậy chớ chú, tui mà làm ăn khấm khá, đủ tiền sửa nhà là tôi sửa lại liền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.