Những người con Quảng Ngãi, Quảng Nam trắng đêm ngóng tin siêu bão số 9, ngóng về miền Trung

Diễn biến siêu bão số 9 đang tiến dần vào đất liền khiến hàng triệu trái tim người Việt lo lắng, khắc khoải mong thiên tai sớm qua đi, còn người và của ít tổn thất nhất. Đã qua 0 giờ 15 phút ngày 28.10 mà mạng xã hội , những page lớn Đồng Hương Quảng Ngãi - Người Quảng Ngãi Xa Quê; Đồng Hương Quảng Nam với hàng chục ngàn người vẫn "sáng đèn" online cập nhật thông tin cho mọi người cảm thấy đỡ lo lắng.

Trắng đêm chờ bão để có gì phản ứng kịp

Khi cơn siêu bão số 9 đang đi dần vào đất liền Việt Nam, rạng sáng 28.10 Thanh Niên kết nối với ông Hà Minh Tuấn (65 tuổi, nick Tuan Ha) được ông cho biết, hiện ông đang sống một mình ở xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi.
Đã hơn 0 giờ mà ông vẫn chưa ngủ được vì: "Mưa liên tục không ngớt, càng ngày càng lớn, thỉnh thoảng có gió giật mạnh. Tôi quyết định thức xuyên đêm để sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất". Ông Tuấn đã chuẩn bị sẵn xe đông lạnh và mở hờ cửa thùng xe, trang bị giường xếp, quần áo, nước uống, lương thực..."

Toàn cảnh thiệt hại thảm khốc vì bão số 9 càn quét miền Trung

Cũng như ông Tuấn, anh Trương Quang Hậu (sống tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) cũng chưa thể chợp mắt và liên tục theo dõi tình hình mưa gió trên địa bàn tỉnh mình. Anh Hậu cho biết hiện tại ngay chỗ anh đã có mưa vừa, lâu lâu có vài luồng gió mạnh. Lúc này đã là 0 giờ 14 phút. 

Mưa đã bắt đầu rơi tại Quảng Ngãi

Anh Hậu kể, cả ngày hôm qua anh leo lên chặt hết cây cao để phòng tránh mưa bão khiến cây ngã đỗ nhưng vẫn không xong kịp. Mọi người ở nhà anh thì lấy bao cát chặn trên mái tôn, mua dây thừng chằng, neo mái nhà cho chắc chắn hơn.
Hiện tại mưa bắt đầu to hơn, anh Hậu chia sẻ: "Thật sự anh đang rất lo lắng. Từ nhỏ tới giờ chưa chứng kiến siêu bão nhưng thấy hình ảnh trên thế giới bị bão tàn phá nên hiện tại rất lo. Vợ con anh ngủ hết rồi nhưng đêm nay anh phải thức để coi tình hình thế nào mà xử lý kịp thời".

VIDEO: Mưa bắt đầu rơi và ngày càng nặng hạt hơn ở Quảng Ngãi do bạn đọc Quang Hậu cung cấp

Ngóng về quê nhà, nơi gia đình mình ở đó

0 giờ 33 phút sáng 28.10, cũng là một nick sáng đèn và đang theo dõi hàng trăm comment cập nhật thời tiết các nơi trên trang Đồng Hương Quảng Ngãi - Người Quảng Ngãi Xa Quê, nick Trần Nguyên tên thật là Trần Vũ Cát Nguyên (23 tuổi, hiện đang ở Q.Bình Tân TP.HCM) cho biết quê mình ở Đức Lân, Mộ Đức, Quảng Ngãi và anh không còn tâm trí nào để đi ngủ khi chưa biết tình hình thực tế ở quê mình như thế nào.
"Nhà chỉ còn mẹ và chị gái, không có đàn ông nên mình rất lo lắng. Mình có điện thoại về quê nãy giờ mà chẳng có ai bắt máy. Trước đó lúc 10 giờ mình điện thì nhà nói là bão vô tới đảo Lý Sơn, gió rất mạnh tốc mái nhà dân, còn trong đất liền thì mưa lớn rất to kèm theo gió rất mạnh", Nguyên kể trong lo lắng.
Nguyên cho biết thêm, nhà anh là nhà cấp 4, ông ngoại xây từ năm 1965 tới giờ. "Trải qua thời gian nhà mình thì cũng bị ăn mòn, dột nát và đã sửa lại từ năm 2012. Nhưng nếu bây giờ bão số 9 này vô tới thì mình nghĩ nhà mình sẽ không chịu nổi nên đã nhắn tin dặn mẹ đi trú bão", anh thuật với PV Thanh Niên.

Căn nhà nhỏ mà mẹ và chị gái bạn Nguyên đang sống khiến bạn lo lắng trong đêm trước khi cơn siêu bão số 9 đổ bộ

Ảnh: Cát Nguyên

Bão số 9 vừa tàn phá, bão số 10 lại hăm he đe dọa miền Trung

0 giờ 45 phút, cùng chung tâm trạng với những người con Quảng Ngãi, cư dân mạng bên trang Đồng Hương Quảng Nam vẫn đang "sáng đèn" online để cập nhật tình hình mưa gió, bão tại nơi mình đang ở. Chút sẻ chia ngay trong đêm khiến mọi người như cảm thấy được an tâm hơn, lo lắng giảm bớt và đều cầu mong bình an cho quê nhà trước cơn siêu bão lần này. 
Nhiều cư dân mạng vẫn không thể chợp mắt được dù đã qua 1 giờ sáng. Thời gian cơn siêu bão số 9 đổ bộ vào đất liền đang ngày một gần hơn. Tất cả chung một nguyện cầu quê hương sẽ ít bị thiệt hại nhất trong cơn bão số 9 lần này. 

Cận cảnh người dân Quảng Nam đào hầm trú bão số 9

Ảnh chụp lúc 1 giờ 12 phút sáng nhiều tài khoản vẫn còn online và trông ngóng về quê nhà Quảng Ngãi của mình

chụp màn hình

1 giờ 23 phút, là một trong những nơi đang chịu ảnh hưởng từ siêu bão số 9, anh Trần Minh Thái (30 tuổi, nick Diem Phung) hiện đang sống cùng gia đình ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, nơi đây đã bắt đầu mưa to và có gió lớn. Theo cảm nhận của anh thì gió lớn chắc khoảng cấp 7-8. Vì thời gian chuẩn bị gấp rút nên anh chỉ gia cố nhà thêm chắc chắn và chầu chực cả đêm theo dõi thông tin bão. "Cả gia đình anh giờ đang cầu nguyện cho quê hương mau tai qua nạn khỏi chứ miền Trung đã khổ lắm rồi", anh bày tỏ.
1 giờ 47 phút, trả lời Thanh Niên, anh Võ Minh Tuấn (nick Tuấn Em, ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An, Quảng Ngãi) thông tin rằng tại địa phương anh ở hiện tại vẫn đang an toàn. Tuy vậy, anh vẫn không ngừng lo lắng vì sợ tình hình sẽ chuyển biến xấu trong đêm. "Trời bắt đầu mưa từ chiều, tới 1 giờ sáng thì gió bắt đầu nổi lên", anh Tuấn thông tin.

Video: Thời tiết tại Tịnh An, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lúc 1 giờ 28.10 khi bắt đầu có gió nổi lên (Video do anh Tuấn cung cấp)

1 giờ 56 phút, kết nối được với ông Võ Trí Thời (35 tuổi, huyện Lý Sơn), Phó trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được anh chia sẻ: “Theo thông tin mới nhất, Lý Sơn có gió trên cấp 8. Ở đây mưa từ 2 giờ chiều qua, gió mạnh nhất lúc 20-21 giờ tối qua. Ngay tại thời điểm hiện tại huyện đảo vẫn chưa rà soát hết tình hình thiệt hại của các hộ dân do gió vẫn còn mạnh".
Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Sơn đã thực hiện phương án di dời người dân với việc sơ tán 256 hộ dân với 873 nhân khẩu và đưa người dân đến tránh trú bão an toàn các trụ sở như Đồn biên phòng Lý Sơn, các cơ quan hành chính, quân đội, công an trên địa bàn huyện đảo. Đây là những nơi kiên cố nên đảm bảo an toàn cho người dân.

20 giờ tối qua, 35 hộ dân với 100 nhân khẩu đã được sơ tán an toàn tới Đồn biên phòng Lý Sơn để trú tránh bão số 9

ẢNH: VÕ TRÍ SƠN

VIDEO: Tình hình thời tiết ở Lý Sơn lúc 21 giờ tối qua (27.10)

Ảnh chụp lúc tối ngày 27.10 khi bà con trên đảo Lý Sơn được di dời đến những trụ sở kiên cố trên địa bàn để tránh trú bão số 9

Ảnh: Võ Trí Sơn

Đến 0 giờ ngày 28.10 thì tại Lý Sơn mất điện.
Trả lời Thanh Niên, anh Đặng Thanh Điệp (34 tuổi) cập nhật tình hình tại Đức Phổ (Quảng Ngãi) lúc 2 giờ sáng khi  gió càng lúc càng mạnh, mưa dai tiếp tục kéo dài. Anh chia sẻ lúc nửa đêm rằng: "Những cây to bự trong vườn thì mình phải trèo lên chặt bớt, còn những cây chuối, đu đủ trong vườn thì tạm chống đỡ được. Mong sao bão mau qua nhanh để nắng lại về với miền Trung".

VIDEO: Mưa dai và gió mạnh ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) lúc 2 giờ sáng (clip do anh Điệp cung cấp)

2 giờ sáng, chị Ngọc Diệp (27 tuổi), sống cùng gia đình ở Phường Tân An - Thành phố Hội An kể với Thanh Niên, lúc 1 giờ thì có mưa lớn và gió giật từng cơn nhưng nếu so với cơn bão Xangsane năm 2006 thì vẫn chưa mạnh bằng. Chị chia sẻ, cả ngày nay nhà nhà ở Hội An đều chằng chống và tỉa cây để phòng bão. Dù công tác chuẩn bị rất tốt nhưng ai cũng lo lắng không dám ngủ. Kể cả nhà chị Diệp dù được xây bằng bê tông nhưng người nhà cũng chẳng dám yên tâm vì ám ảnh cơn bão năm khủng khiếp Xangsane năm 2006.

VIDEO: Khung cảnh Hội An được quay lại lúc 1 giờ đêm ngày 28.10. (Video do chị Diệp cung cấp)

2 giờ 20 phút, anh Nguyễn Hữu Phúc (21 tuổi) ở tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cho biết cứ 3-5 phút là có một đợt mưa, còn gió thì có lẽ đã thổi mạnh và nhiều hơn từ lúc 0 giờ. "Nơi mình sống là Khu phố tây An thượng đa phần là nhà lầu kiên cố nên bà con chỉ gia cố cửa nẻo cẩn thận, trước đó khu vực cũng đã cắt tỉa cây lớn nên bà con chỉ ở yên trong nhà, không cần thiết đi chạy bão", anh Phúc cho biết thêm.

Khu trước nhà anh Phúc, rất kiên cố.

Anh Phúc cung cấp

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 27.10, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 460 km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360 km, cách Phú Yên 280 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 - 165 km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 11 - 13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 10 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 - 115 km/giờ), giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của bão số 9 (bão Molave) ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 28.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8.

Cận cảnh các điểm sạt lở nghiêm trọng ở Bình Định dù bão số 9 chưa vào

Đúng là một đêm nín thở, một đêm trắng thật dài cho những người con miền Trung, những đồng bào đang trong khu vực được dự đoán là tâm bão sẽ đi qua. Ngày mai siêu bão số 9 sẽ gần hơn và tất cả người con miền Trung, người Việt Nam đều chỉ mong một từ an lành, "sau cơn mưa, trời lại sáng" và miền Trung sẽ vượt bão giông lần này!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.