Những người đàn ông mê nhậu: Cha mẹ Việt hay dắt con trẻ đi… làm vài chai!

08/10/2019 09:35 GMT+7

Nhiều cha mẹ Việt dắt con đi nhậu nhẹt mà không để ý con trẻ ngáp ngắn ngáp dài, lấy tay che mùi thuốc lá, mùi thức ăn… Sau cuộc vui, phụ huynh thản nhiên chở con về khiến trẻ không hiểu được tác hại của bia rượu.

Theo Independent, một kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu chất cồn (IAS) của Anh cho biết cứ 10 bố mẹ thì có hết 3 người thừa nhận từng say xỉn trước mặt con. Nghiên cứu này cho rằng việc nhậu nhẹt dù là ở mức độ "lai rai" trước mặt trẻ em cũng có thể khiến chúng cảm thấy lo lắng, bối rối và làm rối loạn giấc ngủ của trẻ.
Còn theo The Guardian, những đứa con nhìn thấy cha mẹ bia bọt sẽ ít coi phụ huynh là hình mẫu để noi theo. Nội dung nghiên cứu còn đề cập nỗi lo sợ rằng các bậc phụ huynh có thể vô tình làm con trẻ "mê" rượu, thông qua việc tỏ ra giảm nhẹ hậu quả đối với thể chất lẫn tinh thần khi say xỉn.
"Thật lo ngại khi phần lớn cha mẹ cho biết họ từng ngà say hoặc xỉn quá mức trước mặt con cái. Tất cả các bậc phụ huynh đều muốn dành những gì tốt nhất cho con em mình nhưng tình trạng như thế này thì thật đáng lo ngại", Katherine Brown, Giám đốc điều hành của IAS, cho biết.
Vậy nhưng, ở Việt Nam, hình ảnh những đứa trẻ theo cha mẹ đến quán nhậu vẫn dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu, kể cả những quán nhậu có khu vui chơi cho trẻ hay quán vỉa hè.

Dắt con đi nhậu vì… không ai coi!

Một tối cuối tuần, chị Hạnh Chi (27 tuổi, nhân viên truyền thông) có hẹn cùng những đồng nghiệp ở một quán nhậu ven bờ sông Sài Gòn. Khi mọi người vừa tới được 15 phút, anh Đ. (35 tuổi) mới có mặt, anh chở theo con gái 4 tuổi. Vừa bước vào bàn, anh Đ. nói: “Vợ đi vắng, thôi dắt con đi nhậu luôn” như để giải thích cho việc anh đưa con gái đến quán nhậu.
Điều này cũng không xa lạ gì với nhóm bạn của chị Hạnh Chi, vì anh Đ. vẫn thường dắt con gái đi nhậu cùng như vậy.

Với nhiều trẻ, việc ngồi phải nhìn người lớn cụng ly chẳng có gì là vui vẻ

Ngọc Dương

Theo lời chị Chi, khi con gái anh Đ. đến, mọi người còn xuýt xoa khen bé dễ thương, hỏi thăm đôi ba câu. Anh Đ. cũng gọi khoai tây chiên và nước ngọt cho con. Nhưng chừng 30 phút sau, mọi người tập trung vào cuộc nhậu, lo cụng ly, lo bàn chuyện liên quan đến công việc, bé gái được ba cho coi phim hoạt hình bằng điện thoại nên ngồi yên một chỗ. Chốc chốc, bé lấy tay hất làn khói thuốc lá bay lơ lửng trước mặt.
Đến 9 giờ tối, bé gái bắt đầu ngáp ngủ, nhưng cuộc nhậu cuối tuần không kết thúc sớm, mọi người vẫn tiếp tục rót bia cho nhau, vẫn hò reo “1 2 3 dô”, còn bé gái đã lim dim rồi ngáp ngắn ngáp dài.
“Dù bé liên tục đòi về nhưng anh Đ. vẫn nói với con nằm lên đùi ba ngủ chút ba chở về. Tới khi bé gái không chịu nổi nữa khóc ré lên, anh Đ. mới chở con về. Tôi cũng hơi thấy thương bé khi phải ngồi như vậy, nhiều khi hỏi mà ba không trả lời”, chị Chi lắc đầu kể.
Chị Kim Anh (24 tuổi, nhân viên phục vụ quán nhậu tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chị thường xuyên chứng kiến cha mẹ dắt con đến quán nhậu. “Các bạn nhỏ thường sẽ ngồi ăn lúc đầu, ăn xong thì tự đi chơi trong khuôn viên quán hoặc lượn lờ quanh khu vực hồ cá. Tôi có cảm giác như các bé có ngồi đó thì người lớn cũng không nói chuyện cùng, các bé cũng không thiết tha gì các câu hỏi của người lớn nên phải tự đi chơi”, chị Kim Anh kể.

Nhiều phụ huynh thường cho trẻ xem điện thoại để tập trung nhậu

Hạ Huy

Anh Nguyễn Hoài Thiệu (30 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng cho biết nhóm bạn cùng công ty của anh thường xuyên rủ nhau đi nhậu để… nói chuyện. Trong những cuộc nhậu đó, thường xuyên có mặt bé M. (8 tuổi, con gái của một trưởng phòng).
Theo lời anh Thiệu, vừa ra tới quán ăn, bé M. sẽ ăn một mạch các món yêu thích sau đó ngồi bấm điện thoại mà không một chút khó chịu. “Chắc vì bé quen với việc này rồi, do chúng tôi cũng hay tới nhà bé nhậu rồi đàn hát vào cuối tuần”, anh Thiệu chia sẻ.
Và tất cả các bé được đề cập tới bên trên, đều ngồi sau tay lái của chính ba mẹ mình dù ba mẹ đã ngà ngà say khi cuộc nhậu tàn để về nhà.

Hãy làm gương cho con trẻ!

Anh Thiệu kể, ngày còn nhỏ xíu ở quê, tụi trẻ quanh xóm anh thường lấy nước lọc giả đò coi đó là rượu rồi ngồi cụng ly dô dô với nhau, sau đó giả vờ say nghiêng ngả. “Đây dĩ nhiên là do nhiều lần thấy người lớn làm nên bắt chước làm theo rồi cười ha ha chứ ngày đó cũng không biết say thiệt thì ra sao”, anh Thiệu nhớ lại.
Còn chị Hạnh Chi cũng nhớ hoài những lần được bố sai đi mua rượu về để lai rai với mấy ông hàng xóm. Chính vì vậy, trong suy nghĩ của chị Chi, bia rượu cũng chỉ là một loại thức uống giải khuây, không quá nguy hiểm. Suy nghĩ đó theo chị cho tới tận ngày chị Chi chứng kiến nhiều người quen biết té xe chết do rượu bia.
Anh Nguyễn Kim Qui (Q.Tân Phú, TP.HCM) thì cho biết, lâu lâu anh cũng dẫn con đi nhậu với gia đình bạn bè để bọn trẻ có dịp chơi với nhau. Những lần đưa con đi như vậy, nhóm bạn anh thường không ngồi lề đường vì sát đường giao thông, mà chọn các quán nhậu có không gian cho trẻ vui chơi.
“Riêng hôm nào xác định chỉ đi ăn thì chúng tôi mới đi xe máy. Nhà nào cũng dắt con đi cùng nên các cuộc nhậu này thường kết thúc sớm để các bé về ngủ nghỉ. Và để cuộc vui được trọn vẹn, chúng tôi đều đi taxi”, anh Qui nói.
Chị Hà Ngọc Nga, người sáng lập đơn vị giáo dục Tatuplay - Dắt trẻ đi chơi, cho rằng không gian quán nhậu không phù hợp với trẻ em. Theo chị Nga, từ 0-6 tuổi, trẻ có trí tuệ thẩm thấu, nghĩa là trẻ thu hút hết những gì trẻ gặp từ môi trường sống để xây dựng nên tính cách của trẻ sau này. 
"Một số người có thể nghĩ việc đưa trẻ đi nhậu cùng không ảnh hưởng gì những thực ra là có tác động đến tiềm thức của trẻ sau này. Vì từ 0-6 tuổi bố mẹ như một tấm gương để trẻ sao chụp. Do vậy, nhiều khi nhỏ bố mẹ nhậu xỉn nhưng vẫn để con lên xe chạy bạt mạng thì có thể khi trưởng thành, trẻ sẽ sao chép y nguyên hành động của bố, cũng đi nhậu, phóng xe vượt ẩu, cầm lái sau khi nhậu", chị Nga phân tích.
Chưa kể, những câu chuyện trên bàn nhậu không phù hợp với trẻ em. Nhiều người dắt con đi nhậu xong đưa cho trẻ một cái điện thoại bắt trẻ ngồi đó từ tiếng này qua tiếng khác sẽ khiến trẻ rất mệt mỏi. Chị Nga đưa ra lời khuyên, nếu đưa con nhỏ đi nhậu cùng, cha mẹ có thể chọn những quán có không gian thoáng mát hoặc khu vui chơi cho trẻ và về sớm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.