Những người 'khùng' làm nông

04/12/2022 07:28 GMT+7

Giữa cao nguyên đất đỏ bazan, có những người nông dân chọn cho mình lối canh tác rất riêng. Để đeo đuổi việc ấy, họ đã bị không ít người làng rỉ tai nhau: 'Tụi nó chính là những người khùng làm nông'.

Hơn 3 năm kể từ khi trở thành người khùng làm nông, bà Đàm Thị Tình (46 tuổi, dân tộc Tày, ngụ xã Quảng Sơn, H.Đắk Glong, Đắk Nông) vẫn miệt mài canh tác trên mảnh đất rộng hơn 3 ha, với phương pháp chẳng giống ai của mình.

Vì sức khỏe bản thân và cộng đồng

Ghé thăm bà Tình vào một chiều giữa tháng 11, chúng tôi liền được thiết đãi nào là mận, bưởi, cóc… “Toàn cây nhà lá vườn cả. Không có xịt bất cứ loại hóa chất độc hại nào”, bà Tình mời khách mà cứ như khoe.

Bà Tình cho hay trong khu vườn hiện có hầu hết các loại rau củ quả, gia đình bà chẳng phải tốn tiền chợ búa. Cà phê năm nay được mùa, đổi lại còn tiết kiệm rất nhiều chi phí, nhất là tiền mua các loại phân bón hóa học, vốn ngày càng đắt đỏ.

Bà Đàm Thị Tình dùng phân ủ từ cá để thay thế phân bón hóa học

Xuân Lâm

“Tôi chỉ tốn chừng 11 triệu đồng mua cá tươi về ủ làm phân. Nếu với diện tích hiện giờ thì mua phân hóa học phải tốn hơn 50 triệu đồng”, bà Tình nói và cho biết mỗi héc ta bà thu khoảng 3 tấn cà phê nhân, giá bán 65 triệu đồng/tấn, những loại cà phê thường bán ngoài thị trường chỉ khoảng 40 triệu đồng/tấn.

Ngoài tiết kiệm chi phí, điều bà Tình cảm thấy hài lòng nhất là bản thân không còn tiếp xúc với các loại hóa chất. “Cứ thi thoảng lại biết cô này, hay tin bác kia ở thôn, xã bị ung thư, hoặc gặp đủ thứ bệnh nan y khác là tôi ớn lạnh. Biết là vì rất nhiều lý do khác nữa, nhưng tránh xa các loại phân thuốc hóa học thì tôi tin chắc sức khỏe của mình và cả gia đình sẽ được cải thiện”, bà Tình nói.

Ngoài cà phê, khu vườn của bà Tình còn trồng xen canh hàng chục giống cây trồng khác. Từ mắc ca đến mít, sầu riêng, mắc khén… “Mai mốt cây lớn tôi sẽ có một khu rừng thu nhỏ, vừa che bóng mát vừa đa dạng các loại sản phẩm”, bà Tình kỳ vọng.

Cách nhà bà Tình vài cây số là bản làng của người H’Mông (thôn Đắk SNao 2, xã Quảng Sơn). Ông Giàng A Sử (44 tuổi, dân tộc H’Mông) là một trong những người tiên phong trong cách canh tác hữu cơ ở làng. Ngồi bên bếp lửa bập bùng trong một chiều cao nguyên lộng gió pha chút se lạnh tiết trời cuối năm, ông Sử cho rằng phần không có tiền mua phân thuốc hóa học, phần vì biết tiếp xúc nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe nên ông “đoạn tuyệt” với chúng. Mùa mưa, ông Sử lại chăm chỉ phát cỏ, tỉa cành. Tuy có cực chút nhưng đổi lại khỏi phun thuốc diệt cỏ.

Bà H’Jang theo đuổi cách trồng trọt nói không với phân thuốc hóa học

XUÂN LÂM

Để cà phê hữu cơ được thu mua với giá cao, các hộ gia đình phải nói không với phân thuốc hóa học từ 3 năm trở lên. Gian nan là vậy nhưng gia đình bà H’Jang (53 tuổi, dân tộc M’Nông, ngụ thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn) vẫn hưởng ứng tích cực cách canh tác không sử dụng phân thuốc hóa học.

Ngoài vườn cà phê với diện tích hơn 1 ha đang dần chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, gia đình bà H’Jang còn trồng thêm rất nhiều loại lúa nương. “Mình chỉ mới áp dụng bón phân đạm cá thay cho phân hóa học, nhưng mình tin chắc nếu không sử dụng phân thuốc hóa học nữa, sức khỏe của mình và cộng đồng sẽ ngày càng tốt hơn”, bà H’Jang nhìn nhận.

Khát khao đại trà ngành nông nghiệp hữu cơ

Tất cả cà phê nói không với phân thuốc hóa học của gia đình bà Tình, ông Giàng A Sử, cùng nhiều hộ dân khác đều được bà Tạ Thị Liên (ngụ xã Quảng Sơn, H.Đắk Glong), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Danofarm, thu mua.

Với bà Liên, để người dân thay đổi cách canh tác truyền thống là điều vô cùng khó khăn. “Sử dụng phân thuốc hóa học ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và cả người sử dụng sản phẩm. Thậm chí hệ sinh thái và môi trường xung quanh cũng bị tàn phá dần theo thời gian. Đó là những lý do tôi thành lập HTX, rồi rủ rê, vận động bà con dân bản tham gia”, bà Liên cho hay.

Bà Tạ Thị Liên (trái), thường vào bản làng thuyết phục bà con trồng cà phê sạch và bà sẽ thu mua với giá cao

XUÂN LÂM

Để nhận lại sự đồng thuận của người dân Quảng Sơn và hơn hết là “truyền bá” được phương thức canh tác hữu cơ, nói không với thuốc và phân hóa học, nhiều đêm lạnh buốt, bà Liên chạy xe máy hơn chục ki lô mét từ nhà vào thôn Đắk SNao 2 chỉ để… chơi cùng trẻ con. Hành trang mang theo là mớ bánh, kẹo mà tụi nhỏ khoái ăn. Rồi thì bà Liên cũng nhận được cái nhìn thiện cảm từ trẻ con cho đến người lớn ở thôn. “Lúc trước thấy người lạ là từ nhỏ tới già đều chạy vào nhà trốn. Họ rất ngại tiếp xúc với người lạ, chứ đừng nói tới chuyện vận động, hay hợp tác làm ăn”, bà Liên kể.

Sau khi thân thiết với dân bản, bà Liên đã vận động ông Giàng A Lì, Giàng A Sử, Y’Bang… cùng tham gia HTX Danofarm. Mấy năm nay, bà Liên xách cà phê đi khắp nơi để biếu. “Làm nông nghiệp sạch thật sự rất gian nan. Hơn 2 năm chỉ mang cà phê thành phẩm đi biếu cho người quen và các đối tác, đến nay cà phê của HTX mới được một số nơi biết đến”, bà Liên nói rồi cho hay hiện đã có một số đối tác, cả trong và ngoài nước đặt hàng cà phê sạch HTX của bà.

Trên hành trình tìm hướng đi mới cho nông nghiệp, bà Liên không ít lần bị hàng xóm, thậm chí cả người thân gọi là “đứa khùng làm nông”. Bà Liên mỉm cười khi nhắc chuyện cũ: “Mấy lời đó thì nghe hoài. Để đeo đuổi con đường nông nghiệp bền vững, tôi phải bán mấy miếng rẫy cà phê trang trải. Thật hạnh phúc vì hiện sản phẩm đã được nhiều người biết đến. Quan trọng nhất là vườn cà phê nào của bà con cũng trồng xen cây ăn trái, cây rừng. Rồi mai đây, những ngọn đồi Tây nguyên lại được khoác trên mình những chiếc áo xanh như hàng trăm năm trước…

Xã tỉ phú Nâm N’Jang từng điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt

Khoảng 5 - 7 năm trước, dư luận cả nước ngỡ ngàng trước độ chịu chơi của nhiều người dân xã Nâm N’Jang (H.Đắk Song, Đắk Nông). Thời điểm này giá tiêu có lúc lên đến 200.000 đồng/kg, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí tậu ô tô, cất nhà lầu. Các đại lý ô tô ở Đắk Nông, Đắk Lắk phải dành sự ưu tiên riêng cho khách “vip” khi biết họ đến từ Nâm N’Jang. Ông Lê Quan Phi, cán bộ khuyến nông xã Nâm N’Jang, nhớ lại: “Đúng là lúc đó rất nhiều bà con khấm khá vì tiêu được giá. Người người cất nhà, mua ô tô, thậm chí vay ngân hàng tiền tỉ để mở rộng diện tích trồng tiêu…”. Ngưng một chút, ông trầm ngâm nói tiếp: “Đến cuối năm 2017, đầu 2018, tiêu chết hàng loạt, nhiều người bán nhà đất, bán xe để trả nợ. Trồng độc canh chỉ một loại cây với diện tích lớn thật sự rất rủi ro...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.