Những người làm phim "Biệt động Sài Gòn": Ba người đẹp

29/05/2010 00:31 GMT+7

Hà Xuyên, Thanh Loan và Thúy An là những người đẹp một thời làm khán giả cả nước say mê qua nhiều bộ phim, đặc biệt là Biệt động Sài Gòn.

Qua những hồi ức đứt quãng và cả những lần trùng phùng, đạo diễn Long Vân chậm rãi kể về ba người đẹp từng gắn bó với ông trên trường quay Biệt động Sài Gòn gần 30 năm trước.

Hà Xuyên tài sắc

15 tuổi, chị tham gia Đoàn ca múa Thái Bình. 26 tuổi, giữ vai chính phim Xa và gần của đạo diễn Huy Thành, rồi sau đó là Đời hát rong, Cô gái trên sông, Đôi mắt người thương, Tóc gió thôi bay, Con thú tật nguyền, Vết thù năm tháng... Một trong những vai diễn ấn tượng của chị phải kể đến là Ngọc Mai trong Biệt động Sài Gòn.

"Tôi nhớ như in cảnh Hà Xuyên (Ngọc Mai) thể hiện tình yêu với Quang Thái (Tư Chung) khi biết ông đang có người yêu là Thanh Loan (ni cô Huyền Trang). Nước mắt cô ấy lăn dài trên má. Không lời thoại nhưng đủ để khán giả hiểu rằng cả đời hy sinh trong khi nhìn lại bản thân thì chẳng có gì, đến nỗi cả chuyện tình cảm riêng tư cũng không được toại nguyện. Ngọc Mai với tay lấy lọ nước hoa đập vào chiếc gương trang điểm trong phòng ngủ. Gương vỡ thành 2 mảnh cắt đôi gương mặt cô, chỉ còn thấy một nửa. May mắn khi diễn cảnh này, chiếc gương bị vỡ đúng hình trăng khuyết như kịch bản mong muốn nên chỉ quay một lần. Đây là một trong những cảnh quay mà tôi hài lòng nhất. Hà Xuyên là một diễn viên đẹp, có tài mới thể hiện trọn vẹn tâm lý của nhân vật như thế", đạo diễn Long Vân kể.

Ở tuổi ngoài 50, Hà Xuyên vẫn còn gắn bó với phim ảnh. Gần đây, chị tham gia nhiều phim truyền hình như Lưới trời, Hướng nghiệp, Dollar trắng, Lọ lem thời @, Đại gia đình...

Thúy An lận đận

Thúy An nổi tiếng trong làng điện ảnh từ khi rất trẻ. Chị đã tham gia hàng loạt phim đến nay được công nhận là "kinh điển" của điện ảnh Việt: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Mùa nước nổi, Vùng gió xoáy (đều của đạo diễn Hồng Sến), Người không mang súng (đạo diễn Lê Văn Duy), Ván bài lật ngửa (đạo diễn Hoàng Hoa)... và Biệt động Sài Gòn.

Đạo diễn Long Vân rất trân trọng Thúy An vì dù chỉ đóng vai phụ Ngọc Lan - cô bán cháo vịt trong Biệt động Sài Gòn nhưng ánh mắt thể hiện khi gặp Sáu Tâm (Thương Tín), một biệt động thành, rồi tìm cách che giấu, không cho địch phát hiện bằng cách chỉ cho Sáu Tâm quăng khẩu súng lục vào nồi cháo vịt nghi ngút khói giữa ngã tư đông đúc người xe. "Phải là một ngôi sao điện ảnh mới diễn được những cảnh như thế. Khán giả xúc động với ánh mắt ấy, dõi theo mối tình giữa Ngọc Lan và Sáu Tâm, giữa quân và dân trong thời chiến", đạo diễn Long Vân nhìn nhận.

Sự nghiệp thành công nhưng Thúy An lại lận đận trong cuộc sống. Chị đã từng chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, buôn bán lo cho chồng bị bệnh, rồi hai đứa con chồng và cả Thúy Hồng, con chung lúc ấy còn rất nhỏ. Sau khi đạo diễn Hồng Sến qua đời (1995), chị phải tự thân bươn chải, sang tận Lào kinh doanh kim hoàn, sau đó chị sang Đức sinh sống.

Đầu năm 2010, trong chuyến về thăm quê, chị gặp lại những người từng tham gia Biệt động Sài Gòn. Đạo diễn Long Vân giữ ý định mời chị vào vai Ngọc Lan trong phim Những người con của biệt động Sài Gòn, nhưng vì đoàn phim không đủ chi phí mua vé máy bay khứ hồi từ Đức về cho Thúy An nên mong muốn của ông không thành.

 
Thanh Loan vai ni cô Huyền Trang... và bây giờ

Nhớ lại những ngày gặp mặt hiếm hoi sau gần 30 năm làm phim Biệt động Sài Gòn, diễn viên Hai Nhất tâm sự: "Thúy An là diễn viên chính trong Cánh đồng hoang, bộ phim từng đoạt huy chương vàng tại LHP quốc tế Moscow năm 1981. Đạo diễn Hồng Sến được phong danh hiệu NSND, rồi Huân chương Sao vàng và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong khi Thúy An đến giờ vẫn không được phong tặng bất cứ một giải thưởng hay danh hiệu nào. Nghĩ lại thấy thiệt thòi cho cô ấy quá".

Thanh Loan an nhàn

Năm 1966, mới 15 tuổi Thanh Loan đã dự thi vào Đoàn kịch nói Quân đội, rồi theo đồng đội phục vụ khắp các chiến trường, sang tận cả Lào. Chị đóng nhiều phim như Nổi gió, Đôi mắt, Người về đồng cói, Bài ca ra trận, Phương án ba bông hồng... nhưng đa số khán giả nhớ đến Thanh Loan qua vai diễn trong phim Biệt động Sài Gòn. Chị là diễn viên sau cùng được đạo diễn Long Vân chọn để vào vai ni cô Huyền Trang.

Theo đạo diễn Long Vân, hình ảnh ni cô Huyền Trang đằm thắm, thánh thiện do Thanh Loan thủ vai trong Biệt động Sài Gòn đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả yêu điện ảnh cả nước vào thập niên 1980. Họ ít khi gọi chị bằng tên thật và thậm chí có người còn không biết tên thật của chị, chỉ biết đó là ni cô Huyền Trang. 

Sau Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan gần như từ bỏ điện ảnh vì "tự thấy mình không thể vượt qua được vai diễn ni cô Huyền Trang nên tốt nhất là rút lui", đạo diễn Long Vân kể sau lần gặp lại bà gần đây.  

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.