Những người làm phim Biệt động Sài Gòn - Ông già 75 bước ra trường quay

26/05/2010 23:29 GMT+7

Gần 30 năm trước, khán giả yêu điện ảnh cả nước háo hức đón xem bộ phim Biệt động Sài Gòn. Người làm nên thành công của bộ phim ngày ấy giờ đã bước sang tuổi 75 - đạo diễn Long Vân.

Tóc hoa râm, dáng vóc không còn nhanh nhẹn nhưng độ minh mẫn nơi đạo diễn Long Vân thì có thừa. Ông cười khề khà tự nhận mình là người chuyên làm phim... chậm. "Thời buổi này quay phim như tôi chắc sạt nghiệp, ai cũng chạy đua với thời gian còn mình cứ từ từ mà bước". Ông mất 4 năm để thực hiện Biệt động Sài Gòn, từng ấy năm làm Hẹn gặp lại Sài Gòn, Người không mang họ..., rồi 10 năm từ lúc đưa ý tưởng đến khi đóng máy phim Giải phóng Sài Gòn. "Thành tích" làm phim chậm và cẩn trọng như ông quả thật giờ là "của để dành".

Sinh ở Hà Nội nhưng đạo diễn Long Vân lại có duyên làm phim về Sài Gòn. Tự bao giờ mảnh đất phương Nam bỗng trở nên gắn bó và thân quen với ông. Tốt nghiệp lớp đạo diễn, diễn viên đầu tiên cách đây 50 năm, bạn bè ông ngày ấy giờ đã là những "cột trụ" của điện ảnh Việt: NSND Huy Thành, NSND Trà Giang...

Những người con của biệt động Sài Gòn

Ông thổ lộ 5 năm rồi chẳng làm gì, sống bằng lương hưu được 2,5 triệu một tháng. "Cũng tính nghỉ ngơi dưỡng già nhưng rồi một vị lãnh đạo cao cấp trong ngành công an gợi ý đưa hình ảnh thế hệ kế thừa - những người con của các chiến sĩ biệt động thành năm xưa tiếp nối truyền thống cha anh, hiện đang công tác trong ngành công an, giữ an bình cho thành phố mà tôi xăn tay áo lao vào làm bộ phim mới Những người con của biệt động Sài Gòn”.

Diễn viên chính cho phim này được ông chọn là những người lần đầu đóng phim như Thu Hà, tốt nghiệp trường múa VN, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM; Nguyễn Ngọc Hùng, tốt nghiệp diễn viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Một số diễn viên từng tham gia Biệt động Sài Gòn sẽ tiếp tục vào phim Những người con của biệt động Sài Gòn là Quang Thái, Kim Chi, Hai Nhất...

"Vì ngưỡng mộ và yêu mến những chiến sĩ biệt động Sài Gòn mà tôi xây dựng nhân vật Tư Chung (Quang Thái), Ba Cẩn (Hai Nhất), Ngọc Mai (Hà Xuyên), ni cô Huyền Trang (Thanh Loan)... trong phim Biệt động Sài Gòn. Gần 30 năm sau, tôi được dịp gặp lại con cháu của những người lính biệt động ấy. Thế hệ này hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh", đạo diễn Long Vân chia sẻ.


Đạo diễn Long Vân đến thăm ông Tư Chu (chiến sĩ biệt động thành), trao đổi về phim Những người con của biệt động Sài Gòn vào tháng 1.2010

Nhờ tiền của vợ, con...

50 năm theo đuổi niềm đam mê điện ảnh, điều ông nhận được nhiều mà không được cũng nhiều. Thành công trong nghề nghiệp với ông là vô giá, trở thành niềm vui, động lực để một ông già 75 tuổi bước ra trường quay, cầm loa điều khiển cả trăm, cả ngàn người diễn xuất.

Dựa theo kịch bản của đại tá, nhà văn Nguyễn Xuân Hải với những vụ án có thật, Những người con của biệt động Sài Gòn (Điện ảnh Công an nhân dân và Công ty CP phim Long Vân sản xuất) dự kiến dài hơn 100 tập gồm 3 phần. Phần 1, 36 tập sẽ khởi quay vào giữa tháng 6.2010, phần 2 và 3 tiếp tục quay vào năm 2011 và 2012. Dự kiến phần 1 sẽ được phát sóng nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19.8) trên kênh VTV và HTV.

Nhưng cái ông không được cũng không phải ít. "Những năm tháng tuổi trẻ, lăn lộn khắp mọi miền đất nước để làm phim đến khi chợt nhìn lại, tôi chẳng để lại được gì cho vợ con. Năm 1990, sau khi quay xong Hẹn gặp lại Sài Gòn thì hai vợ chồng tôi và con gái Vân Dung phải sống kham khổ với đồng lương hưu của vợ, nguyên là trung tá Tổng cục Chính trị. Khi Vân Dung vừa tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh, vợ chồng tôi dắt cháu vào gặp Ban giám đốc Hàng không VN xin cứu giúp. Rất may thấy tình cảnh gia đình, họ đồng ý nhận cháu vào học lớp tiếp viên hàng không, sau đó đi bay được 3 năm. Vân Dung từng đóng phim Người đôi bờ lúc 18 tháng tuổi, rồi Mẹ vắng nhà, Vào đời, Cho cả ngày mai... Năm nó 15 tuổi, tôi cho đóng vai cô bé bán báo trong Biệt động Sài Gòn. Cảnh quay nó bị địch bắt tra tấn bỏ vào thùng rắn độc, những con rắn đó đã bị bẻ nanh, cột đuôi lại nhưng tôi không nói nó biết để giữ nguyên sơ nỗi sợ hãi thật sự vào phim. Vậy mà sau này nó không theo nghề diễn vì "không muốn nghèo như bố". Giờ Vân Dung là mẹ của 2 con trai và là một doanh nhân".   

Khi nghe tin ông chuẩn bị vào Sài Gòn làm phim Những người con của biệt động Sài Gòn, cả vợ, con gái và con rể đều phản ứng dữ dội vì lo sức khỏe ông không kham nổi. Ông từng bị suy thận, yếu phổi rồi mắc chứng cao huyết áp, cứ mỗi khi ông vào Sài Gòn chuẩn bị làm phim là bà đứng ngồi không yên. "Con gái khuyên tôi nếu bố buồn cứ đi du lịch, nhưng nó thấy tôi vui và ham sống khi được làm phim nên lại thôi", ông kể.

Nhấp một ngụm trà, ngồi lặng yên trong căn phòng trên tầng 2 tòa soạn báo Công an nhân dân ở TP.HCM, ông chậm rãi nói:  “Từng này tuổi muốn sống với đam mê của đời mình mà cứ nhận tiền vợ con thì ngại quá. Tôi làm phim không phải để kiếm tiền thật nhiều, chắc nhờ vậy mới có những tác phẩm được công chúng nhớ mãi như Biệt động Sài Gòn. Hôm rồi, tôi và diễn viên Hà Xuyên hẹn nhau đi chọn diễn viên cho phim Những người con của biệt động Sài Gòn. Đón chiếc taxi, cô tài xế hỏi thăm Hà Xuyên có phải là Ngọc Mai trong phim Biệt động Sài Gòn năm xưa không, tôi nghe mà vui lắm. Đời làm phim xây dựng được nhân vật mà gần 30 năm sau khán giả còn nhận ra thì hạnh phúc quá còn gì. Chiếc taxi lăn bánh giữa Sài Gòn mà tôi bỗng thấy mình gắn bó với thành phố này bằng quá khứ lẫn hiện tại và có thể là cả tương lai".

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.