Những người trẻ nỗ lực vì môi trường

24/05/2018 08:27 GMT+7

Ống hút bằng cỏ, tái chế rác thải nhựa, xe đạp lọc nước... là những dự án mà người trẻ đang hằng ngày mày mò nghiên cứu, cải tiến và đưa vào sử dụng, góp phần giúp môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tái chế rác thải nhựa thành sợi filament in 3D
Sau khi tốt nghiệp, Trương Bội Linh (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ở lại trường cùng tiến sĩ Nguyễn Trà My và các sinh viên khóa dưới nghiên cứu việc tái chế rác thải nhựa.
Linh cho biết: “Hiện máy in 3D đang rất phát triển nhưng giá của cuộn nhựa cho máy in lại rất đắt. Không những thế, khi máy in hoạt động, chỉ cần sơ suất nhỏ là cuộn nhựa sẽ bỏ đi. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu chế tạo máy có thể tái chế cuộn nhựa bỏ đi đó, cũng như các chất thải nhựa khác trên thị trường thành sợi filament để in 3D chất lượng tốt”, Linh lý giải.
Từ đó, nhóm bắt đầu chế tạo 3 loại máy là máy cắt, máy đùn và máy tạo sợi filament. Ba loại máy này được chế tạo để cắt chất thải nhựa thành những miếng nhỏ bằng máy cắt, làm tan chảy các miếng nhựa bằng máy đùn và tạo thành sợi filament bằng máy tạo sợi.

Linh cũng cho biết không chỉ tái chế sợi filament cho máy in 3D mà tùy vào từng loại nhựa khác nhau, có thể tái chế để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Như chai nước nhựa có thể chế tạo ra những sợi mỏng như sợi tóc nên nhóm đang tiến hành nghiên cứu tái chế thành tóc giả. Không những thế, nhóm muốn thiết kế tiếp một máy để cuốn những sợi này lại thành dạng khuôn hình tròn để làm đồng hồ…
“Những ngày này, nhóm đã được các anh chị từ các Fablab (công xưởng nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số) ở các nước hỗ trợ rất nhiệt tình để nhóm có thể chế tạo máy cuốn cũng như nâng cao công suất cho máy cắt, giảm giá thành. Khi dự án hoàn thành, nhóm sẽ viết đề cương sử dụng, lắp ráp các loại máy này rồi phổ biến trong trường đại học và sau đó ra mắt đại trà. Mỗi con đường, mỗi khu phố đều sẽ có các máy này để người dân cùng chung tay tái chế, bảo vệ môi trường”, Linh mong muốn.
Ống hút từ tre và cỏ bàng
Cũng trăn trở về vấn đề sử dụng túi ni lông và ống hút nhựa đang phổ biến hiện nay, Trần Minh Tiến, cựu sinh viên Trường CĐ Sư phạm Long An, đã bỏ ngang chuyên ngành theo học để bắt tay thực hiện các dự án sử dụng đồ tái chế thiên nhiên thay cho vật liệu nhựa.
Tiến bắt đầu với những sản phẩm làm từ cỏ như thảm tập yoga, túi xách đi chợ… Sau đó, Tiến làm ống hút bằng tre và ống hút bằng cỏ bàng.
“Mình làm những sản phẩm này vì muốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để thay thế chất liệu nhựa. Mình tận dụng những cây trúc quanh vườn, những loại tre nhỏ không dùng đan lát được để làm ống hút. Tương tự, các loại cỏ bàng ống to không dùng để đan thành thảm, mình nghiên cứu kỹ về thành phần sinh, hóa của cỏ rồi chế tạo sản phẩm trên”, Tiến giải thích.
Tiến cũng cho biết đã được các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ sáng chế lò sấy bằng năng lượng mặt trời. “Với lò sấy này mình không còn lo lắng về vấn đề thời tiết và côn trùng như khi phơi trực tiếp ngoài trời như trước nữa. Đây là điều rất quý giá, giúp mình hoàn thiện được quy trình sản xuất ống hút”, Tiến bày tỏ.
Các Fablab từ các nước khu vực châu Á cùng hỗ trợ tối đa cho các dự án
Xe đạp lọc nước
20 bạn trẻ đa phần là sinh viên tại TP.HCM đã sáng lập nên Tổ chức ECO Vietnam Group với các dự án hoạt động vì cộng đồng.
Mô hình xe đạp lọc nước của họ phối hợp cùng nhóm sinh viên đến từ Singapore. Khi về tỉnh Trà Vinh, chứng kiến cảnh người dân nhiều nơi ở đây còn thiếu nước sạch để dùng, nhóm đã nghiên cứu để vừa tạo ra nước lọc miễn phí cho người dân, vừa bảo vệ môi trường sống.
“Xe đạp lọc nước này hoạt động trên nguyên lý điện từ trường, trên xe sẽ lắp rất nhiều lõi đồng và nam châm ở bánh sau, khi đạp sẽ tạo ra điện dùng để lọc nước (máy lọc nước được gắn ở phần bánh sau của xe). Không những thế, điện này còn có thể dùng cho nhiều mục đích khác như xạc điện thoại, chiếu sáng...”, Châu Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thành viên nhóm dự án, chia sẻ.
Tuy nhiên, do các thành viên của nhóm đa phần đều học ngành xã hội nên kiến thức chuyên sâu về công nghệ còn hạn chế. Họ đang nhờ các chuyên gia giúp đỡ để nghiên cứu tạo ra dòng điện bền vững hơn cho máy lọc nước hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.