Những người tử tế - Bài cuối: "Hiệp sĩ" trên biển

17/02/2009 23:27 GMT+7

Trong cơn thịnh nộ của biển cả, những cột sóng dựng đứng liên hồi ập đến như muốn nuốt chửng chiếc tàu đánh cá nhỏ bé QNg 95546 TS, song thuyền trưởng Đặng Xuân Bảo vẫn bình tĩnh cầm chắc tay lái, cứu nạn thành công hàng chục ngư dân đang ngoi ngóp chờ... chết. Mời nghe đọc bài

Dù mới 38 tuổi nhưng Đặng Xuân Bảo ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm với thâm niên 20 năm trong nghề. Tiếp xúc với chúng tôi, Bảo bộc bạch: "Suốt bao năm đi biển dù đã nhiều lần chống chọi với sóng to, gió lớn nhưng đến bây giờ vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cơn bão số 1 xảy ra vào giữa tháng 3.2008".

Bảo kể, chiều 15.3.2008 tàu QNg 95546 TS cùng 12 ngư dân do Bảo làm thuyền trưởng đang hành nghề ở 16 độ vĩ Bắc, 114,5 độ kinh Đông, cách đất liền gần 400 hải lý, nghe đài dự báo bão theo hướng tây - tây bắc nên đã vội vã cho tàu chạy vào quần đảo Hoàng Sa để tránh.

Thuyền trưởng Đặng Xuân Bảo cùng những bộ dây dùng để chống chọi, cứu nạn trong bão dữ

Vừa đến nơi trú bão là một dải đá ngầm thì cũng là lúc bão lại đổi hướng bắc. Các thuyền viên trên tàu ai nấy đều đứng ngồi không yên vì tàu rơi đúng vào tâm bão. Từ sáng sớm, gió bắt đầu mạnh dần, đến 10 giờ đã giật trên cấp 12. Cách đó chừng 200 mét, tàu QNg 95517 TS của ông Võ Đào (người cùng quê) cùng 11 ngư dân cũng đang gồng mình chống chọi với sóng to, gió lớn.

 Mưa xối xả, nước biển tung tóe. Gió. Sóng biển gầm gừ, đánh vào mạn tàu tứ hướng. Biển, trời như ập vào nhau, tối đen. Cả hai chiếc tàu đều bị đứt neo vì liên tục bị những cột sóng biển nhấc bổng lên cao hàng chục mét rồi thả quăng xuống nước.

Tháng 1.2007, Đặng Xuân Bảo đang hành nghề ở Trường Sa thì nhận được tin tàu của ông Nguyễn Hoàng (ở Bình Châu) bị phá nước và chìm, 14 ngư dân mất tích. Bảo tức tốc cho tàu chạy hơn 1 ngày, 1 đêm vượt 180 hải lý đi tìm. Cuối cùng 14 ngư dân cũng được cứu vớt, đưa vào đảo Song Tử Tây cấp cứu. Neo đậu chờ mọi người qua cơn nguy kịch, Bảo mới cho tàu trở về đất liền trong niềm vui vô bờ của người thân nơi đất liền sau nhiều ngày trông ngóng.

Bằng kinh nghiệm học hỏi từ các lão ngư, Bảo gào thét mọi người nhanh chóng thả phao nổi, đổ dầu xuống hai mạn tàu để hạn chế độ cao của sóng (mặt nước biển láng, sức công phá của nước biển ít hơn - PV). Bảo nói: "Lúc ấy, anh em trên tàu tinh thần hoảng loạn, thậm chí có người chỉ biết... khóc vì nghĩ cái chết đang cận kề".

Một mình, Bảo vẫn bình tĩnh, dùng hai đầu gối, tay giữ chặt lái. Sóng bão đánh tứ hướng nhưng con sóng chính vẫn đi theo ngọn gió nên phải giữ sao cho mũi tàu luôn vuông góc với hướng sóng chính, chỉ cần sơ sẩy một chút là sóng biển nhấn chìm ngay con tàu.

Qua bộ đàm, ông Đào thét lên trong gió bão: "Chết rồi anh Bảo ơi, sóng đánh vỡ cabin, nước ào ào tràn vào rồi. Bây giờ làm sao?".

Trên tàu của mình, Bảo nhanh tay bấm ngay định vị nơi tàu ông Đào gặp nạn và hướng dẫn: "Hãy bình tĩnh, mọi người mặc áo phao, cột can nhựa thành chùm để đu bám. Gió bớt giật, chúng tôi sẽ đến cứu ngay". Vừa dứt lời, hai tàu mất liên lạc.

Bằng khen của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tặng

Tàu ông Đào chìm dần xuống đáy đại dương. Cầm cự mãi đến 3 giờ chiều, gió giảm dần, 12 người trên tàu của Bảo ôm chầm lấy nhau, mừng khôn tả, cái chết đã qua. Lúc ấy, Bảo lại quyết định táo bạo: "Mình sống rồi, bây giờ phải đi cứu người thôi".

Tính toán tọa độ trên máy định vị khi tàu ông Đào bị chìm cộng với hướng gió thổi, luồng nước chảy, Bảo cho tàu chạy theo hướng tây - tây bắc được chừng 30 hải lý đến chiều tối phát hiện 11 ngư dân được cột dính vào nhau đang đu bám trên chùm can nhựa, có người toàn thân đã tím tái, hơi thở yếu ớt.

Ngay lập tức tất cả đều được vớt lên tàu, dùng rượu gừng xoa bóp, uống thuốc trợ tim một lúc sau thì hồi tỉnh. "Nếu tàu của tôi đi chậm 1 giờ đồng hồ thôi, có lẽ 5-7 người phải bỏ mạng giữa biển khơi", Bảo nhớ lại.

Cứu xong 11 ngư dân, Bảo lại nhận tin tàu QNg 95177 TS của ông Nguyễn Huê (cũng ở xã Bình Châu) bị chìm, 11 thuyền viên đang trôi dạt trên biển. Thế là Bảo lại tiếp tục cho tàu quay ngược trở lại gần 60 hải lý để tìm kiếm. Suốt hai ngày 18, 19 quần thảo trên biển nhưng không tìm thấy. Hết hy vọng, Bảo mới chịu cho tàu trở về đất liền.

Kể chuyện với chúng tôi, Bảo cũng không nhớ hết bao nhiêu lần giúp tàu bạn bị nạn. Lúc thì san sẻ vài chục lít nhớt, lúc thì lương thực, nước uống, thuốc men. "Tàu bị chìm coi như trắng tay, cả gia tài đổ xuống biển, nên đã giúp thì giúp trọn vẹn, mình chịu thiệt cũng không sao", Bảo tâm sự.

 Thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, nhiều ngư dân mang lễ vật đến tạ ơn nhưng Bảo đều chối từ. Quên cả mạng sống, không tính toán thiệt hơn để cứu người bị nạn nên nhiều ngư dân không chỉ xem Bảo là ân nhân mà còn "phong tặng" là "hiệp sĩ" trên biển. Còn những tấm bằng khen của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, UBND huyện Bình Sơn tặng thưởng được treo trên tường cũng chính là sự ghi nhận về một thuyền trưởng trẻ tuổi nhưng đầy nghĩa hiệp.

 Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.