Những người xông vào lửa - Bài 3: “Vua tốc độ”

26/02/2010 16:19 GMT+7

Trong đội hình chữa cháy, người lái xe giữ một vai trò hết sức quan trọng. Lái xe cứu hỏa không chỉ đơn thuần chở các chiến sĩ đến hiện trường để dập tắt ngọn lửa mà còn là người biết sử dụng nhuần nhuyễn các động cơ trong xe như bơm nước, hút nước, phun nước...

Khi đến nơi, phải đỗ xe không cản trở giao thông, gần trụ nước và thuận tiện để chữa cháy. Khi xe vừa dừng, người tài xế phải khẩn cấp gắn vòi nước vào nguồn nước từ xe. Và một điều đặc biệt, làm lính lái xe cứu hỏa là những “ông vua tốc độ” nhưng đồng thời phải đặt sự an toàn của đồng đội lên hàng đầu.

Nhanh hơn và nhanh hơn nữa

Thượng tá Lê Văn Hòa, vào ngành năm 1978, công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC Q.1 (TP.HCM) kể khi nhận được tin báo cháy tại tòa nhà ITC, anh lao nhanh lên xe thang 52m khởi động máy. Trên đường đến hiện trường, thấy khói mù mịt kín cả một góc trời, các chiến sĩ hối thúc anh chạy nhanh nữa lên. Dù đã chạy với tốc độ nhanh nhất rồi nhưng sao anh vẫn thấy chậm. Tới nơi, quan sát thấy rất đông người đang nhốn nháo trên lan can tòa nhà, anh lo ngại: Nếu như anh điều khiển dựng đứng thang lên thì với số lượng người nhiều như thế, xe thang không thể nào trụ nổi. Anh lập tức lùi xe lại, cho thang dựa hẳn vào tường và anh đã đưa được 40 người xuống đất an toàn.

“Hiện nay cả nước chỉ có một trường đào tạo về PCCC, chỉ tiêu đào tạo được 100 sinh viên. Hơn nữa, trong trường chỉ đào tạo chữa cháy chuyên nghiệp chứ không đào tạo cứu hộ cứu nạn”.

Thiếu tướng Trần Triều Dương
Những năm sau này, nỗi sợ của lính lái xe chữa cháy không chỉ là những con đường dày đặc lô cốt mà còn những người thiếu ý thức trên đường. Thượng tá Phan Văn Thương (Phòng Cảnh sát PCCC Q.1) kể một lần đang điều khiển xe đến hiện trường, xe hú còi chạy với tốc độ cực nhanh, bỗng có 2 thanh niên chở nhau trên xe gắn máy tăng tốc đua theo, vừa chạy vừa hếch mặt nhìn lên tài xế thách thức. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, trong đời cầm lái của mình, thượng tá Thương, thượng tá Hòa thường xuyên gặp những trường hợp như thế này. Với tình huống đó, nếu như họ muốn vượt thì các tài xế có thể nhường nhưng cứ lạng lách mãi sẽ phải nhờ CSGT giải quyết.

Thượng tá Thương cũng vào ngành trên 30 năm (1977). Anh bảo rằng bây giờ lớn tuổi rồi nên ngủ ít, mỗi lần nghe báo cháy vào ban đêm anh dậy rất dễ dàng. Anh rất thương những chiến sĩ đang tuổi thanh niên. Vì tuổi này ngủ rất say, tuy nghe còi báo động các chiến sĩ sẽ bật dậy theo phản xạ nhưng anh biết rằng, họ rất mệt. Có những vụ chữa cháy trong đêm, sau khi làm xong nhiệm vụ, họ lăn ra ngủ giữa ngổn ngang dụng cụ chữa cháy.


Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đang từng bước trở thành chính quy, tinh nhuệ -Ảnh: Nghĩa Phạm

Hiện tại, Phòng Cảnh sát PCCC Q.1 đang thử nghiệm xe 1-7. Đây là loại xe chữa cháy ở vị trí 40m trở lại, chuyên sử dụng để chữa cháy xăng dầu và cháy điện. Với loại điện 360V đang cháy, xe vào chữa cháy vẫn an toàn. Nhưng xe này rất khó lái, ở Q.1 chỉ có thượng tá Hòa và thượng tá Thương điều khiển xe này.

3 năm cứu sống 98 người

Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đang xây dựng đề án đào tạo, từ đây đến năm 2020, Sở có một vài chuyên gia về PCCC cấp quốc gia. Năm 2009, Sở đã đưa 8 cán bộ đi đào tạo sau đại học và gửi đào tạo chính quy được 30 người. Ngoài ra, gần 200 cán bộ chiến sĩ được tham gia các lớp tại chức và 100 người được đào tạo qua hệ trung cấp. Bên cạnh đó, Sở đang nghiên cứu lắp hệ thống định vị dẫn đường để giám sát được xe đang chạy tới đâu và sẽ số hóa số điện thoại 114, đưa vào vệ tinh để phát hiện cháy nhanh và báo cháy giả. Ngoài ra các trụ nước sẽ được đưa lên bản đồ số để khi xe chữa cháy đến hiện trường không mất thời gian tìm kiếm.

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, Sở cũng sẽ kiến nghị để bổ sung các hành lang pháp lý về công tác PCCC mà trước giờ nước ta chưa có, chẳng hạn như với nhà siêu cao tầng, đường ngầm...

Đặc biệt, phải tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu mọi qui phạm pháp luật liên quan đến PCCC. Sở sẽ phối hợp với các ban ngành để xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ đủ mạnh. Ở phường thì có dân phòng, ở các cơ quan, tổ chức, các KCX, KCN thì có bảo vệ... Tất cả sẽ được trang bị kiến thức chữa cháy và phương tiện hiện đại hơn. Riêng lực lượng chuyên nghiệp thì xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Còn về phương tiện cũng phải ngang tầm với khu vực và thế giới. Từ khi thành lập đến nay, Sở thường xuyên học tập, nghiên cứu các mô hình chữa cháy, chất chữa cháy tiên tiến nhất của nước ngoài để đem về phục vụ trong nước. Sở đã đề nghị Bộ Công an phối hợp với Thành ủy xuất ngân sách đưa cán bộ chiến sĩ ra nước ngoài đào tạo.

Nói về những khó khăn, Thiếu tướng Dương cho biết,  hiện nay đào tạo không kịp với sự phát triển của xã hội. Cả nước chỉ có một trường, chỉ tiêu đào tạo lại hạn chế, chỉ được 100 sinh viên, không đáp ứng kịp. Hơn nữa trong trường chỉ đào tạo chữa cháy chuyên nghiệp chứ không đào tạo cứu hộ cứu nạn, Sở phải gửi cán bộ chiến sĩ đi nơi khác đào tạo.

Ngoài ra bán kính hoạt động của các đơn vị chữa cháy cách nhau quá xa nên hiệu quả chưa cao. Theo quy định, cứ 20 km sẽ có một Phòng Cảnh sát PCCC nhưng tại TP.HCM thì chưa thể. Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đề nghị các ngành, các cấp và một số quận, huyện chưa có Phòng Cảnh sát PCCC khẩn trương quy hoạch để Sở bố trí phương tiện và lực lượng.

Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm TP.HCM xảy ra khoảng 300 vụ cháy, chiếm 20% tổng số vụ cháy của cả nước. Từ khi Sở Cảnh sát PCCC TP được thành lập (tháng 10.2006) thì phần lớn các vụ cháy đã kịp thời được ngăn chặn, bình quân mỗi năm giảm được 25% vụ cháy, giảm 4 người chết, giảm 15 người bị thương và giảm thiệt hại 15 tỉ đồng. Đặc biệt, trong 3 năm qua, lực lượng PCCC đã tham gia cứu hộ cứu nạn, cứu sống 98 người  từ đám cháy, 37 người từ các vụ tai nạn, đưa được 50 người sơ tán khỏi vùng nguy hiểm của bão, lặn mò tìm được 84 xác nạn nhân giao cho các địa phương và gia đình xử lý.

Vì những hiệu quả đó, Bộ Công an và Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nhân rộng mô hình Sở Cảnh sát PCCC ra 4 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và một số tỉnh có nhiều KCN, cơ sở kinh tế, văn hóa có nguy cơ cháy, nổ cao. Ngoài ra, Bộ Công an và Bộ Nội vụ còn để nghị Chính phủ có quyết định chính thức bổ sung chức năng cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng Cảnh sát PCCC, tăng cường biên chế và đầu tư trang bị phương tiện để Bộ Công an và các địa phương sớm triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu của toàn xã hội trong tình hình mới.

Cánh lái xe cũng luôn phải đi “trinh sát” xem đoạn đường nào nhiều lô cốt để tránh. Thế nhưng không phải lần nào cũng thoát được. Thiếu tướng Trần Triều Dương kể, có lần cháy ở Q.8 vào đúng giờ cao điểm, anh điều động lực lượng Q.8 lên đường. Nhưng khi đến đường Phạm Thế Hiển thì bị kẹt cứng, xe chữa cháy không thể nào nhích bánh. Anh lập tức điều Phòng Cảnh sát PCCC Q.6 nhưng vừa tới cầu Nhị Thiên Đường thì xe không thể nhúc nhích. Anh lập tức điều đội Q.1 nhưng đến cầu Nguyễn Tri Phương thì nằm ì một chỗ vì không có lối thoát. Lúc này gọi cho Phòng Cảnh sát PCCC Q.4 và mãi hơn 30 phút sau, xe chữa cháy của Q.4 mới đến được hiện trường.

Bảo Thiên - Hoàng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.