Những nông dân gìn giữ di sản nhân loại

04/02/2012 16:55 GMT+7

(TNO) Hội Lim ở thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, chính thức diễn ra vào ngày 13 tháng giêng âm lịch (4.2). Nhưng từ tối hôm qua các gia đình ở đây đã nô nức tổ chức các canh hát quan họ tại nhà và thu hút đông đảo du khách.

(TNO) Hội Lim ở thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, chính thức diễn ra vào ngày 13 tháng giêng âm lịch (4.2). Nhưng từ tối hôm qua các gia đình ở đây đã nô nức tổ chức các canh hát quan họ tại nhà và thu hút đông đảo du khách.

Canh hát không loa thùng, nhạc đệm

Xế chiều 3.2, các ngả đường dẫn tới thị trấn Lim đã ken cứng người xe.

Theo chân những liền anh, liền chị xúng xính khăn xếp, áo the, chúng tôi tới được nhà ông Đỗ Văn Chiến, một nghệ nhân hát quan họ ở xóm Trinh (thuộc thôn Lũng Giang, thị trấn Lim) và được thưởng thức trọn vẹn một buổi hát canh quan họ.

Nói như vậy, bởi lẽ, những người sành nghe quan họ, dù tuổi đã xấp xỉ thất thập cổ lai hy cũng hỏi thăm, tìm đường về đây để chờ nghe cho được màn hát đối trong canh hát quan họ.


Nhiều du khách tới nghe canh hát quan họ diễn ra tại nhà ông Chiến vào tối 12 tháng giêng âm lịch

Canh hát quan họ diễn ra tại nhà ông Chiến có sự tham gia của những chị cả, chị hai, anh cả, anh hai (trong giới hát quan họ, mọi người phân biệt chị cả, chị hai, anh cả, anh hai, là những người thuộc ít nhất trên 150 câu hát và đã từng đoạt những giải nhất, nhì trong các cuộc thi quan họ tổ chức tại tỉnh - PV). Bên cạnh đó, chủ nhà là ông Chiến, người đứng ra tổ chức canh hát cũng là một anh cả "cứng cựa" trong làng quan họ.

Những người đi nghe canh hát năm ngoái tại nhà ông Chiến vẫn còn nhớ như in màn hát đối đáp quan họ giao duyên chỉ kết thúc khi con gà trong chuồng cất tiếng gáy báo sáng.

Năm nay, canh hát cũng kéo dài từ 19 giờ tối tới 2 giờ sáng hôm sau. Canh hát có sự tham gia của hai chị cả nức tiếng trong làng quan họ Bắc Ninh, đó là chị cả Sứ, chị cả Hài. Hai liền chị, mỗi người đều thuộc gần 250 câu hát quan họ.

Qua 22 giờ đêm, nhưng du khách từ Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên... vẫn nườm nượp đổ về ngồi kín cái sân gạch nhà ông Chiến, ông Biển, ông Ninh, bà Hiền… ở thị trấn Lim, để được nghe những liền anh, liền chị hát đối.

Và không giống như các lán, trại tổ chức hát quan họ tại hội Lim, tại canh hát được mở ở nhà những người nông dân trên, chị cả, anh hai trao nhau câu hát mà không dùng loa thùng, không tiếng nhạc đệm. Nhưng chỉ thế cũng đủ khiến khách thập phương đắm chìm trong câu hát.


Canh hát với sự xuất hiện của những liền anh, liền chị

Những lão nông hát quan họ

Anh cả Chiến, một lão nông thực thụ kể: “Từ ngày không còn tiếng súng, chẳng năm nào nhà tôi không mở canh hát để liền anh, liền chị đối đáp”.

Ông Chiến nhớ lại, thời khó khăn, mỗi dịp hội Lim, ông phải múc thóc trong bồ bán lấy tiền, rồi vay tạm họ hàng cho đủ kinh phí để lo ăn, ở cho khách thập phương vì mê câu hát mà tìm về nhà ông.

Tại canh hát đối nhà ông Ninh tối 12 tháng giêng âm lịch, chúng tôi gặp ông Đoàn Dũng, một người rất mê câu hát quan họ.

Là dân Hà Nội gốc, nhưng đã 15 năm nay, chẳng năm nào hội Lim mà canh hát nhà anh cả Ninh lại vắng mặt ông Dũng. Tất cả vì ông quá mê quan họ.


Chị hai đầu đội khăn mỏ quạ


Còn anh hai đầu đội khăn xếp

Vừa gật gù thưởng thức câu hát đối Tình bạn, ông Dũng vừa cho biết: đình làng Lim cũng có hồ nước, cũng có thuyền chở liền chị, liền anh vừa ca, vừa mời khách trầu têm cánh phượng. Nhưng các liền anh liền chị ở đó, chỉ biết hát bằng giọng bỉ, giọng vặt thông thường với những câu hát đơn giản như: Hoa thơm bướm lượn, Ngồi tựa mạn thuyền, Tương phùng… Còn tại nhà anh cả Chiến, ông được nghe những chị cả Sứ, anh hai Tùng ca bằng giọng lề, giọng lối với những câu hát khó như La rằng, Đường bạn, Ngõ thắm sen hồng, Đường trường Vĩ Thụy, Giã bạn…

Còn với ông cả Biển, cũng từ trưa 12 tháng giêng, ông đã hối vợ con gác lại toàn bộ công việc đồng áng, trang hoàng lại cửa nhà, để xế chiều là ông đón khách phương xa về nghe canh hát.

Ông Biển cho biết: để mời được những chị cả, chị hai, anh cả, anh hai về hát tại nhà, ngoài việc có kinh phí, thì bản thân mình còn phải là người thuộc nhiều câu ca quan họ, sống có tình nghĩa, được dân làng kính nể.

Cũng theo ông Biển, hội Lim mỗi năm chỉ có một lần, nên tổ chức được một canh hát và thu hút được đông đảo du khách là cả một điều vinh dự với người quan họ Bắc Ninh.


Chị cả Sứ ca câu hát La rằng


Các chị hai hát đối

Không chỉ ông Dũng, những vị khách thập phương chúng tôi gặp trong các canh hát đêm 12 tháng giêng, họ đều nói rằng, nghe canh hát quan họ mở tại gia đình ông Chiến, ông Biển, ông Ninh… mới thật sự là hát quan họ. Còn sớm mai ra hội Lim chỉ là để chơi, để hưởng không khí lễ hội.

Với ông Chiến, ông Biển, hơn hai chục năm canh hát đêm 12 tháng giêng ở nhà các ông chẳng khi nào tối đèn, nên đám con cháu trong nhà được nghe cha chú hát những làn điệu quan họ cổ, và tự nhiên cái “máu quan họ” đã ngấm vào người chúng tự khi nào. Như thế, những câu, những làn điệu quan họ Bắc Ninh sẽ muôn đời được gìn giữ, không bị mai một.


Tới lượt các anh hai


Trầu têm cánh phượng là thứ không thể thiếu trong canh hát


Chị cả hát đối với du khách

Bài, ảnh: Hà An

>> Chào Nhâm Thìn 2012
>> Đêm phong cách dân gian đầy màu sắc và bất ngờ
>> Lễ hội dân gian - thực và ảo
>> Hội Lim: Dùng loa hát quan họ
>> Nhốn nháo hội Lim
>> Nô nức trẩy hội Lim
>> Lễ hội đầu năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.