Những sai sót chết người của cơ quan tiến hành tố tụng Tây Ninh

11/04/2007 00:16 GMT+7

Không phải đợi đến khi Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Tây Ninh người ta mới biết đến những "lỗ hổng" nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tây Ninh trong việc điều tra xét xử đối với Nguyễn Minh Hùng, mà trước đó đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình với hồ sơ vụ án này, thậm chí trong phiên tòa phúc thẩm lần 1, Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã "cầm tay chỉ việc" trong việc điều tra lại của các cấp sơ thẩm. Song mức độ "lắng nghe" của các cơ quan tiến hành tố tụng Tây Ninh quả là có hạn.

Sai lầm đầu tiên có thể nói đến, chính là việc cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) tỉnh Tây Ninh đã quá tin tưởng vào lời khai của bị án Phan Nguyễn Anh Thư. Điều này phần nào được lý giải ở tình tiết: Trước đây tại cơ quan điều tra (CQĐT), bị cáo Thư khai Hùng đã giao nhận heroin cho Thư vào ngày 25/7/2002 nhưng cho đến khi cấp phúc thẩm hủy án (lần 1) vì vợ Hùng là chị Nguyễn Thị Hằng cung cấp được chứng cứ ngoại phạm (cuốn sổ nhân khẩu tại nhà trọ ghi tên Hùng và Hằng ở tại đây cùng thời điểm trên) thì cơ quan điều tra lại "lùi" lại 1 ngày là ngày... 24/7/2002, với lý do bị cáo Thư... nhớ nhầm ngày (?!).

Chúng tôi thật sự không hiểu sao CQĐT vẫn cứ "bám víu" vào lời khai của Thư một cách cứng nhắc đến như vậy (!?). Rồi khi "thời điểm mới" là ngày 24/7 bị "trùng hợp" với ngày Hùng đi dự sinh nhật bạn của Nguyễn Thị Hằng, CQĐT Tây Ninh vẫn chưa nhìn ra sự thật vụ án mà cố tình gò ép các nhân chứng theo hướng không có buổi tiệc sinh nhật trên. Dư luận thật sự nghi ngờ sự trong sáng của các cơ quan THTT tỉnh Tây Ninh khi đứng giữa hai lời khai, một bên là các nhân chứng đều là cán bộ nhà nước nói Hùng có đi sinh nhật và một bên là một bị cáo cầm đầu một đường dây ma túy là Phan Nguyễn Anh Thư, CQĐT lại đi tin lời của Phan Nguyễn Anh Thư (!).

Chưa hết, bị cáo Thư khai rằng nhận heroin từ một người mặc áo đỏ và qua khám xét nhà của Hùng, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã thu được một chiếc áo màu đỏ. Khổ nỗi chiếc áo này là của... Nguyễn Minh Phúc, em trai của Hùng. Chiếc áo này được thu giữ cũng tại tủ áo của Phúc chứ không phải của Hùng và dù Hùng và người nhà đều khẳng định chiếc áo trên là của Phúc; thậm chí đưa cả ảnh mà trong một lần đi chơi trước đó, Phúc đã mặc áo đỏ chụp hình, nhưng CQĐT vẫn tin vào lời của Thư và sử dụng làm chứng cứ để quy buộc Hùng (?!).

Trong phiên tòa phúc thẩm lần 1 (15/10/2004), sau khi xem xét nhiều tình tiết, trong đó đắt giá nhất là tình tiết cuốn sổ ghi nhân khẩu của nhà trọ cho thấy Hùng ngoại phạm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm và yêu cầu cấp sơ thẩm phải "cho Nguyễn Minh Hùng, Phan Nguyễn Anh Thư và Phạm Hồng Sơn đối chất với nhau để làm rõ". Dù vậy, cơ quan THTT tỉnh Tây Ninh vẫn thể hiện một việc làm "trên bảo dưới không nghe" khi gạt đi và cho rằng: "Xét thấy không cần thiết".

Công tâm mà nói nếu cả ba bị cáo trên được cho đối chất có lẽ vụ án cũng phần nào được sáng tỏ hơn, song theo tìm hiểu của chúng tôi có một tình tiết khôi hài tồn tại trong hồ sơ vụ án liên quan đến cả 3 bị cáo này. Tại bản thống kê giao nhận heroin do Phan Nguyễn Anh Thư lập ra và được CQĐT thu thập được thể hiện bị cáo Phạm Hồng Sơn đã sử dụng số điện thoại 0913107411 gọi cho Thư vào ngày 5/10/2001 để giao heroin. Số điện thoại do Hùng đứng tên (trên thực tế Hùng khai rằng đứng tên giùm một người cùng xóm tên Nguyễn Văn T., một đối tượng trong đường dây của Thư, hiện đã bỏ trốn) nhưng lại có giấy tờ cho thấy Hùng đã đăng ký mua vào ngày... 9/10/2001. Tức là số điện thoại này đã được đưa ra sử dụng trước khi mua của bưu điện đến... 4 ngày (!?). Không hiểu có phải vì lý do "tế nhị" này hay không mà các cơ quan THTT tỉnh Tây Ninh đã không cho Hùng, Thư và Sơn đối chất theo yêu cầu của tòa tối cao? Đến bây giờ thì việc đối chất sẽ không bao giờ diễn ra vì Sơn đã bị thi hành án tử hình, và sự phi lý này vẫn tồn tại một cách "chễm chệ" trong hồ sơ vụ án.

Bên cạnh đó, sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng của các cơ quan THTT tỉnh Tây Ninh còn được thể hiện qua lời khai của chính bị cáo Phan Nguyễn Anh Thư. Tại trang ghi chép trong sổ tay giao nhận heroin của bị cáo Thư, mà các cơ quan THTT tỉnh Tây Ninh dùng làm căn cứ để buộc tội Hùng (bút lục 1.555), thực ra là trong trang giấy được viết tay không rõ ràng, có dấu tẩy xóa và viết thêm chú thích vào nhiều chi tiết theo hướng bất lợi cho Hùng. Lý giải điều này tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 30/5/2006, bị cáo Thư bất ngờ khai: "Các dòng này là do cán bộ điều tra ghi thêm vào". Rồi đến phiên phúc thẩm vào ngày 5/4/2007 vừa qua, Thư khai đích danh "người ghi thêm vào" chính là điều tra viên Võ Thị Hồng.

Điều này có lẽ không cần phải bình luận gì thêm!

Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.