Triển lãm lần này có các chủ đề nhỏ là các bộ sưu tập của các nhà sưu tầm khác nhau. Các chủ đề nhỏ này là một phần nhỏ của các bộ sưu tập của các nhà sưu tầm. Chương trình nhằm đem đến cho độc giả, khách tham quan một cái nhìn đa dạng hơn về các thú chơi cổ ngoạn. Trong đợt trưng bày này chúng tôi quy tụ các nhà sưu tầm sách xưa, phụ bản tranh, gốm, quạt Marelli và nhạc tiền chiến với hơn 100 vật phẩm được trưng bày.
Với bộ sưu tập sách là những đầu sách được in từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của các tác giả như Trương Vĩnh Ký, Paulus Của Huỳnh Tịnh, Trương Minh Ký...; đây là thời kỳ đầu của chữ Quốc Ngữ, những cuốn sách cổ hơn 120 năm này là những tư liệu quý hiếm để nghiên cứu về quá trình phát triển của chữ Quốc Ngữ cũng như nghiên cứu về văn hóa, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 như cuốn: Sách quan chế của Paulus Của Huỳnh Tịnh in năm 1888, Ấu học khải mông của Trương Minh Ký in năm 1893, cuốn Comedie Annamite của Trần Bồ in năm 1887.
Với bộ sưu tập tranh chủ đề “Bộ lạc tự do thiểu-số của xứ sở” gồm gần 30 bức tranh về Người Cao Nguyên vùng Đà Lạt của họa sĩ Bùi Văn Dưỡng, ấn hành tại Đà Lạt vào năm 1955. Đây là một bộ tài liệu ghi chép hình ảnh dân tộc học quý giá ở vào một giai đoạn khá thú vị trong lịch sử cộng đồng dân tộc thiểu số cao nguyên Lang Biang.
Lần này, ban tổ chức cũng giới thiệu với cộng đồng một thú chơi khá đặc biệt là sưu tầm quạt cổ Marelli. Quạt Marelli là thương hiệu quạt nổi tiếng của Ý vốn được người Hà Nội hết sức ưa chuộng ở thế kỷ trước bởi kiểu dáng đẹp, từ chiếc lồng quạt được uốn vô cùng tinh tế đến chiếc cánh duyên dáng. Do vậy mỗi chiếc quạt thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Bộ sưu tập gồm 30 vật phẩm được trưng bày trong nhà mô hình đặt tại Đường Sách.
Bộ sưu tập nhạc chủ đề “Nhạc tình tiền chiến” là tập hợp một số các ấn phẩm nhạc tờ được ấn hành hơn 60 năm về trước. Thời kỳ mà các nhạc phẩm nổi tiếng được ra mắt với độc giả lần đầu tiên. Những tờ nhạc được các họa sĩ vẽ minh họa và in ấn thủ công. Mỗi tờ nhạc là một bức tranh đẹp mắt cho chúng ta thấy được đời sống tinh thần phong phú của người Việt Nam.
Bộ sưu tập về Gốm mang tên “hình tượng Việt Nam trên gốm mỹ thuật Thành Lễ” sẽ đưa người xem quay trở lại những năm 60. Thời điểm rực rỡ nhất của gốm mỹ thuật Thành Lễ đã đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua các hình tượng những người phụ nữ mang áo dài cách tân, hay hình ảnh con lân trong văn hóa Việt…
Kết chuỗi sự kiện “Sưu tập – thú chơi của người phong lưu” là buổi giao lưu cùng tên diễn ra vào lúc 8h30 sáng ngày Chủ nhật 25.3.2018, với khách mời là chính là chủ nhân của các bộ sưu tập phía trên. Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, tại gian hàng Quán Sách Mùa Thu sẽ trưng bày bức tranh vẽ chân dung học giả, nhà sưu tầm Vương Hồng Sển được vẽ bởi họa sĩ Tạ Tỵ trên chất liệu màu nước năm 1965.