Những tình huống khiến ‘tài mới’ tá hỏa khi sử dụng ô tô

08/01/2018 10:45 GMT+7

Nhiều “tài mới” rơi vào tình huống “dở khóc dở cưới” do thao tác lái không đúng cũng như thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng các tính năng trên ô tô.

Vô lăng bị khóa chặt
Không ít tài xế trong thời gian đầu sử dụng ô tô phải gọi điện “cầu cứu” nhân viên bán hàng hay bộ phận kỹ thuật của đại lý bán xe do gặp phải tình huống vô lăng của xe bị khóa chặt, không thể đánh lái.
Tuy nhiên, đây không phải lỗi hệ thống lái mà thực chất là một tính năng an toàn được nhà sản xuất thiết kế để chống trộm. Khi ô tô tắt máy, trợ lực tay lái không hoạt động nếu tài xế vẫn cố xoay vô lăng để chỉnh hướng bánh xe thì vô lăng sẽ bị khóa. Vì vậy, khi khởi động lại, một số tài xế thường “tá hỏa” khi không thể xoay vô lăng. Đặc biệt, một số dòng xe sử dụng chìa khóa cơ, khi vô lăng đã bị khóa, tài xế sẽ gặp khó khăn khi tra chìa khóa vào ổ để khởi động máy.
Nhiều "tài mới" thường gặp tình huống vô lăng bị khóa
Theo anh Đinh Viết Quang - chuyên gia kỹ thuật của Sài Gòn Ford: “Trong trường hợp này, tài xế chỉ cần phối hợp giữa thao tác lắc nhẹ vô lăng sang phải hoặc trái đồng thời tra chìa khóa vào ổ và đề máy, vô lăng sẽ được mở khóa”. Bên cạnh đó, với một số dòng xe, khi thực hiện thao tác đỗ xe không nên đánh hết lái, bởi sau khi tắt máy rút chìa khóa vô lăng cũng có thể bị khóa.
Không rút được chìa khoá ra khỏi ổ sau khi tắt máy
Ngoài việc vô lăng bị khóa, một số tài mới sử dụng ô tô số tự động thường gặp tình huống không thể rút chìa khóa sau khi đã tắt máy, kéo phanh tay. Theo nhân viên bán hàng của một đại lý Toyota tại TP.HCM, không ít khách hàng sau khi mua xe, trong thời gian đầu sử dụng thường gọi điện hỏi về “sự cố” này.
Một số tài mới sử dụng ô tô số tự động thường không thể rút chìa khóa sau khi đã tắt máy...
Tuy nhiên, việc không rút được chìa khóa sau khi xe đã tắt máy, kéo phanh tay thực chất xuất phát từ chính sai lầm trong thao tác đỗ xe của tài xế. Theo đó, môt số dòng xe số tự động sử dụng khóa cơ, người lái sẽ không thể rút được chìa khóa ra khỏi ổ nếu cần số chưa được chuyển về P. Đây là cách thiết kế của các nhà sản xuất ô tô nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tình trạng xe bị trôi do người lái vẫn để cần số ở vị trí D, R sau khi đã tắt máy.
...nguyên nhân xuất phát từ việc cần số vẫn ở vị trí D, R
Theo lời khuyên các chuyên gia, để không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ hộp số, đồng thời đảm bảo, khi đỗ xe, các lái xe nên thực hiện theo các bước: Đạp phanh chân cho xe dừng hẳn, kéo phanh tay sau đó chuyển vị trí cần số từ D hoặc R về vị trí P rồi mới tắt máy, rút chìa khóa ra khỏi xe.
Chìa khóa thông minh hết pin
Nhiều mẫu ô tô hiện nay được trang bị chìa khóa thông minh, giúp thao tác đóng, mở cửa hay khởi động xe trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, hầu hết các loại chìa khóa thông minh hiện nay đều sử dụng pin để hoạt động. Vì vậy, không ít “tài mới” thường lúng túng không biết cách để mở cửa rồi khởi động xe khi chìa khóa bất ngờ hết pin.
Hầu hết chìa khóa thông minh trên các mẫu ô tô hiện nay đều có thêm một chìa cơ sơ cua
Thực chất khi thiết kế, các nhà sản xuất ô tô cũng đã tính đến tình huống này. Vì vậy, hầu hết chìa khóa thông minh trên các mẫu ô tô hiện nay đều có thêm một chìa cơ sơ cua đi cùng. Để sử dụng chìa khóa này, tài xế cần mở chốt để rút ra, một số loại chìa khó chỉ cần bấm vào nút nhỏ để chìa khó cơ tự bật. Người dùng có thể cắm chìa khóa vào ổ trên tay nắm cửa và mở như bình thường.
Sau khi mở cửa xe, tùy vào cấu tạo mỗi mẫu xe, tài xế vẫn có thể khởi động máy. Với các xe có khe cắm chìa khóa thông minh, chỉ cần tra chìa khóa là có thể khởi động được. Tuy nhiên, với một số mẫu xe trang bị nút khởi động như Fortuner thế hệ mới bản máy xăng 2.7V, chỉ cần áp sát hoặc quay dọc đầu chìa khóa vào nút khởi động Start/Stop để khởi động máy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.