Những tình huống “khó đỡ” trong các chuyến tình nguyện

30/07/2018 08:09 GMT+7

Những ngày theo chân nhóm tình nguyện của Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM, chúng tôi chứng kiến những tình huống mà các tình nguyện viên nói vui với nhau rằng: “thật khó đỡ”.

Áo quần giặt rồi mà như chưa giặt

Những ngày này,  Đắk Nông mưa dầm dề nên nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” cũng đã xảy ra. Trần Sơn Khánh Vy (tình nguyện viên) chỉ vào cái áo mình đang mặc và nói: “Áo này em giặt đúng tuần rồi giờ mới mặc lại được, nhưng mặc vào cứ giống như áo “thúi” vì trời mưa suốt nên áo quần ẩm luôn. Đồ mới giặt mặc vào mà như đồ chưa giặt”.

Còn cô nàng Lê Ngọc Thảo (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) thì hài hước: “Em hết đồ mặc rồi. Đồ giặt cả tuần không khô. Ngày chuẩn bị đi anh quản lý đội tình nguyện đùa với tụi em là khỏi cần mang đồ vì có 3 cái áo của chương trình, 1 cái mặc, 1 cái chờ và một cái giặt. May mà đứa nào cũng mang thêm áo quần, nhưng còn không đủ đồ để chờ cho áo quần khô mà mặc lại”.

Đi xin... tắm nhờ

Vì là mùa mưa nên các phòng học của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (nơi các tình nguyện viên đóng quân) rất ẩm ướt, những ngày đầu mới lên, không có chiếu, các chiến sĩ tình nguyện chỉ có trải bạt nhựa dưới nền đất để ngủ. Đêm xuống, nhiệt độ của vùng cao rất thấp nên nhiều tình nguyện viên nằm co ro vì lạnh. Những ngày sau thì được Đoàn xã Đắk Som hỗ trợ chiếu, nhưng chỉ được vài cái nên người có người không.

“Phòng tụi em ngủ không có máy lạnh mà mỗi lần bước vào là phải đắp chăn ngay. Nhưng mà mấy ngày sau thì tụi em quen dần rồi”, Thảo chia sẻ.

Còn điện nước thì thay phiên nhau hư, cứ vài hôm cắt điện, rồi vài hôm lại cắt nước. Sau một ngày lăn lộn với mưa, với các đoạn đường rừng để thực hiện các vườn rau sạch cho học sinh bán trú, để đến từng nhà dân vận động học sinh đi học tin học miễn phí,…thì các chiến sĩ tình nguyện lại xách áo quần đến nhà dân xin tắm nhờ hay xin nước về nấu ăn.

Đi đường như chơi trò cảm giác mạnh

Vì đường núi nên những con dốc gần như là thẳng đứng, đường trời mưa thì trơn trượt nên mỗi lần vượt những địa hình này đi làm nhiệm vụ, các tình nguyện viên đều ví như là “chơi trò cảm giác mạnh”.

Chị Phạm Thị Thùy Dương, giảng viên Khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, được tình nguyện viên trong đội hình nông nghiệp của chiến dịch chở bằng xe máy lên điểm Trường Tiểu học Vừ A Dính để thực hiện vườn rau sạch. Chị Dương cho biết: “Mình chọc với mấy sinh viên là trước khi đi sao các em không nói cô uống thuốc trợ tim. Những con dốc ghê thật, nhưng cũng vì lần đầu đi nên mình hơi khiếp”.

Còn Thảo thì kể: “Lúc mà chiếc xe mui trần (xe ba gác) đưa tụi em vượt các con dốc này mà em chỉ muốn đứng tim. Vì chiếc xe cứ rề rề lên dốc mà em cứ sợ nó sẽ tụt ngược xuống lại. Đi chuyến này về là em có thể tự tin đi chơi các trò chơi cảm giác mạnh rồi”.

Theo chân đội hình tình nguyện, mới chứng kiến hết được các câu chuyện “cười ra nước mắt”, thế nhưng với các tình nguyện viên lúc nào cũng cười rất tươi và tràn đầy nhiệt huyết, vì các bạn xem những tình huống “khó đỡ” này như là những kỷ niệm đẹp khó quên trong mỗi chuyến tình nguyện.

Dù mưa, dù điều kiện đồi núi vất vả nhưng các tình nguyện viên vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hằng ngày, sẽ có đội hình phụ trách dạy văn hóa cho trẻ, đội hình phụ trách dạy tin học, đội thì đi vận động học sinh đi học, rồi đội hình nông nghiệp lo các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bền vững, hiệu quả, hay thực hiện các vườn rau sạch, vườn hoa cho các điểm trường,…

Và dường như, chỉ cần khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, thì không có một khó khăn nào có thể làm các bạn chùng bước. Có những việc dù chưa bao giờ làm nhưng các tình nguyện viên vẫn không ngại khó khăn, để mỗi chặng đường các bạn đi qua đều ghi dấu không chỉ những bước chân mà có cả nụ cười và những thành quả mà các bạn để lại.

Một số hình ảnh của đội hình Tri thức khoa học trẻ tình nguyện tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông:







Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.