Những trận đấu kỳ lạ thay đổi thế giới: Chiến thắng của nước mắt đau thương

07/05/2016 09:48 GMT+7

Người hâm mộ Iraq đến nay có lẽ vẫn khao khát được sống trong không khí lịch sử của sự kiện tuyển bóng đá nam nước này lần đầu tiên làm bá chủ châu Á sau trận chung kết Asian Cup 2007.

Người hâm mộ Iraq đến nay có lẽ vẫn khao khát được sống trong không khí lịch sử của sự kiện tuyển bóng đá nam nước này lần đầu tiên làm bá chủ châu Á sau trận chung kết Asian Cup 2007.
Sau chiến thắng lịch sử của tuyển Iraq, người Iraq đổ ra đường ăn mừng chức vô địch Asian Cup 2007 bất chấp mối lo ngại bạo lực - Ảnh: Reuters
Hơn 20 năm khói lửa binh đao
Trong những năm 1970 - 1980, bóng đá Iraq từng gặt hái những thành công nhất định dưới tài cầm quân của HLV huyền thoại Emmanuel Baba Dawud. Không những đăng quang Cúp vùng Vịnh (Gulf Cup) năm 1979, 1984 và 1988, tuyển Iraq còn tự hào với chiến thắng ở Arab Cup 1988, đoạt vé dự vòng chung kết World Cup 1986 cùng 3 lần tham dự Olympic (năm 1980, 1984, 1988).
Tuy nhiên, năm 1984, sự lớn mạnh của bóng đá Iraq bị cản trở phần nào sau khi chính quyền độc tài của Saddam Hussein trao sự kiểm soát môn thể thao “vua” của quốc gia cho con trai Uday Hussein. Kể từ đó, tuyển Iraq bị áp đặt dưới “lệnh” của Uday về việc lựa chọn cầu thủ, chiến thuật, thậm chí bị trừng phạt sau mỗi lần thất bại, theo Reuters. Mãi đến năm 2003, dù “triều đại” của Saddam Hussein sụp đổ nhưng bóng đá Iraq vẫn chìm trong u ám bởi những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo đẫm máu liên miên giữa người Sunni, người Shiite và người Kurd... ở trong nước.
Trong tình cảnh như vậy, những người lạc quan nhất cũng không ai nghĩ đến việc đoàn quân của HLV Jorvan Vieira sẽ làm nên trò trống gì ở Asian Cup 2007, giải đấu được đăng cai tổ chức ở VN, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Bởi đôi chân, tinh thần của các tuyển thủ luôn nặng trĩu đau thương về các cuộc bạo lực tang tóc, đánh bom liều chết, khủng bố và khung cảnh chiến tranh tàn phá ở quê nhà. Thế nhưng giữa lúc tuyệt vọng nhất, “những chú sư tử của vùng Mesopotamia” (biệt danh của tuyển Iraq) đã làm nên điều kỳ diệu ở Jakarta để đem lại thời khắc hạnh phúc và đoàn kết hiếm hoi cho cả dân tộc.
Biến đau thương thành hành động
Tại Asian Cup 2007, sau khi vượt qua vòng bảng và đánh bại tuyển VN 2-0 ở tứ kết, Iraq làm nên cú sốc bằng chiến thắng trước Hàn Quốc với tỷ số 4-3 trên chấm phạt 11 m (2 đội hòa 0-0 trong 120 phút). Chỉ vài phút ngay sau khi đánh bại đội bóng xứ sở kim chi ở bán kết, hai quả bom xe đã nổ tung giữa đám đông CĐV đang cổ vũ cho đội tuyển quốc gia ở thủ đô Baghdad khiến 50 người thiệt mạng. Nghe tin, tất cả thành viên tuyển Iraq bàng hoàng trên sân. Nhưng rồi ngay sau trận đấu khi được xem một hình ảnh cảm động trong vụ nổ bom trên truyền hình, các tuyển thủ Iraq quyết định gạt phăng tất cả. “Một trong những nạn nhân vụ nổ bom là một cậu bé 12 tuổi. Khi thi thể của con được đặt trước mặt người mẹ, bà đã không khóc. Bà mẹ nói rằng tôi hiến dâng con trai của tôi như một sự hy sinh cho đội tuyển quốc gia Iraq. Lúc ấy, chúng tôi tự nhủ với bản thân rằng phải giành chiến thắng bằng mọi giá ở trận chung kết”, người hùng của tuyển Iraq ở Asian Cup 2007 - Younis Mahmoud nhớ lại.
Ở trận chung kết trên sân Gelora Bung Karno tại Jakarta vào ngày 29.7.2007, tuyển Iraq quật ngã Ả Rập Xê Út với tỷ số 1-0 nhờ pha lập công của Mahmoud phút 72. Tiếng còi kết thúc trận chung kết vang lên cũng là lúc hàng trăm ngàn người hâm mộ đổ ra đường phố Baghdad và nhiều thành phố khác bắn súng chỉ thiên ăn mừng, bất chấp lệnh cấm tụ tập đám đông và nguy cơ đánh bom tự sát từ nhà chức trách địa phương. Cờ Iraq được vẫy phấp phới giữa những cái nắm chặt tay, những điệu nhảy ăn mừng, niềm tự hào. Không còn sự hiện diện của mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo.
Theo một thống kê của Mỹ, trong tháng trước giải đấu đã có hơn 1.700 cuộc xung đột giáo phái đổ máu ở Baghdad nhưng giảm một nửa sau trận chung kết Asian Cup 2007. Thành quả này được tiếp nối sau khi tuyển U.23 Iraq vô địch châu Á vào năm 2013, số vụ bạo động và giết chóc đã giảm thiểu đáng kể chỉ còn 10% so với thời điểm trước 2007. Bóng đá Iraq vươn lên đã góp phần giúp người Iraq càng khát khao yêu thương nhau và sống yên bình giữa những người Sunni, người Shiite và người Kurd, thành một khối đoàn kết tái thiết đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.