Những trận đấu kỳ lạ thay đổi thế giới: Trận đấu “hòa bình” trên chiến hào

05/05/2016 10:17 GMT+7

Cách đây hơn 100 năm, trong đêm Giáng sinh đầu tiên của Thế chiến thứ nhất đã xảy ra một sự kiện hiếm hoi trong lịch sử chiến tranh: một trận đấu bóng đá của những cầu thủ hai bên chiến tuyến, trở thành biểu tượng hòa bình cho đến ngày nay bất chấp những tranh cãi.

Cách đây hơn 100 năm, trong đêm Giáng sinh đầu tiên của Thế chiến thứ nhất đã xảy ra một sự kiện hiếm hoi trong lịch sử chiến tranh: một trận đấu bóng đá của những cầu thủ hai bên chiến tuyến, trở thành biểu tượng hòa bình cho đến ngày nay bất chấp những tranh cãi.

Tác phẩm điêu khắc tưởng nhớ đến trận đấu lịch sử năm 1914 ở Liverpool (Anh) - Ảnh: Reuters
Bỏ súng, đá bóng
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra vào năm 1914, quân Đức đã mở mặt trận phía tây đánh chiếm Luxembourg, Bỉ và nhiều thành phố công nghiệp lớn của Pháp. Nhiều cuộc giao tranh giữa quân Đức và liên quân Anh - Pháp - Bỉ, phần lớn diễn ra trên những chiến hào quanh co vững chắc, được hai bên lập ra kéo dài từ biển Bắc Hải đến biên giới Pháp và Bỉ.
Giữa mặt trận súng đạn ác liệt, đêm Giáng sinh đầu tiên của Thế chiến thứ nhất (25.12.1914), binh sĩ Anh và Đức ở chiến hào vẫy tay ra hiệu cho nhau hạ vũ khí để tận hưởng Giáng sinh an lành, dù không hề có thỏa hiệp ngừng bắn nào khi đó. Tiếp theo, binh sĩ ở 2 chiến tuyến bước ra khỏi chiến hào lên mặt đất cùng hát Thánh ca, tặng nhau câu chúc “Merry Christmas”, trao đổi thực phẩm, cắt tóc cho nhau... và điều đặc biệt nhất là tổ chức một trận đấu bóng đá giao hữu khi trời hừng sáng. “Thuốc lá điếu và quà được trao đổi giữa một số binh lính, trong khi những người khác đơn giản muốn thưởng thức cơ hội được duỗi chân của mình mà không phải đối mặt với súng ống”, đoạn trong bức thư của một người lính thuộc trung đoàn bộ binh Gordon Highlanders (Anh) do Royal Mail công bố, mô tả về khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi vào ngày Giáng sinh, trong đó có trận đấu bóng đá.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 1983, Ernie Williams, một cựu chiến binh Anh, khẳng định ông đã tham gia vào trận đấu bóng đá tại Wulverghem (Bỉ): “Quả bóng xuất hiện từ đâu đó nhưng nó đến từ phía họ (lính Đức). Họ đã ghi một số bàn thắng và đồng đội của tôi cũng làm được điều tương tự. Mọi người được thể hiện hết tài năng bản thân và không có những ác ý giữa người chơi xung quanh trái bóng được làm bằng da”.
Cuộc so tài lan tỏa khắp chiến trường và nổi tiếng thế giới trong suốt cuộc chiến, sau khi tờ The Times ngày 1.1.1915 đăng tải một bài viết cho biết một trung đoàn Anh đã có trận đấu bóng đá với Saxon (một thuật ngữ ý muốn nói đến người Đức) và kết thúc với kết quả 3-2 nghiêng về quân Đức. Chính trận đấu này đã tạo nên một nguồn cảm hứng làm “mềm hóa” sự đối đầu, oán hận và hậu quả nặng nề trong tàn dư của Thế chiến thứ nhất.
Trận đấu ngày Giáng sinh năm 1914 - Ảnh: www.esquire.co.uk
Biểu tượng của hòa bình
Nhiều nhà sử học sau này cho rằng trận đấu hôm Giáng sinh nổi tiếng vào năm 1914 đã được hư cấu vì thiếu những bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, với người Anh và kể cả Đức, giai thoại về cuộc đọ sức bóng đá hơn một thế kỷ trước vẫn là một biểu tượng hòa bình, một sự kiện được tôn vinh trong lịch sử bóng đá thế giới.
Theo CNN, trận đấu đặc biệt cách đây 102 năm mang tính biểu tượng trong lịch sử quân đội Anh, đã được ghi nhớ thông qua những công trình, tượng đài và tác phẩm nghệ thuật... ở Bỉ, Đức, Pháp và xứ sở sương mù. Mới đây nhất, vào năm 2014, binh lính của Anh và Đức đóng quân ở Kabul (Afghanistan) đã tổ chức một trận đấu để kỷ niệm 100 năm trận đấu lịch sử vào ngày Giáng sinh năm 1914. Ý nghĩa của trận đấu trên chiến hào ngày nào còn đóng vai trò rất quan trọng trong các chương trình giáo dục cho trẻ em và một loạt sự kiện của Hiệp hội Bóng đá Anh và Premier League, nằm trong dự án giáo dục ở 30.000 trường học ở Vương quốc Anh, mang tên “Football Remembers”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.