Những trận hải chiến lịch sử và quá trình phát triển của hải quân (Bài 2)

20/08/2009 01:49 GMT+7

Bài 2: Tàu ngầm và cuộc chiến marathon trên Đại Tây Dương Đây là trận đánh kéo dài từ ngày khởi đầu đến ngày kết thúc Đệ nhị thế chiến. Hơn 1.100 tàu ngầm Đức tấn công hải lực Hoàng gia Anh mạnh gấp 10 lần mình, đánh đắm hơn 2.900 chiến thuyền và hơn 14 triệu tấn hàng tiếp vận cho dù chiến thắng chung cuộc không thuộc về họ.

Chiến thuật “Bầy sói” (Wolfpack)

Cha đẻ của “bầy sói” là Karl Donitz - nhà chiến thuật hàng đầu của hải quân Đức, nguyên hạm trưởng tàu ngầm thời Đệ nhất thế chiến. Năm 1935, sau khi xé bỏ Hiệp ước Versaille quy định hạn chế hải quân Đức, Hitler bổ nhiệm Karl Donitz làm tư lệnh, tập trung phát triển lực lượng tàu ngầm.

Không như các tư lệnh khác ở Bộ chỉ huy hành quân, chỉ có mỗi mình Donitz nhận định rằng: Đức chỉ có thể cậy vào tàu ngầm mới mong thủ thắng được trận Đại Tây Dương, từ đó giúp Đức sớm kết thúc thế chiến. Các tư lệnh khác phản bác quan điểm này. Theo họ, chỉ có các chiến hạm không thể bị đánh chìm, được trang bị đại bác lớn mới là yếu tố chính kiểm soát vùng biển.

Thực tế đã nghiêng về nhận định của Donitz. Những thiết giáp hạm khổng lồ “không thể bị đánh chìm” của Đức như Bismarck và Graf Spee hạ đốc không bao lâu đã trở thành tít lớn trên báo chí do “bị hải quân Anh săn lùng và tiêu diệt”. Trong khi tại Đại Tây Dương, lực lượng tàu ngầm Đức liên tục khiến quân đồng minh khốn đốn bởi “bầy sói”.

Để cô lập và loại Anh quốc ra khỏi cuộc chiến, Donitz tính toán lượng hàng hóa của nước này cần phải bị đánh chìm hằng ngày trên Đại Tây Dương. Như vậy, nền kinh tế Anh sẽ lụn bại và đường tiếp vận của quân đồng minh cũng bị phong tỏa. Từ tính toán trên, Donitz phác thảo cơ số tàu ngầm Đức cần có để thực hiện chiến dịch. Nắm rất vững những thông số cần thiết, lên chiến thuật và với tiềm năng của nước Đức lúc bấy giờ, Donitz khẳng định Đức có thể mở một cuộc chiến năm ăn năm thua với hải quân Hoàng gia Anh dù đối phương có thực lực mạnh hơn cả chục lần. Donitz tin rằng hải quân hoàng gia với những chiến đấu hạm được trang bị đại bác lớn sẽ hoàn toàn “đề-mốt” trước chiến thuật hiện đại của tàu ngầm - được chế tạo nhỏ nhưng cơ động trên mặt nước và lặn nhanh xuống biển.

“Điều duy nhất khiến tôi lo sợ trong suốt cuộc chiến là hiểm họa tàu ngầm”. Winston Churchill thú nhận sau Đệ nhị thế chiến

Để có thể phong tỏa Anh quốc như theo tính toán, Donitz cần ít nhất khoảng 300 tàu ngầm để tung vào trận. Tuy nhiên, ông chỉ có trong tay 57 chiếc trong thời gian khởi đầu cuộc chiến.

Do chỉ có 1/5 cơ số tàu ngầm so với tính toán, Donitz đã vận dụng “bầy sói” đánh vào các hải đoàn tiếp vận của quân đồng minh cùng đoàn chiến hạm hộ tống theo nó. Chiến thuật này yêu cầu các tàu ngầm Đức hoạt động độc lập, khi phát hiện mục tiêu lập tức báo cáo về bộ chỉ huy để điều thêm tiếp viện - như một bầy sói vây quanh con mồi, nhằm đảm bảo có cơ số luôn lớn hơn đối phương, sau đó lợi dụng trời tối để nổi lên mặt nước tấn công bất ngờ.

Anh quốc khủng hoảng

Dù với cơ số nhỏ, nhưng tàu ngầm Đức nhanh chóng thành công ngay trong tháng đầu xung trận. Ngày 17.9.1939, tàu U-29 phát hiện hàng không mẫu hạm HMS Courageous với sự hộ tống của 2 khu trục hạm đang tuần tra cách Ireland 320 km về hướng tây nam. Trung úy hạm trưởng Otto Schuhart ra lệnh cho U-29 luồn qua 2 chiếc khu trục hạm, phóng 3 quả ngư lôi từ cự ly 3.000 mét. Hai quả trúng mục tiêu, chiếc hàng không mẫu hạm đầy kiêu hãnh bị nhấn chìm chỉ trong 17 phút kéo theo 518 sinh mạng. HMS Courageous trở thành tổn thất đầu tiên của hải quân hoàng gia trong cuộc chiến. Dính đòn đau, hải quân Anh quyết định rút toàn bộ hàng không mẫu hạm ra khỏi những vị trí có khả năng bị tấn công từ phương tây. Bốn năm liền sau đó, người ta không thấy bất kỳ hàng không mẫu hạm nào xuất hiện trên vùng biển này.

Không lâu sau, tàu ngầm Đức lại ghi được một chiến công lớn hơn ở cảng Scapa Flow bằng lối đánh táo bạo. Đây là nơi các chiến hạm hùng mạnh nhất của Anh thả neo và được bảo vệ khá kỹ. Máy bay Đức chụp được một serie ảnh về hệ thống phòng thủ của Scapa Flow. Cửa vào cảng rất hẹp và bị bịt kín bởi hàng rào tàu chiến bị chìm có tác dụng chặn luôn tàu ngầm địch. Để vào được cảng không còn cách nào là phải di chuyển trên mặt nước. Nhưng Donitz phát hiện có một lối vào hẹp, mực nước cạn và chảy xiết. Ông chọn hạm trưởng tàu U-47 Gunther Prien thực thi nhiệm vụ. Ngày 8.10, U-47 xuất phát đi Scapa Flow. Khuya 13.10, lợi dụng đêm không trăng, U-47 vượt qua hàng rào bảo vệ tiến vào cảng. Hai loạt bắn tổng cộng 6 ngư lôi tạo nên 3 tiếng nổ lớn. Chiến đấu hạm lẫy lừng Royal Oak bị chìm trong vòng 10 phút, kéo theo 833 sinh mạng. U-47 lẻn nhanh ra không bị phát hiện và trở về được chào đón như người hùng. Sau trận này, Hitler tấn phong Donitz lên chuẩn đô đốc.

Ngày 10.5.1940, Đức xua quân tiến chiếm Pháp. Ngày 22.6.1940, Pháp đầu hàng. Donitz tiếp quản nhiều hải cảng quan trọng và thu ngắn được hải trình đến Đại Tây Dương. Và với “bầy sói”, từ tháng 7 đến tháng 10.1940, tàu ngầm Đức đánh chìm thêm 220 tàu thuyền của quân đồng minh.

Đợt tấn công đầu tiên của bầy sói được ghi nhận vào ngày 21.9.1940, bốn tàu ngầm Đức tấn công Hải đoàn HX72 hộ tống 42 thương thuyền. Kết quả: 11 thuyền của quân đồng minh bị đánh đắm, 2 thuyền bị thương; trong đó riêng chiếc U-100 đánh chìm một lúc 7 chiếc thuyền.

Ngày 5.10.1940, đoàn SC7 gồm 34 thuyền được hộ tống rời Ontario đi Liverpool bị 7 tàu ngầm Đức vây đánh tại Rockall Bank, gần Scotland. 22 thuyền bị đánh chìm và các tàu còn lại lúng túng không biết làm gì ngoài việc tìm vớt các nạn nhân. Chỉ 12 chiếc lết về được đến cảng. Ba ngày sau, thêm một đoàn thuyền 49 chiếc khác được hộ tống bị 5 tàu ngầm Đức đánh chìm mất 12 chiếc.

Với chiến thuật “bầy sói”, chỉ trong 3 tháng - từ 2.9 đến 2.12.1940, 157 tàu thuyền các loại của quân Đồng minh đã bị đánh chìm với tổng lượng hàng tiếp vận là 847 ngàn tấn trong khi Đức chỉ tổn thất 3 tàu ngầm. Tỷ lệ đánh đổi là 1:52. Những tổn thất liên tiếp khiến lượng dầu mỏ nhập cảng vào Anh giảm hẳn một nửa và chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu. Kinh tế Anh bắt đầu rơi vào khủng hoảng đến nỗi Thủ tướng Winston Churchill phải thú nhận ông sợ nước Anh sẽ thua ở trận hải chiến Đại Tây Dương và như vậy, Anh sẽ mất luôn sức chiến đấu trong Đệ nhị thế chiến. (Còn tiếp)

Lê Huỳnh Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.