Những trò "phù phép" của Chủ tịch HĐQT Cosevco

12/04/2008 01:08 GMT+7

Bài 1: Đụng đâu sai đó! Liên tục nhiều năm qua, Thanh Niên đã có nhiều bài phản ánh về sự lộng hành của ông Trần Xuân Đính, nguyên Tổng giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty miền Trung (Cosevco) khiến đơn vị này biến thành cái nhà không móng. Cuối cùng thì các cơ quan chức năng cũng vào cuộc và cho thấy sự việc còn hơn những gì bạn đọc từng biết...

Dự án Nhà máy xi măng Sông Gianh (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) do Cosevco làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư tương đương 203 triệu USD (gần 3.200 tỉ đồng). Đây là vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại với mức cho vay vượt 15% vốn tự có của các tổ chức tín dụng. Với các trang thiết bị hiện đại, tiêu chuẩn châu u, theo dự kiến, nhà máy có công suất 1,4 triệu tấn xi măng và clinke/năm để cung cấp cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.  Ngoài dự án Nhà máy gỗ MDF ở Quảng Trị, đây chính là dự án tai tiếng nhất của Cosevco.

Liên quan đến việc hàng loạt các quan chức điều hành cấp cao của Cosevco bị bắt giam, trong đó có Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính, vừa qua Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng C37 - Bộ Công an đã triệu tập thêm 7 đối tượng có liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Cosevco. Trong đó có 2 Phó tổng giám đốc Cosevco gồm: Nguyễn Quốc Khánh và Hoàng Ngọc Tấn; Trưởng ban kiểm soát, thành viên HĐQT Nguyễn Văn Hòa; Trưởng phòng Thương mại Xuất nhập khẩu, nguyên là Trưởng phòng Kinh tế Vũ Thị Thúy cùng 3 cán bộ cốt cán khác. 

Sau thời gian triển khai và đi vào hoạt động, dư nợ vay của nhà máy tính đến thời điểm 30.6.2007 tương đương 3.049,2 tỉ đồng/3.831,2 tỉ đồng dư nợ vay của Cosevco. Ở tất cả các khâu trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đều có sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng sẽ được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Báo cáo... láo

 Ngay từ bước đầu chuẩn bị đầu tư, dự án đã bị phủ đầu bằng báo cáo phương án giao thông ngoài nhà máy thiếu thực tế. Cụ thể là tĩnh không cầu Gianh và luồng sông từ cảng Lèn Bảng đến cầu Gianh chỉ có thể chạy tàu 400 tấn, tuy nhiên, báo cáo khả thi lại "hào phóng" đánh giá khu vực này có thể chạy tàu biển pha sông đến... 1.000 tấn. Báo cáo này đã dẫn đến việc đầu tư xây dựng cảng Lèn Bảng với quy mô hoành tráng để tiếp nhận tàu 1.000 tấn phục vụ cho việc vận chuyển toàn bộ nguyên liệu than và hầu hết sản phẩm bằng đường thủy theo như phương án đã được thông qua. Nhưng thực tế, chỉ có tàu 400 tấn cập cảng được, vậy là toàn bộ than từ cảng Vũng Áng về nhà máy và trên 70% sản phẩm tiêu thụ phải vận chuyển bằng ô tô. Điều này không những làm tăng chi phí của dự án mà còn làm giảm hiệu quả kinh doanh, lãng phí vốn đầu tư xây dựng cảng Lèn Bảng. Trách nhiệm này thuộc về Cosevco và Công ty tư vấn đầu tư xây dựng công trình vật liệu xây dựng - tổng thầu chuẩn bị đầu tư.

Việc đấu thầu của một số gói thầu nội bộ Cosevco chỉ là hình thức, vi phạm nghiêm trọng các quy định trong công tác đấu thầu. Trong đó, có 11/24 gói thầu xây lắp trong quá trình thi công đã phải bổ sung các nhà thầu khác vào thi công dưới hình thức thầu phụ - mà thực chất là chỉ định thầu. HĐQT Cosevco còn miễn bảo lãnh dự thầu đối với các đơn vị nội bộ trực thuộc khi tham gia đấu thầu các gói thầu của dự án. Trong quá trình đấu thầu đã có dấu hiệu thông đồng trong việc lập hồ sơ dự thầu giữa các nhà thầu. Việc này thể hiện rõ qua nhiều nội dung chi tiết trong hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà thầu đều giống nhau, từ biện pháp thi công, kế hoạch huy động nhân lực cho đến những lỗi chính tả! Trách nhiệm trực tiếp của việc này thuộc về ông Phạm Văn Thìn, Phó trưởng ban QLDA - tổ trưởng tổ xét thầu và các thành viên của trong tổ.

"Biến" USD thành euro

Việc thất thoát lớn tại dự án Nhà máy xi măng Sông Gianh tập trung chủ yếu tại gói thầu cung cấp thiết bị, vật tư và dịch vụ kỹ thuật. Gói thầu này bao gồm cung cấp thiết bị kỹ thuật, tài liệu, thiết kế nhà máy, các dịch vụ kỹ thuật hướng dẫn chế tạo lắp đặt, vận hành và phụ tùng thay thế hằng năm, có giá trị lớn và ảnh hưởng quyết định toàn bộ dự án. Công ty Polysuis AG (Đức) đã trúng gói thầu này. Sai phạm đầu tiên phải kể đến tại gói thầu này chính là việc lựa chọn sai đồng tiền thanh toán. Trong khi tổng mức đầu tư và các khoản vay đầu tư đều được tính bằng USD, đoàn thương thảo hợp đồng do ông Trần Xuân Đính làm trưởng đoàn đã thiếu trách nhiệm, chấp nhận thanh toán bằng đồng euro dẫn đến hậu quả tăng chi phí thanh toán hợp đồng lên tương đương 540 tỉ đồng. Trách nhiệm này không chỉ có riêng ông Trần Xuân Đính cùng các cộng sự mà còn có Bộ Xây dựng, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Quảng Bình với trách nhiệm gián tiếp tham gia đàm phán.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Cosevco lựa chọn sai đồng tiền thanh toán làm tăng chi phí đầu tư mà việc làm này cũng đã từng được áp dụng đối với hợp đồng cung cấp dây chuyền thiết bị Nhà máy gỗ MDF được ký kết với Hãng Maschinenfabrik J.Diffenbacher GmbH&C. Hậu quả của việc ông Trần Xuân Đính chỉ đạo thanh toán chuyển từ USD sang euro đã gây thất thoát gần 50 tỉ đồng (Thanh Niên đã từng phản ánh).

Nhưng không chỉ có thế... (Còn tiếp)

VPMT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.