Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 9: Người giữ nghề “độc” ở Hà Tiên

03/07/2013 00:20 GMT+7

Hà Tiên một thời nổi danh với đồi mồi, huyền phách. Theo thời gian nghề xưa nay lụi tàn, số người nặng lòng nghiệp tổ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hà Tiên một thời nổi danh với đồi mồi, huyền phách. Theo thời gian nghề xưa nay lụi tàn, số người nặng lòng nghiệp tổ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nghề xưa mai một

Những thập niên trước, các mặt hàng làm từ huyền (khoáng sản có cấu tạo, hình dáng gần giống như than đá, nhưng cứng hơn than đá) như xâu chuỗi, vòng đeo tay... là thứ xa xỉ dành cho giới lắm tiền. Kiểu dáng chúng sang trọng, màu sắc bóng ngần được các quý bà, tiểu thư ưa chuộng vì nhìn trang nhã, quý phái. Lúc ấy thợ thầy làm nghề huyền rất được trọng dụng, sống dư dả. Nghề huyền chỉ bí truyền trong dòng tộc, hiếm khi thợ thầy hé môi tiết lộ kỹ thuật chế tác. Những họ Phạm, Hồng, Trần... rất nổi tiếng trong chế tác kinh doanh huyền phách.

Các sản phẩm từ huyền - 1
Các sản phẩm từ huyền - Ảnh: T.D 

Nhưng theo thời gian cùng loạn lạc, nghề xưa tàn lụi dần. Lớp thợ đỉnh trong nghề đã đi vào lòng đất, lớp trẻ lại chẳng mấy mặn mà với nghề cha ông. Ngày xưa nhắc đến thợ huyền nhiều người kiêu hãnh khoe tay nghề, còn nay người ta chỉ im lặng. Họ bảo đất Hà Tiên này chỉ còn mỗi ông Trần Chí Thông, chủ cơ sở chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ huyền Hà Tiên tại số 59, Lam Sơn, P.Bình San, TX.Hà Tiên, Kiên Giang là còn gắn bó với nghề.

Ông Thông, 53 tuổi, trầm ngâm kể nghề huyền chỉ có ở Hà Tiên nhưng không biết từ lúc nào, ai là tổ của nghề. Theo ông, nghề huyền tàn lụi vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân chính là thiếu nguyên liệu. Ngày xưa Phú Quốc là mỏ huyền nhưng mỏ cũ khai thác đã cạn, còn sau này có mỏ huyền mới thì lớp đời sau không đủ tinh tế để nhận ra. Ông Thông giải thích huyền phách là kết tinh của đá đen, nằm vùi trong lòng cát. Vì thế nhìn được mỏ huyền phải là người có con mắt tinh tường, huyền càng già càng có giá trị chế tác. Huyền có giá trị vì người đời quan niệm đeo chúng trừ tà, bình an. Huyền - như tên gọi - đen từ trong ra ngoài, khi đeo lâu bị mờ ố, chùi lại càng sáng bóng. Vì huyền nằm sâu trong lòng đất nên khai thác huyền phải vào mùa khô, còn mùa mưa đào hầm lấy huyền dễ sập gây tai nạn.

Ông Thông là truyền nhân cuối cùng của nghề huyền - 2
Ông Thông là truyền nhân cuối cùng của nghề huyền - Ảnh: T.D

Ông Thông tự hào, vào thời hoàng kim của nghề huyền, ông nội ông là Trần Thanh Sơn và bà ngoại là Hồng Thị Phụng đã sang tận Campuchia mở cửa hàng bán huyền phách rất được người dân bản địa và Việt kiều ưa chuộng. Còn trong nước thì mặt hàng huyền được bán ở Sài Gòn, miền Trung... Lúc đó đơn đặt hàng tới tấp.

Tới năm 1980 thì nghề huyền tàn dần, thêm vào đó nhiều người lợi dụng dùng vật liệu thường để chế các vòng đeo tay, dây chuyền đeo không lâu mất màu nên người ta càng mất lòng tin với huyền. Thợ thầy chán nản bỏ nghề, vật liệu khan hiếm nên nghề huyền gần như bị cáo chung.

Để lại sách cho đời

Không đành lòng nhìn nghề danh giá một thời bị lãng quên, ông Thông cố gắng cầm cự với nghề. Ông nói rất may nguyên liệu huyền phách thô ngày xưa tổ tiên còn chôn giấu khá nhiều, đủ cho ông chế tác. Năm 2007, ông Thông mở lại cơ sở, thu nhận học trò dạy nghề huyền với hy vọng còn truyền nhân nối dõi.

Theo ông Thông, bây giờ để có nguyên liệu huyền phách phải qua Lào mua, giá rất đắt đỏ, vận chuyển khó khăn nên nghề huyền càng bế tắc. Ông cho biết huyền rất giòn dễ bể, gãy nên thợ thầy làm thủ công phải nhẫn nại đục đẽo tỉ mỉ, lỡ tay làm trầy xước hay bị mẻ, bể là quăng bỏ huyền. Cho nên ngày xưa chỉ làm được các vòng đeo tay, đeo cổ, tràng hạt. Huyền rất khó tính, gặp hơi nóng thì bể nứt, gặp gió bấc thì bị khô giòn... Sản phẩm huyền nay khá đắt, một vòng đeo cổ có thể trị giá vài triệu bạc, còn các mặt hàng khác rẻ cũng vài trăm ngàn đồng.

Ông Thông khoe nếu ngày xưa cha ông chỉ chế tác được vài sản phẩm thì nay qua nghiên cứu, ông đã chế tác được nhiều mặt hàng từ huyền như cà rá, tượng Phật, tượng ông Địa, bông tai... Tuy nói vậy nhưng ông Thông lại thoáng buồn vì hiện nay theo nghề huyền chẳng còn mấy ai. Ông tâm sự: “Tôi có dạy huyền nhưng lớp trẻ học vài ngày là chán, chúng chẳng thiết tha với nghề xưa. Nghề này đòi hỏi sự cẩn trọng, yêu nghề nhưng đã chán thì miễn cưỡng học cũng chẳng tới đâu. Tôi sợ rồi đây nghề huyền Hà Tiên chỉ còn là chuyện xưa tích cũ”.

Ông Trần Phỉnh Chu, một nhà nghiên cứu từng về làng nghề Hà Tiên khi còn minh mẫn để tiếp xúc với các thợ thầy từng gắn bó với nghề huyền, những người am tường về nghề để viết sách nghề huyền Hà Tiên. Ông Chu hy vọng trong tình huống xấu nhất nếu nghề huyền mai một thì những quyển sách mà ông biên chép sẽ gợi nhớ cho đời sau về nghề xưa từng vang bóng một thời.

Cùng với nghề huyền, nghề đồi mồi cũng mai một dần ở Hà Tiên. Ngày xưa thương hiệu Hà Tiên đồi mồi nổi tiếng cả Nam kỳ lục tỉnh, sản phẩm được quý bà trong nước, du khách phương Tây ưa chuộng... Các sản vật đồi mồi ngày càng đắt giá. 1 cây lược giá 280.000 đồng; quạt tay khoảng 2 tấc 700.000 - 800.000 đồng/cây, quạt 2,2 tấc giá từ 1 - 1,1 triệu đồng/cây, gọng kính 600.000 đồng/cái, bóp nữ 1,8 triệu đồng/cái; hộp nữ trang từ 400.000 - 800.000 đồng/cái, đồi mồi nhỏ làm từ vảy đồi mồi giá 1 triệu đồng/con…

Thanh Dũng

>> Sống lại nghề xưa - Kỳ 3: Sen giấy thất truyền lại nở hoa
>> Sống lại nghề xưa - Kỳ 2: Hồi sinh pháp lam Huế
>> Sống lại nghề xưa - Người mang thổ cẩm đi Tây
>> 20 nghệ nhân đúc cặp lư đồng 400 kg

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.