Những UAV 'tí hon' khiến 'gã khổng lồ' xe tăng lép vế?

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
22/04/2024 18:58 GMT+7

Khi máy bay không người lái (UAV) ngày càng nguy hiểm và đa dụng, ngay cả loại xe tăng chủ lực hàng triệu USD của Mỹ cũng có thể bị vô hiệu hóa trước những vũ khí rẻ hơn rất nhiều.

Khả năng thực chiến của những UAV trên chiến trường Ukraine đang định hình lại chiến tranh hiện đại, khi những chiếc xe tăng từng là biểu tượng thị uy của các nền quân sự trên thế giới nay lại mang nhiều nhược điểm khi phải đối đầu với những vũ khí nhỏ bé, linh hoạt.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong hai tháng qua, quân đội Nga đã phá hủy 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams mà Lầu Năm Góc gửi tới Ukraine vào năm ngoái. Đại tá Markus Reisner, cựu sĩ quan trinh sát thiết giáp người Áo, nhà quan sát tình hình vũ khí được sử dụng và thất lạc trong xung đột ở Ukraine, cho biết ít nhất ba chiếc M1 Abrams khác đã bị hư hại kể từ khi loại xe tăng này được đưa ra tiền tuyến vào đầu năm nay, theo New York Times.

Nga đã diệt 5 xe tăng M1 Abrams tại Ukraine trong 2 tháng

Chuyên trang phân tích quân sự Oryx đã thống kê thiệt hại dựa trên bằng chứng trực quan, cho biết có 796 xe tăng chủ lực của Ukraine bị phá hủy, thu giữ hoặc bỏ lại trên chiến trường kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 2.2022. Đa số trong đó là xe tăng do Liên Xô cũ, Nga hoặc Ukraine sản xuất, chỉ có khoảng 140 xe tăng trong số này được các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ. Trong khi đó, Nga đến nay đã tổn thất hơn 2.900 xe tăng, theo thống kê của Oryx, dù phía Ukraine tuyên bố con số tổn thất của Moscow là hơn 7.000 chiếc.

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO năm 2021

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO năm 2021

REUTERS

Dù là M1 Abrams của Mỹ hay những chiếc Leopard mà Đức chuyển cho Ukraine, xe tăng đang bị tiêu diệt bằng UAV phát nổ dễ hơn nhận định ban đầu của các chuyên gia.

Thất thế trước những “sát thủ diệt tăng”

Hỏa lực của xe tăng là điều không bàn cãi, song loại thiết giáp này không “bất tử” và có thể bị xuyên thủng ở những nơi lớp giáp mỏng nhất, bao gồm phần trên cùng, khối động cơ phía sau và khoảng hở giữa thân xe và tháp pháo.

Trong nhiều năm, xe tăng luôn là mục tiêu dễ bị tấn công bởi mìn, thiết bị nổ tự chế và tên lửa chống tăng, cũng là những vũ khí được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu xung đột Nga - Ukraine.

Đến khi UAV tấn công xuất kích, những hạn chế của xe tăng càng bị lộ rõ. Đặc biệt là những UAV cảm tử FPV có thể được trang bị camera thời gian thực, giúp người điều khiển có thể nhắm vào những vị trí trọng yếu của xe tăng.

Trong một số trường hợp, FPV được dùng để “kết liễu” những xe tăng không thể rời chiến trường để sửa chữa do trúng mìn hoặc tên lửa trước đó. Tùy vào kích cỡ và độ phức tạp, đôi khi được trang bị đạn chống tăng hoặc đạn nổ xuyên giáp, những UAV có thể chỉ tốn 500 USD nhưng mang khả năng phá hủy những chiếc Abrams 10 triệu USD của Mỹ.

Nga khoe chiến lợi phẩm xe tăng Leopard 2A6 hiện đại

Khó được bảo vệ

Trong vài tuần sau khi nhận xe tăng Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng: “Rất khó để tôi nói chúng đóng vai trò quan trọng nhất trên chiến trường. Số lượng xe tăng là rất ít”. Một số quan chức và chuyên gia từng nghĩ rằng các chỉ huy Ukraine sẽ lên kế hoạch để dành Abrams cho những chiến dịch vào năm sau, khi việc mang ra chiến trường có thể khiến Kyiv dễ tổn thất những xe tăng vốn đã hạn chế về số lượng.

Song những chiếc xe tăng này cũng đã được triển khai vào đầu năm nay cùng với Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine do Mỹ huấn luyện. Quân đội Ukraine đã tìm cách giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka - một thành trì ở khu vực phía đông Donbass, đã rơi vào tay quân đội Nga vào tháng 2 - nhưng bất thành.

Những UAV 'tí hon' khiến 'gã khổng lồ' xe tăng lép vế?- Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine đặt FPV được trang bị đạn nổ từ súng phóng lựu RPG-7

REUTERS

Đại tá Reisner cho biết máy bay không người lái, bao gồm cả FPV, có thể đã tiêu diệt xe tăng Abrams vì Lữ đoàn 47 dường như không có sự hỗ trợ của các hệ thống phòng không tầm ngắn như pháo tự hành Gepard của Đức.

Ông nói Ukraine đang thiếu hụt khí tài phòng không, do đó những vũ khí phòng không tầm ngắn như Gepard, vốn được đưa ra tiền tuyến, nay phải được sử dụng để bảo vệ thành phố và những hạ tầng trọng yếu. Gói viện trợ Ukraine mới được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 20.4 có thể phần nào bù đắp những thiếu hụt này.

Theo lời một số binh sĩ Ukraine, họ hiếm khi sử dụng tên lửa đất đối không hay các vũ khí phòng không khác để đối phó với FPV, vì chúng được ưu tiên bắn hạ máy bay chiến đấu và trực thăng. Một số chuyên gia cũng nghi ngờ hiệu quả của hệ thống phòng không, khi những UAV có kích thước nhỏ và bay nhanh nên khó bị bắn trúng hay bị radar phát hiện.

FPV có thể bị ngăn chặn bằng thiết bị gây nhiễu. Một số FPV đã bị vô hiệu hóa bởi súng ngắn hay thậm chí là bị bắt bằng lưới đánh cá. “Ở giai đoạn này, phương tiện hiệu quả nhất để đánh bại FPV là tác chiến điện tử và nhiều loại bảo vệ thụ động”, bao gồm lắp thêm giáp cho xe tăng, theo chuyên gia Michael Kofman từ trung tâm nghiên cứu Carnegie vì Hòa bình quốc tế (có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ).

Theo ông David M. van Weel, trợ lý tổng thư ký NATO về chiến tranh mới nổi, một số quân đội trên thế giới đã thử nghiệm dùng tia laser để bắn hạ UAV. Đây được xem như giải pháp hiệu quả do vũ khí dùng năng lượng này có giá thành rẻ và nguồn cung lớn hơn đạn dược truyền thống, với khả năng bắn trúng các mục tiêu nhỏ như UAV. Tuy nhiên, như mọi hình thái tác chiến hiện đại, chỉ là vấn đề thời gian trước khi xuất hiện những cách khắc chế vũ khí laser, ông van Weel nói trong buổi phỏng vấn ngày 19.4.

Dù ảnh hưởng của tăng thiết giáp không còn lớn như thời hoàng kim của chúng vào thế kỷ trước, UAV cũng chưa thể khiến các xe tăng của Mỹ và châu Âu hoàn toàn "thất sủng". Ông Markus Reisner nói đây vẫn là vũ khí nguy hiểm nhất trong tác chiến trên bộ, và là nguồn lực cần có để chiếm giữ địa hình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.