Những việc cần làm sau khi hoàn tất đăng ký dự thi

16/04/2008 14:13 GMT+7

(TNO) Chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn trực tuyến lần thứ 17 của mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2008 trên Thanhnien Online vào lúc 15h ngày 18.4. Khách mời của chương trình có TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐH Quốc gia TP.HCM và PGS-TSKH Trần Hữu Tá - nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tư vấn cho thí sinh những việc cần làm trong giai đoạn này, thời điểm đã hoàn tất việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ.

Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến quy chế tuyển sinh, đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2008 cũng đã được các khách mời trả lời đầy đủ cho các bạn học sinh.

* Sau khi het han nop ho so (17.4) thi co duoc thay doi cac chi tiet trong ho so hoac co the nop ho so nua co duoc khong? (nguyen trung thuc, 19 tuổi, Nam, lop 12/16 truong thpt bc thai phien_thang binh_quang nam, hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐH Quốc gia TP.HCM: Trên nguyên tắc sau ngày 17.4 các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT không được phép nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Những sai sót trên hồ sơ đăng ký dự thi thể hiện trên giấy báo thi sẽ được chỉnh sửa tại phòng đào tạo tại trường của thí sinh đăng ký dự thi, chậm nhất trước buổi thi cuối cùng. Khi chỉnh sửa giấy báo thi, thí sinh nhớ mang theo phiếu số 2 và các giấy tờ tùy thân cần thiết.

* Cho em hỏi là những học sinh thi trượt tốt nghiệp năm ngoái, năm nay mà vẫn thi trượt thì có trường học nào nhận không ạ? Nếu có thì học xong có được công nhận là đã đỗ tốt nghiệp không ạ? (đỗ tuấn thành, 19 tuổi, Nam, hợp đồng - chương mỹ - hà tây, học sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đối với những thí sinh đã trượt tốt nghiệp năm ngoái, năm nay phải thi lại tốt nghiệp THPT. Nếu năm nay vẫn tiếp tục thi trượt, em vẫn còn cơ hội để được xét tuyển vào các trường trung cấp.

* Em bi mat to phieu so 2 khong biet co anh huong gi toi viec du thi dai hoc sau nay khong? Lam the nao de em co the nhan lai phieu nay? (tran dung, 19 tuổi, Nữ, ha noi, hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Phiếu số 2 dùng để xuất trình khi thí sinh nhận giấy báo thi hoặc đề nghị chỉnh sửa các sai sót trên giấy báo thi. Trong phòng thi, thí sinh chỉ cần xuất trình giấy báo thi và một giấy tùy thân có dán ảnh (ví dụ: CMND) và bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông tạm thời.

* Cac thay oi cho em hoi co phai nam nay de thi mon toan co mot phan trac nghiem phai khong a? (mai, 19 tuổi, Nữ, hai phong, hoc sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá - nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Thi môn Toán năm nay không thi trắc nghiệm, chỉ thi tự luận. Dự án thi đại học sang năm (2009) môn Toán sẽ thi trắc nghiệm. Nói rộng ra, trong kỳ thi đó chỉ có môn Văn vừa thi tự luận vừa thi trắc nghiệm, còn các môn khác đều thi trắc nghiệm.

* Em có được nộp 2 bộ hồ sơ vào 1 trường ĐH (1 bộ hệ ĐH, 1 bộ hệ CĐ) có cùng khối thi, cùng ngành thi? Nếu không trúng tuyển NV1, nhưng đạt điểm hệ CĐ, thì hệ CĐ có xét tuyển không? (Nguyễn Văn Thành, 18 tuổi, Nam, TP HCM, Học sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Hệ CĐ nằm trong trường ĐH sẽ không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển từ kết quả thi ĐH. Nếu thí sinh chỉ muốn học hệ CĐ của trường ĐH này thì thí sinh sẽ ghi nguyện vọng CĐ này ở mục số 3 trong hồ sơ ĐKDT và tại mục số 2 thí sinh sẽ ghi tên trường ĐH đó với khối thi trùng với khối thi ở mục 3.

Trường hợp thứ 2: Thí sinh chỉ ghi ngành ĐH ở mục số 2 và bỏ trống mục số 3 thì khi không trúng tuyển vào ngành ĐH này, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào hệ CĐ cùng trường khi đạt điều kiện về điểm sàn.

Đại diện báo Thanh Niên (trái), tặng hoa cho khách mời tham dự chương trình. Ảnh Khả Hòa

* Thua thay, luc nay em nen phan chia thoi gian hoc tap nhu the nao de dat duoc muc dich vua tot nghiep tot nghiep, vua co the thi dau DH? (Le Thi Xuan Hoa, 18 tuổi, Nam, Quan 3, TPHCM, Hoc sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá: Như em đã rõ, có 2 kỳ thi. Cuối tháng 5 là thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, hơn 1 tháng sẽ là kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhiều em quá tập trung vào việc chuẩn bị thi ĐH mà quên mất một vấn đề đơn giản nhưng cơ bản: chỉ những ai tốt nghiệp THPT mới được dự thi ĐH.

Vì vậy, theo ý thầy, từ nay cho đến cuối tháng 5, em nên tập trung ôn luyện 6 môn thi mà Bộ công bố hồi cuối tháng 3. Chuẩn bị tốt 6 môn đó, đồng thời cũng là chuẩn bị một phần cho thi ĐH, dù sẽ thi vào khối A, B, C, D hoặc bất cứ khối nào khác.

Đến đầu tháng 6, sau một vài ngày nghỉ ngơi, em có thể bắt tay vào chuẩn bị cho 3 môn thi ĐH. Việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT như thầy nói ở trên cũng đã góp phần giúp em chuẩn bị bước đầu cho thi ĐH rồi đấy. Chúc em thành công trong cả 2 kỳ thi!

* Em đăng kí dự thi NV1 vào trường HV Ngân hàng, vậy nếu em trượt NV1 thì em có được xét tuyển NV2 vào các trường ĐH khác hay không? (anh nam, 19 tuổi, Nam, tp Việt Trì -Phú thọ, hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Khi thí sinh không trúng tuyển NV1, nếu đạt các điều kiện về điểm sàn và các điều kiện xét tuyển NV2 của các ngành, các trường cùng khối thi thì thí sinh hoàn toàn có thể xin đăng ký xét tuyển NV2. Phiếu đăng ký xét tuyển NV2 chính là phiếu điểm số 1 của thí sinh và phải nộp cho trường đăng ký xét tuyển NV2 trước ngày 10.9.2008.

* Thưa thầy, năm nay Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường tuyển sinh có kế hoạch như thế nào trong việc giải quyết tình trạng quá ùn tắc giao thông cũng như hướng dẫn thí sinh không ạ? (Tô Nguyễn Như Loan, 18 tuổi, Nữ, Gia Lai, SV)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Trước ngày thi Bộ GD-ĐT gửi các công văn đến các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ GTVT, Điện lực... để các cơ quan này hỗ trợ bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Trong những ngày này, cảnh sát giao thông được tăng cường để bảo đảm trật tự giao thông, đặc biệt là trước các điểm thi. Hàng năm, Báo Thanh Niên có kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, đoàn thanh niên tổ chức các nhóm tình nguyện viên để hỗ trợ cho thí sinh trong các ngày thi.

* Em là thí sinh tự do, em nộp hồ sơ tại trường (hồ sơ có kèm 3 phong bì có dán tem), hỏi em phải nhận giấy báo dự thi tại trường hay tại nhà? (do van quan, 19 tuổi, Nam, HOC SINH)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Trên nguyên tắc, thí sinh nộp hồ sơ ở đâu thì sẽ nhận giấy báo thi, giấy báo điểm (và giấy báo trúng tuyển nếu có) ở nơi đó. Tuy nhiên, nếu thí sinh có thỏa thuận với điểm nhận hồ sơ thì thí sinh có thể nhận các giấy tờ nói trên tại địa chỉ đã thỏa thuận.

* Con tôi đã nộp đơn dự thi ngành Cơ - Điện tử trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM. Gia đình có NV đưa cháu vào TP.HCM để dự thi. Tôi không hiểu lý do tại sao nhà trường lại chuyển cháu dự thi tại điểm thi tại Qui Nhơn? Hồ sơ cháu đã điền đúng (dự thi tại điểm thi TP.HCM). Cháu đang học lớp 12A5 Nguyễn Chí Thanh, TP Pleiku. Xin quí thầy cô cho biết cháu có được dự thi tại điểm thi trên hay không? (Nguyễn Anh Dũng, 47 tuổi, Nam, 116 Huỳnh Thúc Kháng TP Pleiku, Kỹ sư Cơ khí Chế tạo máy)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Những thí sinh có hộ khẩu tại Gia Lai và đã thi tốt nghiệp THPT tại Gia Lai, khi thi vào các trường ĐH tại TP.HCM sẽ đến Qui Nhơn để thi. Tuy nhiên, nếu thí sinh có nguyện vọng thi tại TP.HCM thì khi nhận được giấy báo thi phải "nhanh chóng" đến Phòng Đào tạo của trường đăng ký dự thi để được xem xét xếp thi tại TP.HCM.

* Theo cac thay, em co nen theo cac lop on luyen, phu dao ma cac truong bat hoc khong? Vi nhung lop nay qua mat thi gio ma doi luc chua hieu qua lam. (Truong The Quang, 18 tuổi, Nam, Quan Binh Thanh, TPHCM, Hoc sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá: Thầy chưa rõ em đang học chính thức tại một trường THPT nào hay là dạng thí sinh tự do. Nếu đang học một trường THPT nào đấy, thầy khuyên em nên dự đầy đủ các buổi ôn luyện do nhà trường quy định. Quen lớp, quen bạn, quen thầy... đấy là những điều kiện rất quan trọng để tạo một không khí học tập thuận lợi. Nếu có chỗ nào không hiểu, em có thể trao đổi với một bạn nào đấy mà em biết là giỏi hơn em hoặc có thể chủ động hỏi thầy cô đang giúp mình ôn luyện.

Với tư cách là một nhà giáo, thầy tin chắc tất cả các thầy cô đang làm nhiệm vụ ôn luyện cho học sinh của mình chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT đều sẽ sẵn sàng, nhiệt tình giúp em học hỏi để nắm vững những kiến thức cần thiết. Ngoài ra, em nên tự xây dựng cho mình một kế hoạch ôn luyện riêng, cụ thể, chi tiết cho từng tuần, thậm chí từng ngày. Buổi nào ôn môn gì, bài gì. Nếu xây dựng được kế hoạch đó, em sẽ rất chủ động trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tới.

Sau đó, em chuẩn bị cho kỳ thi ĐH. Việc chuẩn bị này tốt nhất vẫn là một kế hoạch cụ thể cho cá nhân mình, với nỗ lực của bản thân hoặc với cách học nhóm vài ba người - những người bạn thân thiết của em ở lớp 12. Có nhiều em, có thể do thiếu tự tin, có thể chạy theo phong trào cho nên đăng ký học ở trung tâm này, lò luyện thi khác. Thực tế cho biết, cách học ấy vừa tốn tiền vừa mất thời giờ, hiệu quả rất thấp.

Em nên nhớ, nội dung thi ĐH cũng chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần lớp 11 chứ không có cái gì cao xa, vượt tầm. Quy cách làm bài thi ĐH về cơ bản cũng không khác gì bài thi THPT. Khác nhau chỉ ở chỗ trong kỳ thi em chỉ cần đạt điểm trung bình (30 điểm cho 6 môn thi), còn thi ĐH thì phải phấn đấu để chất lượng bài làm cao hơn, tổng số điểm phải vượt trội hơn các bạn khác. Cho nên thầy nhắc lại, em nên hết sức chú ý đề cao tinh thần phấn đấu, nỗ lực chủ quan. Chắc chắn cả hai kỳ thi sẽ đạt được một kết quả rất tích cực.

PGS-TSKH Trần Hữu Tá (phải) đang tư vấn cho các thí sinh.
Ảnh Khả Hòa

* Em toi co nop ho so thi khoi B tai truong Khoa hoc Hue cho truong nhung khong nhan nen da gui theo duong buu dien, vay xin hoi truong co nhan theo duong buu dien khong va neu khong nhan thi co gui lai ho so khong? (phan thi huong, 30 tuổi, Nữ, hoa cuong nam, hai chau, da nang, can bo)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Trên nguyên tắc, các trường ĐH không nhận hồ sơ ĐKDT qua đường bưu điện (vì liên quan đến lệ phí đăng ký dự thi). Tuy nhiên, trên tinh thần nhân đạo, thường thì các trường ĐH-CĐ cũng làm giấy báo thi cho các thí sinh gửi hồ sơ qua đường bưu điện và có lưu ý những thí sinh này phải nộp lệ phí ĐKDT tại phòng thi. 

* Nop ho so thi nho truong can luu y diem gi? (vo cuc, 22 tuổi, Nam, hatinh, hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đối với các thí sinh có nguyện vọng tại các trường không tổ chức thi thì sẽ chọn một trường có cùng khối thi để thi nhờ. Trường thi nhờ sẽ in giấy báo thi, tổ chức thi, chấm thi và chuyển kết quả thi của thí sinh đến trường mà thí sinh có nguyện vọng học để xét tuyển.

* Cho em hỏi ngành thư viện thông tin sau khi học xong ở trường cao đẳng thì có thể làm việc ở đâu, làm gì, lương của ngành này có cao không ạ? (vo thi phuoc, 20 tuổi, Nữ, hai lang, quang tri, hoc sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá: Tốt nghiệp ngành Thư viện thông tin, cửa vào đời của em rộng mở. Em có thể đăng ký xin làm việc ở các thư viện cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố hoặc thư viện của các trường học, các sở, ban, ngành. Em cũng có thể xin vào làm việc ở các sở Văn hóa - Thông tin.

Hiện nay, theo như thầy biết, những cơ sở nói trên đang thiếu những người thực sự có chuyên môn. Cho nên, nếu học chăm chỉ, tích lũy kiến thức chuyên môn tốt, chắc chắn em sẽ được tuyển dụng.

Còn như lương bổng, theo thầy biết, trước mắt cán bộ ngành này cũng như nhiều ngành văn hóa khác, sự đãi ngộ chưa phải là cao. Nhưng "nước nổi, thuyền nổi", em đừng quá băn khoăn, suy nghĩ về vấn đề này.

* Theo quy chế tuyến sinh 2008 thì thời gian nhập ngũ đến thời gian xuất ngũ la bao nhiêu tháng thì được hưởng ưu tiên, em hoàn thành nghĩa vu quân sự 16 tháng có được hưởng ưu tiên không?? (nguyễn đoàn đông, 21 tuổi, Nam, hà tây, không)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Các quân nhân có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên sau khi xuất ngũ trong vòng 18 tháng được hưởng ưu tiên theo đối tượng 3 (nhóm ưu tiên 1, được hạ 1 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường).

* Thưa thầy cho em hỏi: đề thi đại học khối A năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có nâng độ khó lên không hay là vẫn giữ mức độ khó giống như năm ngoái, và khi nào trường sẽ gửi giấy báo dự thi về ạ? (phan văn ti, 19 tuổi, Nam, 53_lê hồng phong_hoai ân_bình định, học sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đề thi ĐH-CĐ nhằm mục đích xét tuyển do số thí sinh đăng ký dự thi cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh, vì vậy cần phải có một độ khó nhất định để phân loại thí sinh. Chúng tôi nghĩ rằng hiện không có chủ trương nâng độ khó đề thi vì trong những năm vừa qua, điểm sàn xét tuyển của các khối thi chưa phải là quá cao, thường thấp hơn 15 điểm.

Sau ngày 7.5.2008, các trường ĐH, CĐ mới nhận đầy đủ dữ liệu và hồ sơ ĐKDT của thí sinh và tiến hành làm giấy báo thi. Thí sinh sẽ nhận được giấy báo thi vào khoảng đầu tháng 6.

TS Nguyễn Đức Nghĩa (trái), đang tư vấn trực tuyến cho các thí sinh. Ảnh Khả Hòa

* Theo em duoc biet thi khi lay phieu bao danh thi phai xuat trinh phieu so 2 phai khong a? Va khi vao phong thi ngoai phieu bao danh, CMND thi co can xuat trinh bang tot nghiep doi voi hoc sinh da tot nghiep va giay chumg nhan tot nghiep tam thoi doi voi hoc sinh vua thi tot nghiep nam nay khong a? (thao nguyen, 18 tuổi, Nữ, binh trung dong _ q.2_tphcm, hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Khi phát giấy báo thi thường các nơi thu nhận hồ sơ yêu cầu thí sinh xuất trình phiếu số 2 (có thể kèm theo giấy tờ tùy thân nhằm tránh việc nhận giùm và kiện cáo sau này). Trong phòng thi, ngoài giấy báo thi có dán ảnh, thí sinh còn phải xuất trình một giấy tờ tùy thân khác có dán ảnh (CMND, thẻ học sinh) và bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông (đối với những thí sinh mới tốt nghiệp).

* Em co nghe tin cac trung tam luyen thi DH nam nay it hoc sinh di luyen thi. Co phai vi chat luong luyen thi khong tot hay khong? Em dang rat phan van vi khong biet co nen ve TP.HCM de luyen thi hay khong (em da tot nghiep THPT nam ngoai va sau do da thi DH mot lan nhung thi hong). (Nguyen Thi Minh Thu, 19 tuổi, Nữ, Phan Thiet, Binh Thuan, Hoc sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá: Có một tình hình thực tế, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh thường hay đổ dồn về 2 trung tâm luyện thi lớn: Hà Nội và TP.HCM. Cả 2 nơi trong những ngày này, các trung tâm luyện thi xuất hiện rất nhiều. Không phủ nhận một số trung tâm được tổ chức quy củ, thầy dạy có trình độ. Nhưng đa số trung tâm đều được tổ chức theo kiểu chụp giựt, chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận từ những em học sinh ngây thơ, ít hiểu biết. Học ở những nơi này, như báo chí đã phản ánh, đúng là "tiền mất, tật mang". Số học sinh trong từng lớp đông tới vài ba trăm, ngồi theo kiểu lèn cá hộp. Giảng viên cứ việc giảng, học viên ai ghi được thì ghi, ai ngồi đằng sau không ghi được cũng mặc kệ. Có thắc mắc cũng không thể hỏi thầy. Chỉ ôn lý thuyết và được chỉ vẽ một số bài mẫu. Học như thế làm sao mà có chất lượng?

Thầy khuyên các em sau khi tốt nghiệp THPT, cứ bình tĩnh ở lại địa phương, xây dựng một kế hoạch ôn tập cho riêng mình dựa vào những điều đã được học ở lớp 12 và một phần lớp 11. Sách giáo khoa, vở ghi bài và một số sách tham khảo có chất lượng... đó là những công cụ cần thiết. Để không khí học tập đỡ buồn tẻ, và có điều kiện học hỏi nhau, các em nên tổ chức học nhóm, không nên đông, chỉ nên 3 - 4 người. Chỗ nào không hiểu, ghi lại và phân công người đến xin ý kiến chỉ dạy của thầy cô đã dạy mình ở lớp 12.

Nếu chưa đủ tự tin, và muốn được hệ thống hóa kiến thức một cách bài bản hơn, các em có thể mời thầy cô nào mà các em đánh giá là dạy có chất lượng hơn cả ở lớp 12 đến giảng. Một lớp luyện thi chừng 10 - 15 người, về 1 - 2 môn sẽ thi, mỗi tuần chừng vài ba buổi. Cách tổ chức gọn nhẹ như thế chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn việc các em lặn lội về Hà Nội, TP.HCM. Như thế tiết kiệm hơn, và điều quan trọng là hiệu quả hơn.

* Em có KT3 tại TP.HCM. Em thuộc KV2NT, vậy em ký hồ sơ ở KV có KT3 thì hưởng quyền lợi như thế nào khi thi dai hoc? (thụy du, 20 tuổi, Nam, pp1ter,ba vì,p15,q10,tp hcm, hs)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Ưu tiên khu vực cho thí sinh căn cứ theo nơi thí sinh học bậc THPT lâu nhất hoặc nơi thi tốt nghiệp THPT chứ không phụ thuộc vào nơi xác nhận hồ sơ đăng ký dự thi.

* Em nộp 2 bộ hồ sơ ở hai ngành, hai khối nhưng cùng một trường thì có được thi 2 đợt không ạ? (Nguyễn Hữu Đức, 19 tuổi, Nam, Hà Tĩnh, học sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đợt thi thứ nhất (ngày 4 & 5.7.2008) dành cho các trường ĐH thi khối A & V, đợt thi thứ 2 (ngày 9 & 10.7.2008) dành cho các trường ĐH thi các khối B, C, D và các khối còn lại. Nếu thí sinh nộp 2 bộ hồ sơ ở các khối thi nằm trong các đợt thi khác nhau thì hoàn toàn có thể dự thi cả 2 đợt đó. 

* Thi sinh muon nop ho so vao cac truong cao dang khong to chuc thi tuyen, ma chi xet tuyen thi ho so nop nhu the nao va vao thoi diem nao? (Ha Khoi, 18 tuổi, Nam, 14 Luong Huu Khanh Q1, Hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Trường hợp 1: Thí sinh chỉ muốn học tại trường CĐ không tổ chức thi tuyển này thì thí sinh phải đăng ký dự thi nhờ tại một trường ĐH có cùng khối thi. Sau khi thi xong, kết quả thi của thí sinh sẽ được chuyển về trường CĐ không tổ chức thi để xét tuyển.

Trường hợp 2: Thí sinh đã dự thi vào một trường ĐH hoặc CĐ nhưng không trúng tuyển và điểm thi còn trên điểm sàn của khối thi do Bộ quy định có thể đăng ký xét tuyển theo NV2, NV3 vào trường CĐ không tổ chức thi.

Thời điểm xét tuyển NV2 từ ngày 25.8 - 10.9.2008 và NV3 từ ngày 15.9 - 30.9.2008. Phiếu đăng ký xét tuyển NV2 và NV3 chính là giấy báo điểm số 1 và số 2 của thí sinh.

Chăm chú tư vấn cho các thí sinh từng chi tiết nhỏ nhất. Ảnh Khả Hòa

* Trong de thi co phan tu chon, em lam ca 2 luon va deu dung 100% thi co bi coi la vi pham khong? (Tran van Tien, 18 tuổi, Nam, HCM, Hoc Sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá: Một số thí sinh thường ngộ nhận khi làm phần tự chọn: để cho "chắc ăn" thì tốt nhất làm cả 2 phần tự chọn. Đây là một cách xử lý tai hại, vừa mất thời gian, vừa vi phạm quy chế thi. Em nên xem lại những điều lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã quy định mà báo chí đã đăng tải nhiều lần và chắc chắn các thầy cô trong ban giám hiệu cũng như các thầy cô giáo viên bộ môn ở trường THPT mà em đang học đã dặn dò. Hãy dồn sức lực, thời gian làm cho tốt 1 trong 2 phần tự chọn.

Nếu còn dư thời gian ư? Em đừng vội thỏa mãn với bài đã làm, cũng đừng nên vội nộp bài xin ra về sớm. 55 năm trước, khi đi thi tú tài thầy cũng đã có tâm lý và cách hành xử dại dột như thế, cho nên đã phải trả giá rất đắt. May mà đó là trong kỳ thi thử ở trường chứ không phải kỳ thi quốc gia, cho nên không đến nỗi giẫm vào vỏ chuối. Em hãy đọc đi đọc lại bài làm của mình, đọc thật kỹ, chi li. Chắc chắn em sẽ phát hiện ra và chỉnh sửa được những lỗi mà do làm vội, do vô ý, do bộp chộp nên đã làm sai.

Nên nhớ, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, hơn thua nhau 1/2 điểm cũng rất có giá trị. Chỉ cần thêm 1/2 điểm có thể trúng tuyển, chỉ vì bị kém 1/2 điểm mà sẽ ôm hận.

Thầy chúc em hãy cẩn thận khi làm bài để đạt kết quả tốt!

* Em lo ghi sai ma nganh du thi, co the xin sua duoc khong? Xin cac thay chi cho em cach sua? (Ly Van Trung, 18 tuổi, Nam, Ninh Hoa, Khanh Hoa, Hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Việc chỉnh sửa các chi tiết trên giấy báo thi (họ và tên, ngày tháng năm sinh, mã ngành, mã trường...) phải được thực hiện trước ngày thi, chậm nhất là buổi thi cuối cùng. Để chỉnh sửa các sai sót trên giấy báo thi, thí sinh đến trực tiếp tại phòng đào tạo của trường đăng ký dự thi, mang theo phiếu số 2 và các giấy tờ tùy thân cần thiết. Riêng đối với thí sinh thi vào các trường ĐH đóng trên địa bàn TP.HCM nhưng ngồi thi tại các cụm thi Quy Nhơn, Cần Thơ có thể chỉnh sửa ngay tại điểm thi của mình.

* Cho em hoi mat giay chung minh nhan dan co duoc du thi dai hoc khong? (cao van thanh, 18 tuổi, Nam, tphcm, hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đối với các thí sinh thiếu thủ tục dự thi (mất giấy báo thi, CMND, bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời...) sẽ phải làm giấy cam đoan tại phòng thi, nhưng vẫn được dự thi bình thường.

* Em là thí sinh tự do, vì ngày hôm qua chưa nộp kịp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vậy em muốn hỏi là em có thể nộp hồ sơ ở đâu, thủ tục như thế nào, hiện em đang ở TP.HCM, không biết em nộp được ở đâu? (hoàng ngọc thạch, 19 tuổi, Nam, xã Nhơn Hoà, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, Học sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Theo quy định, hạn chót nộp hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ vào ngày 17.4.2008. Tuy nhiên nếu thực tế vì một lý do khách quan nào đó mà em chưa nộp được bất kỳ một bộ hồ sơ ĐKDT nào thì em liên hệ trực tiếp với trường ĐH, CĐ để được xem xét giải quyết.

* Em muốn hỏi là lúc làm hồ sơ đăng kí dự thi, em đăng kí khối A, nhưng khi có giấy báo dự thi em có thể sửa khối thi được không ạ? (nguyễn thu hiền, 18 tuổi, Nữ, bắc ninh, học sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Khi muốn chỉnh sửa các sai sót trên giấy báo thi, thí sinh phải mang theo phiếu số 2 và các giấy tờ tùy thân khác đến trường dự thi. Nếu các sai sót này thuộc về nơi nhận hồ sơ (nhập sai dữ liệu của thí sinh) thì trường ĐH, CĐ sẽ phải chỉnh sửa cho thí sinh. Trường hợp nhà trường nhập hoàn toàn đúng các dữ liệu mà thí sinh đã khai, nay thí sinh muốn chỉnh sửa lại thì phải nêu rõ lý do để nhà trường xem xét giải quyết.

* Em xin duoc hoi thay Ta: 1) Co nen tap trung nhieu thoi gian giai doan nay cho viec thi tot nghiep THPT khong? - 2) Ôn Van nen tap trung on luyen nhu the nao? (Ly Van Trung, 18 tuổi, Nam, Ninh Hoa, Khanh Hoa, Hoc sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá: Câu hỏi của em có 2 phần. Phần thứ 1 thầy đã trả lời cho một bạn ở trên, em chịu khó xem lại. Nói một cách vắn tắt, từ nay cho tới 27.5, em phải dồn hết thời gian, sức lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, có nghĩa là phải ôn tập tốt cả 6 môn. Việc ôn tập này như trên đã nói cũng có ích cho việc chuẩn bị thi ĐH.

Phần thứ 2, em hỏi thầy về việc ôn tập môn Văn. Một số điều thầy sắp trao đổi sau đây có thể các thầy cô dạy Văn ở lớp 12 của em cũng đã căn dặn các em.

Đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm gọn trong chương trình lớp 12. Người ra đề sẽ không hỏi riêng về lý luận văn học, cũng không có đề về nghị luận xã hội. Em hãy xem kỹ SGK (những tác phẩm văn học được trích giảng, những phần trình bày về văn học sử như: đặc điểm, thành tựu của giai đoạn văn học; tiểu sử, sự nghiệp văn học của từng tác gia; giá trị về nội dung và nghệ thuật của những tác phẩm tiêu biểu). Em nên kết hợp xem lại bài ghi lời giảng của các thầy cô, đọc lại những bài văn của mình để thêm một lần nữa rút kinh nghiệm về chỗ ưu chỗ khuyết, cái mạnh cái yếu trong việc viết văn của bản thân. Em nên tham khảo thêm một số cuốn sách của NXB Trẻ trong tủ sách Văn học nhà trường như: các cuốn sách về các tác gia tiêu biểu (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nam Cao, Xuân Diệu...), những cuốn này không dày lắm, chỉ khoảng trên dưới 150 trang. Em có điều kiện đọc trong những cuốn đó những bài viết sắc sảo, có giá trị về những tác phẩm tiêu biểu, cũng như những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của các nhà văn đó. Các em có thể từ đó học tập cả về cách lập luận, phân tích, chứng minh... những thao tác rất cần thiết của một bài nghị luận văn học.

Thầy đã đọc những cuốn này và thầy chú ý đến một số đề làm văn cũng như một số bài viết hay của học sinh THPT trong các kỳ thi học sinh giỏi. Các em có thể học ở các bài văn đó cách viết sao cho gọn gàng, chặt chẽ, chuẩn xác cũng như có thể học được cả cách viết tài hoa, tinh tế của một số bạn học trước các em. Nếu có thời gian, các em nên thử sức bằng việc tự mình làm một số bài văn mà đề đã có trong các sách đó.

Các em nên lưu ý, đặc trưng của bài văn khác các bài làm của các môn khác ở chỗ, vừa phải đảm bảo nội dung chính xác, đầy đủ, vừa phải đảm bảo diễn đạt chặt chẽ, tốt hơn nữa phải có chất văn. Người chấm bao giờ cũng chú ý đến những bài đạt được cả 2 yêu cầu nói trên. Cần nói thêm, nên lưu ý viết chữ cho sạch, không dập, xóa, không viết tắt. Nếu đạt được yêu cầu này, em có thể tin vào thắng lợi của mình.

Còn đối với kỳ thi ĐH, đề ra không chỉ thu hẹp trong chương trình 12. Bộ GD&ĐT có thể ra đề thuộc chương trình lớp 11 (phần văn học VN hiện đại). Cho nên, thi THPT xong, em nên dành thời gian để ôn tập cả phần thầy vừa nói.

Đề thi của Bộ những năm gần đây thường gồm 2 phần: phần tái hiện kiến thức (thường là 3 điểm) và phần kiểm tra năng lực sáng tạo (một bài văn thường là nghị luận văn học, về một tác gia, một tác phẩm cụ thể nào đó trong chương trình 11 và 12). Đối với phần tái hiện kiến thức, các em nên viết cho gọn, người ta hỏi gì nói nấy, đừng bàn luận dông dài. Nên dồn sức cho bài làm văn.

Nên nhớ, nhất thiết dành 10 - 15 phút để đọc lại bài viết của mình, chỉnh sửa thật kỹ những lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi đặt câu.

Ảnh Khả Hòa

* Bai vo nhieu qua, em so khong du suc khoe de lo on bai cho muc tieu dau ca hai ky thi tot nghiep THPT va thi DH. Voi kinh nghiem cua mot nguoi thay da day hoc lau nam, em xin thay Ta cho em mot so loi khuyen de giu duoc suc khoe tot trong mua luyen thi nay? (Ly Van Trung, 18 tuổi, Nam, Ninh Hoa, Khanh Hoa, Hoc sinh)

- PGS-TSKH Trần Hữu Tá: Những vất vả mà em đang phải gánh chịu thầy cũng đã từng nếm trải cách đây hơn nửa thế kỷ. Cho nên thầy hết sức thông cảm với em. Thầy cũng đang giúp cho cháu nội của thầy ôn tập luyện thi. Phương châm của thầy là "Đã đi, khắc đến" với tinh thần mà cha ông đã dạy: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Đúng là trong hoàn cảnh của em bất cứ ai cũng đều có cảm giác "ngợp" trước "biển" kiến thức. Đừng sợ! Thời gian ủng hộ em. Và quan trọng hơn, chính nghị lực, sự quyết tâm và cách ôn luyện khoa học sẽ giúp em đạt kết quả tốt.

Như trên thầy đã trao đổi, em nên xây dựng một kế hoạch làm việc cụ thể. Buổi nào ôn môn gì, bài nào. Cứ thế mà thực hiện. Em nên tranh thủ vừa học tập vừa có ít phút thư giãn trong phòng, trong sân, có thể mở băng để nghe một bản nhạc mà em thích, có thể vào bếp giúp mẹ nhặt một mớ rau, vừa làm vừa nói chuyện với mẹ. Chắc chắn sau mươi phút thư giãn như thế em có thể lại tiếp tục học với một đầu óc tỉnh táo.

Em nên đặc biệt chú ý đến giấc ngủ hằng đêm. Tuyệt đối không nên thức khuya quá. Theo ý thầy, 23h đi ngủ là vừa phải. Nên phấn đấu dậy sớm lúc 5h. Nếu chỉ có mình em chắc không nổi đâu. Đồng hồ báo thức cũng vô nghĩa. Vì các em đang ở tuổi ăn, tuổi ngủ mà. Nên có sự chi viện của cha mẹ hoặc ông bà. Sáng ra, hãy dành ít phút để tập thể dục, sau đó vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Chừng 5h30, em có thể ngồi vào bàn học được rồi. Nên chú ý một giấc ngủ phụ: đó là 15 - 20 phút ngủ trưa. Không cần nhiều hơn, chỉ ngần ấy thời gian thôi đầu óc có thể tỉnh táo trở lại. Chúc em thành công!

* Cho em hỏi la em trong Giấy khai sinh và CMND la Hoàng Viết Hùng còn trong bằng cấp III em là Hoàng Ngọc Hùng vậy em có được thi đại học không ạ? Nếu muốn thi thì phải làm sao? Xin tư vấn giúp em phải làm sao? Em đang học ôn ở TP.HCM liệu em có phải về quê làm lại giấy tờ không? (Hung, 23 tuổi, Nam, xom 3 Nam Xuân Nam Đàn nghệ an , hoc sinh)

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Hiện nay các trường ĐH, CĐ khi xử lý dữ liệu về nhân thân của thí sinh thường dựa trên giấy khai sinh và bằng tốt nghiệp THPT. Do đó thí sinh cần phải thống nhất các thông tin trên những giấy tờ này. Nghĩa là phải điều chỉnh các chi tiết trên bằng tốt nghiệp phổ thông sao cho trùng khớp với giấy khai sinh hoặc ngược lại.

Việc chỉnh sửa các chi tiết này được thực hiện tại Sở GD-ĐT hoặc tại các cơ quan tư pháp có thẩm quyền theo các quy định hiện hành. Tại phòng thi nếu việc chỉnh sửa chưa kịp thực hiện thí sinh phải làm giấy cam đoan. Tuy nhiên việc chỉnh sửa này phải hoàn tất trước ngày nhập học để việc cấp bằng tốt nghiệp sau này không gặp trở ngại.

Ban Thanhnien Online - Giáo dục
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.