Nhượng quyền khai thác sân bay, cảng biển: Không doanh nghiệp nào có thể độc quyền

06/04/2015 05:53 GMT+7

Chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực sân bay, cảng biển... của Bộ GTVT nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân cũng như giới chuyên gia. Tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến lo ngại việc nhà nước nhượng quyền khai thác, quản lý cho nhà đầu tư tư nhân nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân.

Chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực sân bay, cảng biển... của Bộ GTVT nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân cũng như giới chuyên gia. Tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến lo ngại việc nhà nước nhượng quyền khai thác, quản lý cho nhà đầu tư tư nhân nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân.
 
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - Ảnh: Ngọc Thắng
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng xung quanh vấn đề này.
Nhà đầu tư nước ngoài chưa được tham gia
Ngay khi Bộ GTVT chính thức công bố chủ trương xã hội hóa đầu tư các công trình giao thông lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước đã đề nghị được mua đứt, đầu tư hoặc nhượng quyền kinh doanh sân bay, cảng biển... Bộ trưởng có bất ngờ trước nguồn lực của khối DN này không?
Tôi không bất ngờ bởi chúng tôi đã thể nghiệm ở lĩnh vực đường bộ trước khi xin Chính phủ cho chủ trương và mở rộng ra các lĩnh vực khác như hàng hải và hàng không. Có thể còn nhiều người chưa biết rằng, tính đến nay, Bộ GTVT đã huy động đầu tư từ tư nhân cho các dự án đường bộ lên đến 194.000 tỉ đồng (tương đương 9 tỉ USD) theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT).
Ngay trong lĩnh vực cảng biển, trước khi chính thức xã hội hóa đầu tư thì nguồn vốn tư nhân trong nước và FDI rót vào một số công trình đã lên đến khoảng 7,8 tỉ USD (tính theo giá năm 2014). Còn trong lĩnh vực hàng không thì vừa qua Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi Tập đoàn Rạng Đông đầu tư theo hình thức BOT khu hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết với tổng mức là 1.694 tỉ đồng; dự án này đã chính thức được khởi công. Ngoài ra chúng tôi phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh kêu gọi xã hội hóa xây cảng hàng không Quảng Ninh, đối tác là Tập đoàn Sun Group chấp nhận mức đầu tư 7.494 tỉ đồng, công trình sẽ khởi công trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, nếu có cơ chế hợp lý (về giá phí, chính sách ưu đãi, chia sẻ rủi ro...), chúng ta hoàn toàn có thể huy động nguồn lực rất lớn từ tư nhân.
Ông đánh giá thế nào về năng lực của các nhà đầu tư đã chính thức đề xuất cũng như có mong muốn tham gia vào các lĩnh vực này như Vingroup, Sungroup, T&T, Vietjet...? Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào các dự án này không?
Đó là những DN lớn, trưởng thành, có vị thế và có tầm nhìn. Đây là niềm may mắn cho đất nước và báo hiệu sự lớn mạnh của lực lượng kinh tế tư nhân, phù hợp với xu thế phát triển chung. Vì vấn đề an ninh quốc gia, chúng ta chưa có chủ trương kêu gọi đầu tư hoặc nhượng quyền khai thác cảng biển và hàng không cho các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, khi chúng ta đã có kinh nghiệm, thể chế đã hoàn chỉnh, tôi cho rằng hoàn toàn có thể nhượng quyền vận hành khai thác một số hạng mục tại một số sân bay cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, trên thế giới rất nhiều nước đã làm điều này mà vẫn đảm bảo được an ninh cũng như sự hài hòa giữa các lợi ích. Theo tôi, dù chưa có chủ trương nhưng chúng ta nên tính trước đến xu thế này để không bị động khi điều kiện cho phép.
Nhưng thực tế cũng cho thấy Nhật Bản, Hàn Quốc... đã xây dựng được nền kinh tế mạnh là nhờ tin tưởng và có chiến lược xây dựng một đội ngũ DN tư nhân mạnh làm xương sống. Bộ trưởng có cho rằng, mạnh dạn để các DN tư nhân trong nước làm chủ đầu tư các dự án trọng yếu, đồng thời tạo ra những cơ chế, chính sách đột phá để hỗ trợ, chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ các DN tư nhân có tầm vóc, làm nội lực cho nền kinh tế thay vì phụ thuộc vào ngoại lực?
Tôi ủng hộ mạnh mẽ chủ trương mạnh dạn trao cơ hội cho các DN trong nước đi kèm với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy, tạo động lực cho họ phát triển hơn nữa. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, những nền kinh tế mạnh và rất chuyên nghiệp, chắc chắn là hữu ích để chúng ta tham khảo, học tập. Như các bạn đặt vấn đề, Nhật Bản không giao cho nhà đầu tư nước ngoài quản lý cảng biển, sân bay nhưng một số nước phát triển khác như Úc, Canada, Mỹ, Hungary… lại cho phép làm điều đó. Kinh nghiệm của các quốc gia này cũng rất đáng được tham khảo. Quan điểm của cá nhân tôi là với bất cứ việc gì, cứ lấy lợi ích cao nhất của quốc gia làm mục tiêu quy chiếu, sẽ tìm ra câu trả lời có nên làm hay không.
Vai trò quản lý sân bay đều do nhà nước đảm nhiệm, không chuyển giao cho tư nhân - Ảnh: Bạch Dương
Nhà nước vừa quản lý, vừa là trọng tài
Riêng trong lĩnh vực hạ tầng hàng không, nhiều ý kiến lo ngại, việc bán đứt hay nhượng quyền khai thác nhà ga, sân bay... cho một hãng hàng không nào đó sẽ dẫn đến tình trạng hãng đó chỉ chăm chăm phục vụ lợi ích của mình, quan điểm của Bộ trưởng về việc này như thế nào?
Trong kinh doanh, chuyện lợi dụng lợi thế “sân nhà” để vun vén, thiên vị cho bản thân là điều có thể xảy ra. Nhưng với hệ thống luật pháp hiện hành và cơ chế giám sát chặt chẽ mà chúng ta đang và sẽ áp dụng, hoàn toàn có thể loại trừ được hiện tượng đó.
Cụ thể, ngay trong những nguyên tắc thỏa thuận nhượng quyền vận hành khai thác các sân bay đã có sự đề phòng rất cao hiện tượng DN được quyền khai thác chèn ép các DN thuê lại. Đó là tất cả vai trò quản lý (quản lý giá dịch vụ, quản lý bay, cấp phép bay...) đều do nhà nước đảm nhiệm, không chuyển giao cho tư nhân. Nhà đầu tư có trách nhiệm đảm bảo hoạt động vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng một cách liên tục, an toàn. Nhà nước, với vai trò quản lý và là trọng tài, sẽ đảm bảo tất cả các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, cung cấp dịch vụ một cách công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh với giá cả hợp lý. Tất cả các nguyên tắc này sẽ được cụ thể hóa thành các quy định trong hợp đồng nhượng quyền.
Riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được quy định trong luật Hàng không dân dụng và luật Đất đai là chỉ cấp cho cảng vụ hàng không. Kể cả Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) là DN nhà nước cũng phải thuê đất để kinh doanh. Vì thế tôi khẳng định, trong mọi hình thức nhượng quyền, không một DN nào có thể độc quyền hoặc tự ý đề ra các luật lệ có lợi cho họ.
Bộ đã có những cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nguồn lực cũng như hỗ trợ các DN tư nhân tiên phong vào các lĩnh vực này để đẩy nhanh việc xã hội hóa?
Các ưu đãi để hỗ trợ nhà đầu tư đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng đã xác định khi đầu tư công trình giao thông, nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về tiền sử dụng đất và các ưu đãi khác theo quy định của luật DN và quy định hiện hành. Các ưu đãi này sẽ được nêu ra một cách chi tiết cho từng dự án cụ thể căn cứ vào giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Nhu cầu khoảng 1 triệu tỉ đồng
Theo Bộ GTVT, đến năm 2020 nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước vào khoảng 1 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, vốn ngân sách, vốn ODA và trái phiếu chính phủ chỉ đáp ứng được 30% trong số này, còn lại phải huy động xã hội hóa để thu hút đầu tư.
Hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến phát triển hạ tầng ở lĩnh vực này như Tập đoàn Changi - Singapore muốn đầu tư vào cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Phú Bài (Thừa Thiên-Huế); Tập đoàn ADC&HAS - Mỹ mong muốn đầu tư vào CHKQT Cam Ranh (Khánh Hòa). Gần đây nhất là Công ty cổ phần đầu tư VN - Oman (VOI), xin tham gia nhận chuyển nhượng phần vốn tại cảng Hải Phòng. VOI là một DN rất lớn, có công ty mẹ là Quỹ dự trữ quốc gia Oman (SGRF) sở hữu 84,16% vốn điều lệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.