Đã không còn xa lạ hình ảnh con trong phòng thi, người cha, người mẹ (phần lớn ở nông thôn) nhấp nhổm, vật vạ ngoài cổng trường thi trông ngóng con dù nắng hay mưa. Họ để bao lo toan, khó khăn của cuộc mưu sinh thường ngày lại quê nhà để cùng con (cháu) chen chúc vào các đô thị lạ lẫm và rộng lớn chờ mong một sự đổi thay. Không chỉ thí sinh mà rất nhiều phụ huynh luôn xem phía sau cánh cổng trường đại học là một thế giới diệu kỳ mà từ đó họ sẽ đạt được những mong ước bấy lâu. Người xưa có câu “vượt vũ môn, cá chép hóa rồng” để chỉ những kỳ thi như thế này càng chứng tỏ tính chất quan trọng và niềm tin mạnh mẽ về sự đổi thay số phận nếu vượt qua chặng đường này.
Vì mang tính quyết định lớn lao như vậy nên tự thân kỳ thi tuyển sinh đại học vốn rất căng thẳng. Càng căng thẳng hơn khi những năm gần đây mỗi mùa tuyển sinh trở thành một sự kiện lớn của toàn xã hội. Không còn chỉ là chuyện của các trường và Bộ GD-ĐT mà các ban ngành khác cũng phải vào cuộc. Rồi thì không những các tổ chức đoàn thể mà đến các tập thể, cá nhân, tổ chức tôn giáo… cũng tham gia tiếp sức, hỗ trợ cho thí sinh. Chưa dừng lại đó, căng thẳng càng tăng khi Bộ đưa thêm quy định này, quy chế nọ. Tất cả những điều này hết sức nghiêm trọng đối với những thí sinh 17-18 tuổi, (phần lớn) lần đầu tiên đến với một kỳ thi mang tính quyết định đối với cuộc đời như vậy.
Nhưng những điều đang xảy ra dường như chỉ mới là một vế của vấn đề. Cả xã hội đều cố gắng chứng minh cho thí sinh thấy tính chất quan trọng của kỳ thi này và củng cố niềm tin vào được đại học, cao đẳng là tương lai tươi sáng. Vế còn lại, cam kết của các trường giúp thí sinh một khi trở thành sinh viên thực hiện được niềm tin ấy, thường bị lãng quên.
Thực tế không ít sinh viên chán ngán giảng đường đại học ngay từ năm thứ nhất bởi cái họ chờ đợi, đặt niềm tin vào một trường đại học đã không diễn ra đúng như vậy. Lâu nay chúng ta thường than phiền chương trình phổ thông quá hàn lâm, siêu việt, quá tải nhưng chương trình đào tạo bậc sau phổ thông hiện cũng chẳng khá hơn; sinh viên vẫn phải học quá nhiều những điều thật sự không cần thiết.
Nhiều trường chưa có môi trường học thuật đúng nghĩa. Nhan nhản trường đại học kiểu trường thuê, thầy tạm; nội bộ xào xáo; nói (quảng cáo) không đi đôi với làm (thực tế); liên kết, liên thông bát nháo; nhiều giảng viên chưa đủ phẩm chất của một người làm thầy bậc đại học.
Thực tế có quá nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường không tìm được việc làm đành chấp nhận làm những việc mà không cần phải vượt qua một kỳ thi tuyển sinh căng thẳng và mất ít nhất 4 năm học tập. Thậm chí, có những đơn vị từ chối thẳng thừng bằng tốt nghiệp của sinh viên từ trường X, Y nào đó…
Những thực tế trên cho thấy nhiều trường đặt nặng kỳ tuyển sinh đầu vào mà không chú trọng quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra. Nghĩa là không thực hiện đúng cam kết với thí sinh.
Niềm tin đổ vỡ khi những cam kết không được thực hiện.
Và như thế, cứ mỗi mùa tuyển sinh đại học lại thấy thương thật nhiều những người cha, người mẹ cùng thí sinh rồng rắn, chở che nhau trên hành trình thực hiện niềm tin.
Thùy Ngân
Bình luận (0)