Niềm tự hào của Làng SOS

21/08/2015 11:55 GMT+7

Đó là em Nguyễn Văn Khương (18 tuổi, quê xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam), hiện đang sống tại Làng SOS Đà Nẵng.

Đó là em Nguyễn Văn Khương (18 tuổi, quê xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam), hiện đang sống tại Làng SOS Đà Nẵng.

Niềm tự hào của Làng SOSKhương tranh thủ thời  gian rỗi chăm sóc đàn heo nuôi trong Làng SOS Đà Nẵng - Ảnh: An Dy
Học bổng du học Nga
Cách đây 3 năm, khi Khương đang học lớp 9, người mẹ vốn ngày ngày oằn lưng mưu sinh với gánh phế liệu bị u tuyến giáp phải mổ, trong khi cha còn lênh đênh với những chuyến biển dài ngày. Gia cảnh vốn đã khó khăn trở nên ngặt nghèo. Cậu bé Khương là người duy nhất trong 4 anh em được chọn đưa ra nuôi dưỡng tại Làng SOS Đà Nẵng. Rời làng chài nghèo, hành trang “lên đường” của Khương chỉ là xấp giấy khen học sinh giỏi 9 năm liền, và quyết tâm phải học để vươn lên, học để thay đổi cuộc sống. Chân ướt chân ráo từ quê ra phố, ngay trong năm học đầu tiên ở Trường Hermann Gmeiner (Đà Nẵng), Khương đã được chọn đi thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố và ẵm ngay giải nhì. Năm kế tiếp, Khương đạt giải ba ở Hội thi tin học trẻ TP.Đà Nẵng. Năm học 2014-2015, Khương thi học sinh giỏi Toán toàn thành phố và ôm luôn giải nhất khiến bạn bè phục lăn. “Học lực của Khương gây ấn tượng với chúng tôi ngay năm đầu tiên chỉ với tinh thần tự học là chính. Học giỏi, khiêm nhường và giản dị, cậu học trò này chiếm cảm tình của hầu hết thầy cô, bè bạn trong trường”, cô Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner “khoe” về cậu học trò ưu tú của mình.
Nhưng ấn tượng nhất trong thành tích tự học của Khương có lẽ là cú “săn” học bổng du học toàn phần tại Nga, sau khi ghi điểm tuyệt đối 100/100 điểm. Khương đã vượt qua gần 200 học sinh tại Đà Nẵng để trở thành quán quân trong Cuộc thi Olympic Toán, một hợp phần của chương trình “Đã đến lúc du học Nga” vừa được Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức. Khương tự tin trở thành cậu học trò đầu tiên của Làng SOS Đà Nẵng và cả của Trường Hermann Gmeiner giành được học bổng toàn phần cho 5 năm du học tại Nga.
28 điểm vì làm bài kiểu “tài tử”
Đó là số điểm “ấn tượng” để xét tuyển vào Khối B các trường đại học công lập của cậu học trò nghèo. Với điểm số 3 môn toán (9), hóa (9,5), sinh (9,5) trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Khương nắm chắc tấm vé để vào Đại học Y Dược Huế, ngôi trường mà ba mẹ em đặt nhiều kỳ vọng. Giấc mơ du học Nga, ngành Điện hạt nhân mà theo em đánh giá là đầy triển vọng, cũng thành hiện thực .
Nói về chuyện điểm số, anh Trần Quốc Hưng, nhân viên giáo dục Lưu xá Thanh niên (Làng SOS Đà Nẵng) vẫn thấy có chút tiếc nuối: “Lẽ ra môn toán phải 10 điểm, tổng điểm là 29 mới đúng. Ai đời đi thi mà “tài tử” quá, thấy làm chừng đủ để đậu rồi thì thôi không làm nữa...”. Nói là vậy, nhưng anh Hưng cũng không giấu được vẻ tự hào, vì theo anh, Khương là tấm gương, là ước mơ, là động lực để những đứa trẻ mồ côi, trẻ em nghèo ở Làng SOS cùng vượt khó vươn lên học giỏi. Bởi những đứa trẻ càng chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi thì càng ý thức sâu sắc cơ hội học tập để làm chủ cuộc sống, vươn đến ước mơ.
Cũng vì vậy mà những thói quen, phương pháp học tập hiệu quả của Khương cũng được các bạn quan tâm đặc biệt. Khương khiêm tốn cho biết: “Mỗi lần học, em chỉ học 1 môn. Ở trường học cái gì, thích thú với môn nào thì về nhà em học ngay môn đó, mày mò sau trước, nông sâu cho thật cặn kẽ, thấu đáo. Vì học kiểu này nên em phân chia thời gian biểu khá chặt chẽ để đảm bảo thời khóa của từng môn”. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có giải trí, vui chơi. Anh Hưng cho biết, thú giải trí của Khương cũng khá đặc biệt, đó là mày mò viết các phần mềm trò chơi phổ biến cho các bạn trong Làng SOS Đà Nẵng. Còn rảnh ra nữa thì chăm heo, nuôi gà... “Nhìn bề ngoài có vẻ cù lần, khờ khạo nhưng làm cái gì thì ra cái đó, bởi Khương tư duy rất khoa học và luôn hướng đến sự khác biệt. Trong khi các bạn học ngày học đêm thì Khương chỉ học khi thích”, anh Hưng nói thêm.
Nhìn cậu học trò ưu tú cẩn thận mang xô cám đổ vào máng cho bầy heo đang háu đói, thầy Nguyễn Tấn Lương, Phó giám đốc phụ trách Lưu xá Thanh niên, không giấu được niềm yêu thương, triều mến: “Cậu bé này chịu thương chịu khó, giản dị nhưng đầy nội lực. Cậu ấy có tố chất rất tốt nên nếu gặp môi trường ưu việt thì hy vọng sẽ phát huy hết khả năng. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được tiếp sức cho các bạn ấy, hạnh phúc khi được nhìn thấy những đứa trẻ tự tay mình chăm sóc, giáo dưỡng học hành thành tài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.