Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa có công văn số 5140-CV/TU gửi Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ về việc điều chỉnh, thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW bằng nguồn điện khí LNG trong Quy hoạch điện lực 7 điều chỉnh.
|
Công văn nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31.8.2018 của Chính phủ, trong đó có nội dung ưu tiên xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và xây dựng tổ hợp điện khí Cà Ná với quy mô phù hợp; Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho bổ sung quy hoạch điện 7 điều chỉnh nhà máy điện khí Cà Ná với quy mô công suất khoảng 6.000 MW.
Trên cơ sở các kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận và Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Trung tâm điện khí LNG Cà Ná (gọi Điện khí Cà Ná) vào quy hoạch điện 7 điều chỉnh; trong đó giai đoạn 1 có quy mô công suất 1.500 MW đưa vào vận hành năm 2025 - 2026, các giai đoạn sau sẽ xem xét cụ thể trong Quy hoạch điện 8.
Tuy nhiên, để phát huy tính đồng bộ, hiệu quả và rút ngắn thời gian đầu tư Điện khí Cà Ná đảm bảo đạt công suất 6.000 MW và kết hợp đầu tư cảng LNG Cà Ná, thuộc khu vực Cảng biển nước sâu Cà Ná (cho phép tàu 300.000 tấn cập cảng), Tỉnh ủy Ninh Thuận kính đề nghị Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho Ninh Thuận được điều chỉnh, thay thế phần quy mô công suất 4.600 MW từ nguồn dự án điện hạt nhân trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh bằng phát triển nguồn điện khí LNG tại Điện khí Cà Ná, để đảm bảo hiệu quả đầu tư cho dự án Điện khí Cà Ná và góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31.8.2018 của Chính phủ.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận nhận định, Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh điện lực quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) sẽ đưa vào vận hành nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW; quy hoạch hạ tầng lưới điện truyền tải tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh cũng đã được tính toán đảm bảo phù hợp với công suất nguồn phát điện hạt nhân này.
Tuy nhiên, hiện nguồn điện hạt nhân đã dừng thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, do đó cần thay thế phần quy mô công suất 4.600 MW điện hạt nhân trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh bằng nguồn điện khí LNG là cần thiết, phù hợp.
Bình luận (0)