Dấu ấn đậm nét của thanh niên xứ Quảng
Cánh đồng lúa nước rộng hơn 3 ha ở thôn Nước Kiết (xã Phước Kim, H.Phước Sơn, Quảng Nam) xanh mơn mởn được hình thành từ việc khai hoang, phục hóa của hàng trăm thanh niên sau đợt ra quân tình nguyện cách đây 10 năm (vào tháng 3.2014). Đây là một trong những công trình thanh niên tình nguyện tiêu biểu, thiết thực nhất hiện còn phát huy giá trị cao, in dấu ấn đậm nét của sức trẻ xứ Quảng.
Nhìn cánh đồng lúa nước rộng lớn bằng phẳng, già làng Hồ Văn Ghim vui mừng nói: "Nhờ cánh đồng lúa này, người dân mình mới no cái bụng quanh năm. Người dân gọi đây là "cánh đồng thanh niên", bởi nó được hình thành từ những giọt mồ hôi, công sức của hàng trăm người trẻ".
Toàn thôn Nước Kiết có 31 hộ dân với gần 150 nhân khẩu, 100% là đồng bào Giẻ Triêng. Diện tích đồi núi chiếm khoảng gần 90%, phần lớn là đất cằn cỗi, không thuận lợi cho cây trồng, nhất là cây lương thực. Thời điểm giáp hạt, cả thôn thiếu gạo, phải chờ nhà nước cấp gạo cứu đói do diện tích đất canh tác ít, chủ yếu trồng lúa rẫy nên hiệu quả kinh tế thấp. Trước năm 2014, Nước Kiết là thôn được xếp vào diện đặc biệt khó khăn của xã Phước Kim. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, đời sống của nhân dân trong thôn còn gặp rất nhiều khó khăn...; nhưng từ khi cánh đồng lúa nước được khai hoang đã mang lại cho nhiều hộ dân sự no đủ.
Theo già Ghim, khu vực này trước đây là cây hoang, bụi rậm. Dân làng vẫn biết nơi này rất có tiềm năng khai hoang để canh tác lúa nước, nhưng sức dân có hạn nên mơ ước về một cánh đồng rộng lớn vẫn là một điều xa vời. "Mơ ước của người dân làng mình đã được các bạn trẻ hiện thực hóa. Cái chi khó đã có người trẻ lo. Điều vui mừng nhất là năm nào kho lúa của người dân cũng đầy ắp, không còn cảnh thiếu đói nữa. Chính cánh đồng lúa này góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con", già Ghim bày tỏ.
Đang gieo sạ trên cánh đồng lúa rộng hơn 2 sào của gia đình, chị Hồ Thị Mát (31 tuổi, ở thôn Nước Kiết) cho hay trước đây lúc nào gia đình chị cũng sống trong cảnh thiếu thốn lương thực. Từ khi được chia cho một phần đất ở cánh đồng này để sản xuất, cuộc sống của gia đình gồm 5 người lúc nào cũng có cơm ăn, không còn cảnh ăn sắn trừ bữa. "Thanh niên còn hướng dẫn bà con biết làm lúa nước, không còn cảnh lo thiếu đói nữa", chị Mát nói với giọng đầy tự hào.
Đất hoang cho quả ngọt
Để có được công trình thanh niên ý nghĩa này, gần 300 đoàn viên, thanh niên huyện vùng cao Phước Sơn đã được huy động tham gia lao động cật lực trong 2 ngày. Lán trại dựng ngay tại cánh đồng để ở lại. Những bạn trẻ chia nhau từng đội nhóm, phát dọn cây dại, khai hoang, đắp bờ bất kể nắng mưa, ngày đêm chỉ với mong muốn sớm tạo thành từng mảnh ruộng bằng phẳng để người dân sản xuất. Đất vừa khai phá xong, thanh niên đứng ra hướng dẫn bà con cách gieo sạ, bón phân, làm cỏ, dẫn nước vào ruộng...
Trực tiếp tham gia khai phá mảnh đất cằn cỗi thời điểm đó, anh Hồ Văn Niêm, nay là Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Phước Kim, cho hay mỗi lần đi qua "chiến trường xưa", nhìn những cánh đồng lúa nước rộng lớn trĩu hạt, anh không khỏi xúc động, tự hào. "Tôi rất mừng vì công sức, mồ hôi của người trẻ đổ xuống, cây lúa đã xanh lên. Có thể nói, đất hoang đã hóa quả ngọt", anh Niêm nói.
Thời điểm đó, đường lên xã vùng cao Phước Kim chưa được đầu tư nên việc đi lại rất khó khăn. Chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ, một số vị trí sẽ xảy ra sạt lở. Dù biết nguy hiểm luôn thường trực, nhưng với khí thế hừng hực, hàng trăm đoàn viên, thanh niên đã hỗ trợ nhau vượt hàng cây số đến với thôn Nước Kiết. Biết rõ tình cảnh dân làng còn khốn khó, không muốn phiền hà nên các bạn trẻ gùi cõng thêm lương thực, thực phẩm để nấu ăn. Nhưng công việc nặng nhọc, số lượng người đông nên đôi lúc lực lượng thanh niên phải ăn thêm sắn trừ bữa.
Ông Hồ Văn Tròn, Chủ tịch UBND xã Phước Kim, cho hay không phụ công sức của thanh niên, gần 10 năm qua người dân thôn Nước Kiết luôn chăm chỉ sản xuất, phát huy hết hiệu quả kinh tế của cánh đồng để thu về những mùa vàng bội hạt. "Đây là công trình thanh niên ý nghĩa, thiết thực nhất mà người trẻ dành cho người dân. Điều chúng tôi tự hào, vui mừng hơn hết là khi cánh đồng lúa nước hình thành, không còn cảnh người dân xâm hại đất rừng tự nhiên để khai hoang trồng lúa rẫy nữa", ông Tròn chia sẻ.
"Cánh đồng từ sức khai phá của người trẻ không chỉ giúp bà con biết làm lúa nước, có cái ăn, no cái bụng mà còn giúp phát huy tính cộng đồng bao đời nay của đồng bào mình, như việc hỗ trợ lẫn nhau làm lúa nước", ông Tròn khẳng định.
Bình luận (0)