Nỗ lực điều trị từng bệnh nhân Covid-19

Liên Châu
Liên Châu
10/04/2020 07:00 GMT+7

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là chủng hoàn toàn mới, chúng ta có phác đồ, nhưng chưa có phác đồ điều trị chuẩn, đặc biệt không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên phải điều trị triệu chứng.

Chưa có phác đồ điều trị chuẩn, không có thuốc điều trị đặc hiệu, vừa điều trị vừa rút kinh nghiệm... nhưng những nỗ lực của các y bác sĩ đã mang lại kết quả đáng ghi nhận khi đến nay hơn 50% số bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã được điều trị khỏi, không có ca bệnh tử vong.
Cụ thể, đến cuối ngày 9.4, có 255 bệnh nhân (BN) Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, trong đó 128 ca đã được công bố khỏi bệnh. Trong số BN đang điều trị, 17 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19); 16 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.

Liên tục cập nhật phương pháp mới

Nói về việc điều trị BN Covid-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trưởng ban điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho hay vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là chủng hoàn toàn mới, chúng ta đã có phác đồ, nhưng chưa có phác đồ điều trị chuẩn và đặc biệt không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên phải điều trị triệu chứng. Đây cũng là khó khăn chung của các quốc gia trước bệnh dịch Covid-19. Trong thực tế, Việt Nam đang phải vừa điều trị vừa rút kinh nghiệm và cập nhật phác đồ để việc điều trị hiệu quả hơn. Hiện nay, ta đã bắt đầu thử nghiệm phương pháp điều trị truyền huyết tương chứa kháng thể của BN đã khỏi cho BN Covid-19 nặng, giúp chống lại vi rút.
Phương pháp này Trung Quốc đã áp dụng, Việt Nam cập nhật và giao cho Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, nơi điều trị BN Covid-19, thực hiện; Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư là đơn vị tách huyết tương ra khỏi các thành phần máu, tinh khiết và bảo quản.
Trước lo ngại về nguy cơ tái nhiễm trên ca bệnh đã được công bố khỏi, ông Khuê chia sẻ: “Các BN này vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe 14 ngày, vẫn được làm xét nghiệm lại. Đến hiện tại, chúng ta chưa ghi nhận ca bệnh tái nhiễm. Đây là vấn đề còn rất mới mẻ với tất cả các nước và đang được nghiên cứu. Tại Việt Nam, do mới có các BN khỏi bệnh trong 2 tháng qua nên cần có thêm thời gian để khẳng định về nguy cơ tái nhiễm”.

Phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân

Theo ông Khuê, qua giám sát dịch tễ và xét nghiệm, trong nước đã ghi nhận các BN Covid-19 không có triệu chứng bệnh, khiến nhiều người lầm tưởng vi rút gây bệnh nhẹ. Tại các cơ sở tiếp nhận điều trị, đã có các BN biểu hiện viêm đường hô hấp, viêm phổi, một số có biểu hiện nặng (suy hô hấp) và rất nặng, đến mức phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Có 4 ca bệnh đang ở tình trạng “rất nặng”.
Một nhóm bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư Ảnh: Đan Hạ

Một nhóm bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

Ảnh: Đan Hạ

“Dù ca bệnh Covid-19 có diễn biến nặng và rất nặng không phải là đa số, nhưng không thể chủ quan nói bệnh nhẹ hay nặng. Vì vi rút này có thể bùng lên, tấn công rất mạnh, mặc dù BN khi khởi phát không có biểu hiện đặc biệt. Chính vì vậy, quá trình điều trị đã đòi hỏi các bác sĩ rất sát sao theo dõi diến biến, phác đồ điều trị phù hợp với từng người”, ông Khuê nói và cho biết thêm, ngay với trường hợp vẫn được xem là có sức khỏe tốt (như BN thứ 91 - là phi công), hôm đầu còn khỏe nhưng sau đó viêm phổi, phải thở máy, can thiệp ECMO. Do đó, không thể chủ quan.
“Khi vi rút phát triển, nhân rộng, tấn công vào phổi thì gây bệnh rất nặng. Mọi BN đều được điều trị tích cực và cơ thể có kháng thể tốt thì bệnh sẽ lui sớm hơn. Nhưng qua thực tế điều trị, không cho phép chúng ta nói trước ai sẽ nặng hay ai sẽ nhẹ”, ông Khuê lưu ý, đồng thời nhấn mạnh: “Chỉ một con vi rút thôi cũng có thể gây bệnh, và diễn biến bệnh thì không thể nói trước được. Khởi đầu có thể nhẹ nhưng hoàn toàn có thể gây bệnh và gây biến chứng nặng. Nó phụ thuộc vào từng thể trạng, có thể đang ổn định nhưng sau đó bệnh sẵn sàng bùng lên”.

Huy động đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu

Để chủ động trong công tác điều trị ca bệnh nặng và đảm bảo BN Covid-19 dù ở cơ sở y tế nào cũng được các chuyên gia giỏi điều trị, Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị BN Covid-19 đặt tại Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã được thành lập từ đầu tháng 3 vừa qua, ngay từ khi trong nước xuất hiện các ca bệnh đầu tiên. 11 đội phản ứng nhanh hỗ trợ tuyến dưới cũng đã được thiết lập tại các BV tuyến cuối.
Bác sĩ thăm khám cho người cách ly tập trung ở Q.2 Ảnh: Xuân Bình

Bác sĩ thăm khám cho người cách ly tập trung ở Q.2

Ảnh: Xuân Bình

Ông Khuê cho hay liên tục các tuần gần đây, các thành viên của hội đồng là chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hồi sức tích cực, hô hấp đã hội chẩn các BN nặng. Trong đó có các ca phải thở máy được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) là BN số 20 (60 tuổi) và BN 161 (88 tuổi) từ BV Bạch Mai chuyển sang. Hay trường hợp BN 91, là phi công người Anh, tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Các chuyên gia của tổ hội chẩn đã đánh giá tình trạng tổn thương phổi của các BN nặng, tình trạng xuất huyết não (của BN 181), các chỉ số sinh tồn khác, đồng thời thống nhất trong hướng chẩn đoán, điều trị, sử dụng thuốc và xét nghiệm trong quá trình điều trị. Đánh giá diễn biến bệnh với ca bệnh rất nặng, dù là người Việt Nam hay nước ngoài được dành các điều kiện tốt nhất. Những ngày gần đây, có BN người nước ngoài rất nặng, nhưng tất cả đều thống nhất điều trị cho BN này trên tinh thần “còn nước còn tát”.
Còn theo Bộ Y tế, với 4 phương châm tại chỗ: cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, việc kết nối giữa chuyên gia, BV tuyến cuối với các BV tuyến dưới giúp chuyển tải nhanh chóng các chỉ đạo điều hành, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn từ các lãnh đạo, chuyên gia tới những bác sĩ ở tuyến đầu đang trực tiếp điều trị người bệnh.
Việc áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch. Đảm bảo nguồn nhân lực giỏi tiếp cận đến các cơ sở điều trị BN Covid-19 cần hỗ trợ chuyên môn.

Sẵn sàng với các kịch bản cao hơn

Để giành thế “chủ động” trong cuộc chiến với Covid-19, nhiều tỉnh thành đã lập ra những kế hoạch chi tiết, từ chữa trị cho đến phương án cách ly tập trung. Tại TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh vừa trình UBND TP kế hoạch tổng thể về điều trị, ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19 trong tình huống TP xuất hiện từ 50 - 500 BN Covid-19 và tương ứng có 740 - 3.200 trường hợp nghi ngờ; nhằm chủ động nguồn lực đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị tất cả BN.
Tại Hà Nội, với các cơ sở sẵn có và việc xây dựng Bệnh viện dã chiến Mê Linh, TP có thể điều trị khoảng 1.000 BN Covid-19 cùng lúc; đồng thời sẵn sàng điều trị 2.000 - 3.000 BN. Còn tại Đà Nẵng, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Út cho biết TP đã xây dựng kịch bản chống dịch ở cấp độ 4, với 740 ca nhiễm.
T.N 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.